Đạm Cà Mau: Khát vọng vươn tầm khu vực

(ĐTCK) Không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định về các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã chứng khoán DCM) còn xây dựng thành công các nền tảng đảm bảo cho sự phát triển bền vững như hệ thống quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, bên cạnh việc duy trì văn hóa công ty đầy bản sắc. 
Đạm Cà Mau đã đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu phát triển. Đạm Cà Mau đã đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu phát triển.

Đạm Cà Mau đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Tận dụng đà tăng trưởng - Tiếp nối thành công

Quý I vừa qua, Đạm Cà Mau đạt 1.315 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 259,5 tỷ đồng, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 457 đồng. Năm 2018, theo kế hoạch dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu 5.496 tỷ đồng doanh thu, 650 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Như vậy, chỉ trong quý I, Công ty đã hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận của năm 2018.

Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau đã tăng lên hơn 6.394 tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2018, trên vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng. Trong đó, tổng Quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 803 tỷ đồng.

Hiệu quả kinh doanh tích cực trong quý I/2018 của Đạm Cà Mau đến từ năng lực vượt trội trên nhiều mặt của doanh nghiệp, từ sản xuất, kinh doanh cho tới công tác R&D. Kết quả này còn là sự tiếp nối đà tăng trưởng vững chắc của năm 2017.

Cụ thể, về sản xuất, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành liên tục an toàn, ổn định với hiệu suất lên tới 108% công suất, qua đó đưa sản lượng năm 2017 cán mốc 850.000 tấn, hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng, một thành tích cao nhất từ khi đưa Nhà máy vào vận hành. Về kinh doanh, Công ty đã tiêu thụ được 940.000 tấn phân bón các loại, giúp doanh thu tăng trưởng trên 10% so với năm trước.

Lần đầu tiên bộ sản phẩm Đạm Cà Mau với hơn 7 loại sản phẩm vô cơ, khoáng hữu cơ, sinh học như đạm xanh N46. Plus, đạm khoáng N. Humate... đã được đưa ra thị trường và được hàng triệu nông dân trên khắp cả nước đón nhận tích cực.

(R&D) “Hạt Ngọc Mùa Vàng” của Đạm Cà Mau đã mang lại mùa vàng bội thu cho hàng triệu nông dân.

Hiện, Đạm Cà Mau đang triển khai Dự án sản xuất phân bón phức hợp NPK cao cấp từ urea nóng chảy với công suất 300.000 tấn/năm. Dự án được khởi công từ quý II/2017, dự kiến đi vào vận hành cuối năm nay. Đây là dự án được đánh giá có thể đem lại sự đột phá cho Công ty bởi nhu cầu NPK cao cấp của thị trường trong nước đang rất lớn với hơn 4 triệu tấn/năm.

Vững nền tảng để bứt phá

Đạm Cà Mau mới tròn 7 năm thành lập, tuy nhiên đã chính thức cán mốc 5 triệu tấn urea vào tháng 4/2018. Tuổi đời chưa dài, nhưng doanh nghiệp đã có những bước tiến dài và vững chắc, khẳng định vị thế trên thị trường phân bón trong nước và vươn ra xuất khẩu trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các doanh nghiệp cùng ngành và phân bón nhập khẩu.

Bên cạnh việc duy trì tốt công tác sản xuất - kinh doanh, Công ty đã xây dựng hệ thống quản trị công ty hiện đại. Tại Đạm Cà Mau, bộ máy được tổ chức khoa học, đúng người, đúng việc nên hầu như không có sự lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ được chú trọng từ rất sớm đã góp phần tạo ra sự minh bạch, hiệu quả của cả hệ thống. Đạm Cà Mau đã áp dụng nhiều công nghệ quản trị theo chuẩn mực quốc tế như hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), COSO, phần mềm DMS để quản lý hệ thống kênh phân phối… Nhờ vậy, năm 2017, Đạm Cà Mau được đánh giá là đơn vị có hệ thống quản trị tốt nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Yếu tố cạnh tranh đặc biệt của Đạm Cà Mau còn nằm ở văn hóa công ty, coi trọng sáng tạo và đổi mới, tinh thần làm việc đồng đội. Đây chính là yếu tố mềm giúp Đạm Cà Mau liên tục tăng trưởng, đạt năng suất lao động và hiệu quả cao.

Dưới góc nhìn của đơn vị tư vấn chiến lược, E&Y Việt Nam đánh giá cao chiến lược phát triển bền vững dài hạn của Đạm Cà Mau trong môi trường vô cùng đa dạng và biến động. Đạm Cà Mau đã đầu tư mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu phát triển (R&D) với nhiều hướng đi đa dạng, trong đó có việc ra mắt Trung tâm Nghiên cứu phát triển, hoàn thiện ba trung tâm khảo nghiệm tại Cà Mau, Cần Thơ, Lâm Đồng để phát triển các dòng phân bón theo định hướng thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, Đạm Cà Mau cũng tăng cường tìm kiếm, hợp tác với các đối tác như Viện Hóa học công nghiệp, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, đối tác trong và ngoài nước như Solvay (Bỉ) và ICL (Israel… để nghiên cứu phát triển các dòng phân bón mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của Công ty.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó tổng giám đốc E&Y Việt Nam nhận xét: “Ở góc nhìn của một nhà tư vấn độc lập, chúng tôi nhận thấy Đạm Cà Mau đang đi đúng hướng trên con đường phát triển thành một tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Với một tầm nhìn và nhiều giải pháp thực thi mạnh mẽ, Đạm Cà Mau đang từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa “Hạt Ngọc Mùa Vàng” đến năm 2025 trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phân bón ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”.

Việt Phong - Trúc chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục