Cản trở không ngăn bước PNJ

(ĐTCK) Khát vọng nâng cao vị thế trở thành động lực thúc đẩy PNJ tiến bước, cả khi thuận lợi cũng như lúc có liên đới đến DongA Bank. 
Cản trở không ngăn bước PNJ

Không có rào cản

PNJ và DongA Bank được cho là có mối quan hệ mật thiết khi Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung là vợ ông Trần Phương Bình, nguyên Chủ tịch DongA Bank - người vừa bị tòa án sơ thẩm tuyên phạt mức án chung thân vì hậu quả nghiêm trọng gây thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng cho DongA Bank.

Mối quan hệ giữa PNJ và DongA Bank còn thể hiện trong khoản đầu tư của PNJ tại DongA Bank với hơn 395 tỷ đồng, tương đương gần 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm 7,7% vốn điều lệ. Tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn ngân hàng này. Bà Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ, cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongABank giai đoạn từ năm 1992 -1997.

Tuy nhiên, khi DongA Bank rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt kể từ tháng 8/2015 cũng là lúc PNJ sớm trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư trên.

Vì thế, trả lời thắc mắc của cổ đông tại các Đại hội đồng cổ đông thường niên trong những năm gần đây về việc PNJ liên quan đến DongA Bank, Chủ tịch HĐQT PNJ luôn khẳng định rằng, Công ty không có liên quan và bị ảnh hưởng từ những vấn đề của DongABank. Mọi hoạt động kinh doanh của PNJ đều ổn định và tăng trưởng tốt.

Ở PNJ, vai trò của bà Dung vẫn luôn ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn bà mạnh dạn chuyển đổi, đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ vàng miếng sang bán lẻ vàng trang sức. Nhờ đó mà doanh thu năm 2016 của PNJ tuy chỉ bằng khoảng 40% so với Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) nhưng lãi gộp lại gấp 7 lần SJC. Doanh thu bán hàng năm 2017 của PNJ đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng trên 28%; lợi nhuận sau thuế đạt trên 725 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2016.

Năm 2018, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 14.573 tỷ đồng, tăng 33%; lợi nhuận sau thuế 960,16 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước đó. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 đạt 5.749 đồng. Biên lãi gộp tính chung cả năm 2018 cũng ở mức kỷ lục với 19,1%. So với mục tiêu kế hoạch lãi sau thuế PNJ đặt ra đầu năm là 882,4 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành vượt gần 9% chỉ tiêu đề ra.

Yếu tố đã tạo nên kết quả khả quan của PNJ là từ hiệu quả chiến lược mở rộng mạng lưới bán lẻ. Năm 2018, Công ty có kế hoạch mở thêm 40 cửa hàng mới, nhưng thực tế mở được 48 cửa hàng và hiện sở hữu hơn 320 cửa hàng trên cả nước. Đồng thời, PNJ đặt mục tiêu tăng lên 500 cửa hàng và phủ toàn quốc, do nhu cầu ở khu vực nông thôn bắt đầu tăng cao.

CEO PNJ Lê Trí Thông cho hay, hoạt động mở rộng này vừa đẩy mạnh việc đưa thương hiệu trang sức PNJ đến gần khách hàng, phục vụ khách hàng tốt hơn, vừa khẳng định vị thế số 1 của Công ty trong ngành kim hoàn Việt Nam, tạo bệ phóng vững chắc tiến xa hơn trong khu vực.

Đồng thời, lý giải cho sự tăng trưởng bứt phá trong hoạt động kinh doanh năm 2018, ông Thông cho biết, PNJ đã gia tăng thu hút khách hàng mới thông qua công tác truyền thông và cho ra mắt các sản phẩm mới, đẩy mạnh các hoạt động gia tăng lượng khách hàng trung thành quay lại mua sản phẩm. Nhờ vậy, số lượng khách hàng mới đã tăng 50% và số lượng khách hàng cũ quay lại tăng 58% so với cùng kỳ chỉ tính đến hết quý III/2018.

Hiện nay, với cơ cấu dân số trẻ, đời sống ngày càng cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh về số lượng, thị trường Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn.

“Bằng chứng là dù hệ thống phân phối của chúng tôi liên tục được mở rộng, nhưng doanh thu cửa hàng cũ lẫn mới đều tăng mạnh. Mạng lưới bán lẻ của chúng tôi hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường”, ông Thông nói và cho biết, cùng với đó, PNJ đã mở rộng hệ thống phân phối cho khách sỉ bằng việc khai trương cửa hàng sỉ độc lập, tiếp tục phát triển mảng kinh doanh sỉ, tận dụng khoảng trống của thị trường nội địa, xuất khẩu…

Đánh giá về nhu cầu trang sức của người tiêu dùng, cũng như triển vọng kinh doanh của PNJ, các chuyên gia lĩnh vực vàng cho rằng, nhu cầu vàng nữ trang của người dân Việt Nam luôn tồn tại và gia tăng theo sự phát tiển của nền kinh tế, nhất là khi dân số Việt Nam trẻ. Sức mua nữ trang của thị trường đã được cải thiện, tăng trưởng đáng kể. Đó chính là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang có thương hiệu uy tín như PNJ.

Trong phân khúc tầm trung và cao cấp, thị phần của PNJ ước đạt 27%. Và với chủ trương phát triển mạnh hệ thống phân phối cùng nguồn lực hiện có, con số này dự kiến sẽ tiến đến 30,4% vào năm 2020. 

Sức bật của tuổi 30

Nói đến PNJ, ít người không biết đến vị “nữ tướng” có tiếng tăm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng trang sức đã gây dựng và chèo lái con thuyền PNJ đi đến thành công suốt 30 năm qua, đó chính là bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ.

Cũng chính bà đã kiêm nhiệm ghế “nóng” Chủ tịch và Tổng giám đốc PNJ trong suốt chặng đường 30 năm, đưa doanh nghiệp đi qua chặng đường dài xuyên suốt nhiều thời kỳ, từ đổi mới cho đến cổ phần hóa và đón sóng đầu tư nước ngoài. PNJ sớm hút vốn ngoại từ những năm 2007 khi Mekong Capital đầu tư vào Công ty và sau đó là Tập đoàn Vina Capital.

Đến năm, 2016 khi Mekong Capital đến thời hạn thoái vốn thì Dragon Capital đã rót vốn vào PNJ - trở thành cổ đông lớn thứ 2 của PNJ đầu năm 2018.

“Sự nỗ lực trong công cuộc biến thương hiệu thành một phần trong đời sống của người tiêu dùng và sự kiên định chiến lược phát triển bền vững chính là điều kiện đủ để chúng tôi đạt được thành tựu ngày hôm nay, đồng thời tạo đà cho những bước tiến xa hơn trong tương lai”, Chủ tịch HĐQT PNJ chia sẻ.

Hiện tại, PNJ đặt ra những mục tiêu mới để chinh phục chặng đường tiếp theo với một đội ngũ lãnh đạo năng động và trẻ trung hơn. Năm 2018, PNJ tròn 30 tuổi cũng chính là thời điểm Công ty thực hiện việc chuyển giao quyền lực, đón đầu xu hướng kinh doanh mới theo sự bùng nổ của làn sóng công nghệ 4.0 và sự xuất hiện của ông Lê Trí Thông, tân Tổng Giám đốc PNJ được Đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua vào tháng 4/018 được cho là một lựa chọn đúng.

 Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, sinh năm 1979, tốt nghiệp hạng ưu chương trình MBA tại Đại học Oxford và là kỹ sư công nghệ hóa học, nhưng ông Thông đã trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau tại các tập đoàn quốc tế, các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đặc biệt, ông Thông gia nhập DongA Bank vào năm 2008, đến cuối 2012 là Phó tổng giám đốc ngân hàng này, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch HĐQT CTCP Thẻ thông minh ViNa - V.N.B.C.

Trước khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào 8/2015 và Chủ tịch HĐQT Trần Phương Bình bị bắt vào cuối năm 2016, giai đoạn 2006 - 2011, DongA Bank luôn đạt tăng trưởng cao. Lợi nhuận cổ tức chi trả cổ đông năm 2008 lên đến 21% và liên tục duy trì ở mức hai con số trong thời gian này.

Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn này (2008 - 2012), ban lãnh đạo DongA Bank có dấu hiệu đi chệch hướng, đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản để đẩy mạnh tín dụng, khiến ngân hàng này lao dốc không phanh.

Đến tháng 2/2014, ông Lê Trí Thông bất ngờ thôi làm Phó tổng giám đốc khi ông vẫn vốn là người được cho là sẽ kế nhiệm vị trí Tổng giám đốc DongA Bank của ông Trần Phương Bình trước đó.

Sau khi rời khỏi DongA Bank, ông trải qua một số vị trí ở doanh nghiệp nước ngoài cho đến khi trúng cử thành viên HĐQT và được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT PNJ nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Trở thành người điều hành ở vị trí CEO PNJ, áp lực người kế nhiệm theo ông Thông là không ít. Bởi tên tuổi bà Dung đã gắn với PNJ từ khi thành lập vào năm 1988. Bà hiểu doanh nghiệp của mình và hiểu ngành nghề sâu sắc đến mức, bất cứ ai thay thế cũng khó lấp đầy chỗ trống.

Tuy nhiên, theo ông Thông, khát khao cũng chính là yếu tố mà các lãnh đạo nhìn ra và lựa chọn mình vào các vị trí chủ chốt.

“Con đường phát triển, thăng tiến của những người trẻ không đến từ nhung lụa mà đến từ những khủng hoảng. Tôi nhận các vị trí lãnh đạo cũng từ cơ hội như thế”, ông Thông chia sẻ và cho rằng, bên cạnh tầm nhìn, người lãnh đạo phải có một số tố chất, trong đó quan trọng nhất là khát vọng. Đó là tế bào gốc sản sinh ra những tế bào khác. Yếu tố này giúp con người có khát khao quản trị chính bản thân, khát khao vươn tới.

Trong tương lai gần, theo ông Thông, PNJ không ngừng gia tăng tầm ảnh hưởng tại châu Á và liên tục “phả hơi nóng” vào những thương hiệu trang sức đình đám nhất của khu vực này. PNJ và Swarovski đã bắt tay hợp tác, đồng sáng tạo, cho ra đời sản phẩm độc quyền PNJ Suncut.

Trước đó, PNJ là thương hiệu trang sức Việt đầu tiên ký hợp tác chiến lược cùng “Viên ngọc của nước Áo”- Swarovski, đến nay, dòng sản phẩm ECZ (Excellent Cubic Zirconia) PNJ kết hợp cùng đá CZ của Swarovski được khách hàng tin yêu và trở thành một mắt xích tăng trưởng quan trọng của PNJ.

Tất cả những điều này đều xuất phát từ đội ngũ lãnh đạo có nhãn quan chiến lược sắc bén, am hiểu sâu rộng thị trường nội địa và khu vực châu Á của PNJ. Đây chính là tiền đề cho sự bùng nổ của PNJ thời gian qua và chặng đường sắp tới.             

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục