BVSC nối dài uy tín nhà tư vấn hàng đầu

(ĐTCK) Tháng 8/2019, thêm một lần nữa, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) được trao giải thưởng “Tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam năm 2018-2019” tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019. 
Đại diện BVSC nhận giải “Tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam năm 2018-2019” tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019. Đại diện BVSC nhận giải “Tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam năm 2018-2019” tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.

Sự kiện do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nhằm vinh danh các thương vụ M&A nổi bật, các đơn vị tư vấn có nỗ lực đặc biệt trong việc thúc đẩy các hoạt động M&A thành công ở Việt Nam. 

Trước đó, trong 10 năm liền Diễn đàn M&A Việt Nam được tổ chức, những nỗ lực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp của BVSC luôn được Hội đồng bình chọn đánh giá cao và Công ty liên tiếp được trao danh hiệu nhà tư vấn M&A tiêu biểu tại Việt Nam.

Bền bỉ với thị trường và kiên định tôn chỉ “Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất quan trọng nhất của nhân viên”, “Uy tín là tài sản quan trọng nhất của Công ty” là những giá trị cốt lõi mà BVSC - Công ty Chứng khoán đầu tiên được cấp phép hoạt động - đã tạo dựng được sau 20 năm song hành góp sức phát triển TTCK Việt Nam.

Trong hoạt động tư vấn, với việc cung cấp dịch vụ tư vấn cổ phần bao gồm xây dựng phương án cổ phần hóa, phương án sắp xếp lao động, bán đấu giá cổ phần, tổ chức đại hội đồng cổ đông thành lập…, đến thời điểm hiện nay, BVSC đã tư vấn thành công cho hơn 400 doanh nghiệp.

Trong 2 năm liên tiếp gần đây, BVSC đã tư vấn thành công 2 thương vụ thoái vốn Nhà nước có giá trị lớn nhất trong lịch sử. Đó là thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco, giúp Nhà nước thu về gần 5 tỷ USD và gần đây là thương vụ chuyển nhượng vốn Nhà nước do Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đại diện sở hữu, tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), thu về gần 7.400 tỷ đồng.

Với hoạt động hợp nhất, sáp nhập, tên tuổi nhà tư vấn BVSC gắn với nhiều thương vụ nổi tiếng như thương vụ Công ty cổ phần Kinh Đô  (nay đổi tên là Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, mã CK: KDC) nhận sáp nhâp Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Kinh Đô miền Bắc (mã CK: NKD) và Công ty cổ phần Ki do,thương vụ Công ty cổ phần Vincom (nay đổi tên thành Tập đoàn Vingroup – CTCP, mã CK: VIC) nhận sáp nhập Công ty cổ phần Vinpearl, sáp nhập Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (Mã CK: BHS) vào Công ty Cổ phần Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, Mã CK: SBT),

Hay mới đây là sáp nhập CTCP Thiên Thanh (Sứ Thiên Thanh) vào Công ty Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã CK: TTF), thương vụ có giá trị 965,9 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến 2018, BVSC tư vấn sáp nhập cho hàng loạt doanh nghiệp trên cả thị trường niêm yết và chưa niêm yết với tổng giá trị các thương vụ M&A đạt hàng chục nghìn tỷ đồng tính theo vốn hóa thị trường.

Liên quan đến thị trường vốn, BVSC tham gia tư vấn phát hành chứng khoán, bảo lãnh phát hành cho rất nhiều doanh nghiệp và tư vấn thành công cho khoảng 100 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên các Sở Giao dịch chứng khoán như: BVH, VIC, HPG, TLG, KDC, DHG, HNF, KBC, F88…

Bên cạnh việc kết nối cung - cầu đầu tư trong nước, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia mua cổ phần, đấu giá khối lượng lớn để bước chân vào hội đồng quan trị các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài tại Sabeco, Vinamilk, BMP… là rất quan trọng đối với sự bứt phá của thị trường M&A Việt Nam. Thực tế này chứng tỏ tính hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và triển vọng phát triển các doanh nghiệp nói riêng trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

Trên con đường tương lai, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, nhằm tăng sức hút các dòng vốn lớn và tiếp tục tạo nên các thương vụ M&A ghi danh khu vực và quốc tế. Cũng theo ông Hòa, các nhà đầu tư thường chú trọng hơn tới các doanh nghiệp có tiềm năng, cơ hội đầu tư hấp dẫn, thủ tục M&A và tiếp quản doanh nghiệp thông thoáng, minh bạch. Đây là điểm các doanh nghiệp cần lưu ý hoàn thiện nếu thực sự muốn tìm được các đối tác lớn để cùng phát triển trong dài hạn. 

Tin cùng chuyên mục