Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, gìn giữ niềm tin của người gửi tiền

(ĐTCK) Năm 2018, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, thuận lợi và khó khăn đan xen, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan với tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,54%, thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra. Trong kết quả đó có sự đóng góp của chính sách ngân hàng nói chung và  bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nói riêng, góp phần huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế, cũng như gìn giữ niềm tin của người gửi tiền.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, gìn giữ niềm tin của người gửi tiền

Bảo hiểm cho tiền gửi tại 1.282 tổ chức tín dụng 

Tính đến 31/12/2018, BHTG đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 94 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã; 1.183 quỹ tín dụng nhân dân và 04 tổ chức tài chính vi mô.

Trong năm 2018, BHTG đã hoàn thành cấp mới 8 chứng nhận tham gia BHTG, cấp lại 12 chứng nhận và 437 bản sao chứng nhận cho các tổ chức tham gia BHTG; thu hồi 1 chứng nhận; cập nhật và thay đổi thông tin 723 Chứng nhận.

Theo quy định của Luật BHTG, tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi. Đây cũng là dấu hiệu để người gửi tiền nhận biết tổ chức tín dụng nơi mình gửi tiền có tham gia BHTG hay không và người gửi tiền có được bảo vệ hay không.

Việc cấp, thu hồi chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng đã góp phần nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng. 

Đối với các tổ chức tham gia BHTG, BHTG Việt Nam thực hiện công tác quản lý thu phí BHTG, tính đúng, thu đủ, kịp thời hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc tính và nộp phí BHTG.

Nhờ đó, công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, nên năng lực tài chính của tổ chức BHTG đã từng bước được nâng cao. Trong cả năm 2018, không có tổ chức tham gia BHTG nào bị đổ vỡ, do đó chưa phát sinh việc chi trả tiền bảo hiểm.

Tuy nhiên, BHTG vẫn luôn sẵn sàng xử lý mọi tình huống có thể diễn ra thông qua các hoạt động tập huấn chuyên đề cũng như diễn tập ứng phó theo kịch bản giả định. 

Năm 2018, BHTG đã tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát các tổ chức tham gia BHTG, phối hợp triển khai hiệu quả việc cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTG trong công tác giám sát từ xa theo Thông tư số 34/2016/TT-NHNN ngày 28/12/2016 của NHNN. Về phần mình, BHTG cũng ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG. 

BHTGVN đảm bảo thực hiện giám sát đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, đồng thời thực hiện các báo cáo giám sát chung và báo cáo giám sát chuyên sâu theo định kỳ.

Công tác giám sát ngày càng được nâng cao thông qua việc triển khai Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm và ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy chế. Tới nay, BHTGVN đã tổ chức hướng dẫn, triển khai Quy chế đến 100% tổ chức tham gia BHTG và tổ chức tập huấn cho trên 90% tổ chức tham gia BHTG với tổng số hơn 2.300 cán bộ tham gia. 

Bên cạnh hoạt động giám sát từ xa, BHTG còn thực hiện kiểm tra tại chỗ đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tính đến ngày 31/12/2018, BHTG đã hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 354 tổ chức tham gia BHTG, gồm 25 ngân hàng thương mại, 329 quỹ tín dụng nhân dân, hoàn thành kế hoạch đã đề ra năm 2018.

Từ kết quả kiểm tra, giám sát của mình, BHTGVN tổng hợp tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, qua đó báo cáo đề xuất, kiến nghị với NHNN nhằm củng cố, chấn chỉnh để bảo đảm phát triển bền vững hệ thống các TCTD.

Nâng cao hiệu quả nghiệp vụ để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của BHTG, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã nhận định: "BHTGVN đã tích cực, trách nhiệm để hoàn thành về cơ bản hành lang pháp lý nhằm nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của tổ chức BHTG trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam theo các quy định mới.

BHTGVN cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của BHTGVN đã từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, BHTG cũng đã xây dựng được một tập thể đoàn kết vì sự phát triển chung của tổ chức".

Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng đã nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ BHTG cần quan tâm thực hiện trong năm 2019, trong đó có nhiệm vụ tích cực tham gia hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHTG; tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD theo tinh thần các chỉ thị của NHNN; tăng cường tuyên truyền chính sách BHTG; phát huy vai trò giám sát, cảnh báo an toàn hệ thống; tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển BHTG để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành tổng kết quá trình thi hành Luật BHTG để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức BHTG, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2019, BHTG đã đề ra 18 nhóm nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực tổ chức, triển khai hiệu quả các nghiệp vụ để bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng…

Hà An

Tin cùng chuyên mục