Agribank hướng tín dụng vào lĩnh vực năng lượng xanh, sạch

(ĐTCK) Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, cũng như hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với các vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường. Sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với các vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường.

Tín dụng xanh, hướng đi bền vững trong tương lai

Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng. Theo chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.

Ðầu năm 2017, NHNN ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành đưa ra cho năm nay ở mức 14%, chủ trương của NHNN là tiếp tục hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên. Riêng lĩnh vực xanh, sạch… đã có chủ trương đẩy mạnh việc cấp vốn từ lâu.

Thống kê của NHNN cho thấy, hiện mới có 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại hội sở chính và chi nhánh của một số ngân hàng như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, Sacombank, SHB, ACB, Viet A Bank, OCB, HSBC…

Trong khi đó, theo chủ trương của NHNN, kể từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng phải chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời đảm bảo phát triển, tăng trưởng bền vững.

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nếu trong quý IV/2017 dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.121 tỷ đồng, thì đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh đạt khoảng 317.600 tỷ đồng, trong đó dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5-8%/năm, trung và dài hạn từ 9-12%/năm.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, cũng như bảo vệ môi trường và đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm.

Trong đó, ngành ngân hàng có vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì thế, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Hiện nhiều nước trên thế giới đề ra chiến lược đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, song thực tế nguồn vốn để phát triển loại hình tín dụng này chủ yếu từ nguồn vốn của chính sách hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp có hiệu quả cao.

Ðể có thể đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đồng thời để phát triển tín dụng xanh một cách có hiệu quả, các ngân hàng sẽ phải đầu tư cho hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, tăng cường chuyên môn, năng lực cho nhân viên… việc này sẽ phát sinh chi phí không nhỏ.

Hiện nay, một số ngân hàng thương mại cổ phần cơ bản đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội với sự hỗ trợ từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) như OCB, Nam A Bank…

Thúc đẩy tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Ngày 25/09/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QÐ-TTg), đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 và Chỉ thị 01/2017 về tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng và Agribank lập tức “vào cuộc” triển khai.

Theo đó, Agribank ban hành văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường, xã hội; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...

Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với các vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường;

Các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường - xã hội… để có thể chủ động hơn trong việc tham gia vào nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học;

Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Ðồng bằng sông Hồng; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Ðồng bằng sông Cửu Long và miền Trung - Tây Nguyên…

Minh chứng cho điều đó, Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho dự án Nhà máy Ðiện mặt trời TTC Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế, vốn đối ứng của chủ đầu tư là 40%, vốn vay các ngân hàng là 60%.

Dự án Nhà máy Ðiện mặt trời TTC Phong Ðiền do Công ty cổ phần Ðiện Gia Lai (GEC) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 45 ha, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 35 MW và sản lượng điện khoảng 50 triệu KWh/năm.

Công trình được khởi công xây dựng trong quý IV/2017 và đưa vào hoạt động ngày 5/10/2018.

Năm 2018, Agribank và Tổng công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) đã ký kết hợp đồng tín dụng đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Ðiện mặt trời Ðiện lực miền Trung (tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) có tổng vốn đầu tư xây dựng là 1.372 tỷ đồng.

Trong đó, vốn vay từ Agribank chiếm 58,5% tổng chi phí đầu tư trước thuế (tương đương 735 tỷ đồng); vốn đối ứng của EVNCPC là trên 521 tỷ đồng, chiếm 41,5% tổng chi phí đầu tư trước thuế.

Dự án có tổng công suất 50 MW, mỗi năm cung cấp sản lượng điện bình quân 87,598-98,147 GWh vào hệ thống điện quốc gia, góp phần cung cấp điện năng cho hệ thống điện, cũng như tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Công trình đã được đưa vào vận hành trong tháng 6/2019.

Có thể thấy, trong bối cảnh tín dụng bất động sản có chiều hướng giảm, các ngân hàng đang mở rộng diện tài trợ vốn sang lĩnh vực xanh, công nghệ cao và năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng bởi việc đầu tư vốn vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, nên tiềm ẩn về nợ xấu. Ngoài ra, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định cũng là trở ngại lớn, dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế.

Ðể khuyến khích phát triển tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước cần tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Bên cạnh đó, cần xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.

Với kỳ vọng hướng tín dụng vào lĩnh vực xanh, Agribank mong muốn tiếp tục nhận được sự sẻ chia, phối hợp chặt chẽ, tích cực từ các bộ, ban, ngành và các địa phương để sớm được giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và bền vững, cũng như hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế xanh của Việt Nam đến năm 2020.

Minh Trung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục