Tuy nhiên, để các khu nghỉ dưỡng cao cấp này hoạt động có hiệu quả, đòi hỏi Đà Nẵng phải quy hoạch, kêu gọi đầu tư hệ thống dịch vụ hỗ trợ du lịch tương xứng...
Theo thống kê, nếu tính riêng dải ven biển Đà Nẵng, hiện có khoảng hơn 10 dự án hạ tầng du lịch đã đi vào hoạt động hoặc đang triển khai, tất cả đều đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên. Trong đó, đáng chú ý là các dự án như Sun Villas, Lifestyle Resort, Furama Resort, Hyatt Regency Resort, Silver Shores Resort, Vinpeal Đà Nẵng…
Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy, Đà Nẵng hiện có 5 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao và 19 khách sạn 3 sao đã đi vào hoạt động. Giá thuê phòng bình quân khoảng 101 USD/phòng/đêm. Dự báo trong vòng 5 năm tới, Đà Nẵng sẽ có ít nhất 30 dự án du lịch đi vào khai thác và cung ứng thêm khoảng 7.500 phòng chất lượng cao.
Ngành du lịch Đà Nẵng đã phát triển mạnh trong những năm gần đây
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, lợi thế lớn nhất của Đà Nẵng là nằm ở giữa hai di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế và Phố cổ Hội An. Tuy nhiên, việc có phát huy được lợi thế này, để đưa du lịch Đà Nẵng phát triển đúng tầm hay không lại là một vấn đề khác.
“Ở các địa phương có di sản, ngoài những giá trị văn hóa và đặc sản mang tính truyền thống, họ chưa đủ điều kiện để phát triển dịch vụ hỗ trợ theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngược lại, Đà Nẵng có điều kiện lưu trú khá tốt, nhưng muốn giữ chân du khách lâu dài, Thành phố cần đầu tư những dịch vụ hỗ trợ cho du lịch, chẳng hạn như các trung tâm mua sắm cao cấp, những địa điểm du lịch tổng hợp mang đậm tính vùng miền, những khu vui chơi giải trí đẳng cấp, văn hóa cư dân bản địa, hoặc các dịch vụ thể thao biển…”, ông Vinh góp ý.
Về dịch vụ hỗ trợ, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng đã sớm nhận ra vấn đề này, đã và đang quy hoạch từng bước để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, nên những dự án như bến du thuyền, các khu vui chơi giải trí có thưởng vẫn chưa được triển khai đồng nhất.
“Năm 2012, một số doanh nghiệp Đà Nẵng cũng đã tổ chức cuộc thi dù bay thể thao quốc tế, nhằm thu hút du khách và khá thành công. Đặc biệt, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế của Đà Nẵng đã trở thành thương hiệu thu hút rất nhiều du khách đến với Đà Nẵng và luôn tạo nên một làn sóng du lịch mạnh nhất trong năm”, ông Minh nói.
Liên quan đến việc tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách, tại cuộc đối thoại gần đây với doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng khẳng định, Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho những dự án du lịch hiệu quả, có khả năng thu hút du khách. Dự án Khu nghỉ mát quốc tế Silver Shores Đà Nẵng do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores làm chủ đầu tư là một trong số đó.
Khu nghỉ mát quốc tế Silver Shores Đà Nẵng được khai trương giai đoạn 1 từ năm 2010, bao gồm tổ hợp khách sạn 5 sao bên bờ biển, với 548 phòng ngủ sang trọng và 52 biệt thự cao cấp, kết hợp với casino và trung tâm hội nghị quốc tế 1.000 chỗ ngồi với tổng diện tích 200.000 m2.
Trong buổi đối thoại, chủ đầu tư Dự án cam kết sẽ tiến hành khởi công giai đoạn 2 của dự án này trong thời gian sớm nhất, nhằm nâng quy mô khu nghỉ dưỡng lên hơn 1.000 phòng và cùng một số sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng cao cấp khác. Tuy nhiên, chủ đầu tư khu du lịch vẫn còn nhiều trăn trở liên quan đến vấn đề vốn, hạn chế quy mô hoạt động của casino, ảnh hưởng đến việc triển khai giai đoạn 2 của Dự án.
Ghi nhận khó khăn của Silver Shores, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho biết, Thành phố đã kiến nghị vấn đề này với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như giúp cho du lịch Đà Nẵng phát triển mạnh hơn.