Ngày 4/10/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Đề án chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025-2030”.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kế hoạch công tác của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương năm 2024, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025- 2030”. Đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ Tư pháp và phải hoàn thành, trình trong cuối năm 2024.
Theo Dự thảo Đề án, các mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2027 là: Xây dựng kho dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật trên môi trường mạng là nơi cung cấp thông tin pháp luật tập trung phục vụ nhu cầu của người dân; vận hành Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia; phấn đấu có ít nhất 60% trở lên người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận văn bản, quy định của pháp luật qua các ứng dụng công nghệ số…
Đại diện địa phương trình bày tham luận tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Thành phố đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nhiều mô hay, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai phù hợp với xu hướng hiện đại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn.
Từ năm 2014, Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố (https://pbgdpl.hanoi.gov.vn) đã đi vào hoạt động. Hiện Trang thông tin mỗi ngày có từ 13.000 - 15.000 lượt người truy cập, với nhiều chuyên mục trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, hộ tịch, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...; Xây dựng nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi tăng cường phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp MobiFone, FPT, VTC, Incom… cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như: Xây dựng các nền tảng đào tạo số, truyền thông số; Xây dựng chatbot AI hỗ trợ giải đáp pháp luật tự động; Triển khai tổng đài tư vấn pháp luật kết hợp các mạng viễn thông trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
“Tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trực tuyến là một giải pháp bổ trợ và có thể thay thế một phần cho phương thức tổ chức truyền thống. Và một trong những chìa khóa chính là Lấy thi làm tuyên truyền. Công tác này giúp cho các thông điệp được truyền bá sâu sát, tiếp cận dưới nhiều tình huống thực tế, giúp cho các đối tượng không chỉ biết mà còn hiểu, nhớ được và vận dụng, đem lại hiệu quả thiết thực”, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Giáo dục, Khối Chính phủ, Công ty TNHH FPT IS cho biết.
Theo báo cáo “Công tác tư pháp 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 06 tháng cuối năm 2024” của Bộ Tư pháp: Trong 06 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 305.128 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức 4.154 cuộc thi cho khoảng 4 triệu lượt người dự thi. Trong đó có những cuộc thi ứng dụng định danh công dân theo Mô hình 21 thuộc đề án 06 của Bộ Công an.
“Công nghệ cung cấp hệ thống báo cáo thống kê chi tiết, có ý nghĩa trong công tác quản lý và điều hành, đánh giá hiệu quả công tác tổ chức, hiệu quả tiếp thu của người tham gia, có giá trị hỗ trợ ra quyết định. Từ đó có thể thấy, việc tổ chức chuyển đổi số các cuộc thi tuyên truyền là một giải pháp hiệu quả và tiết kiệm”, ông Hải cho biết.
Theo đại diện Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, người Việt đứng đầu Đông Nam Á về xem video trực tuyến với 92%, trong đó, 70% người Việt xem video trên thiết bị điện thoại thông minh. Độc giả hiện nay dành 75% thời gian để xem video thay vì đọc bài viết. Do đó, việc sử dụng nền tảng số và mạng xã hội để truyền thông là xu hướng tất yếu và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
“Truyền thông số PBGDPL thông qua các nền tảng số và mạng xã hội đang là xu thế giúp các hoạt động tuyên truyền PBGDPL trở nên dễ dàng, tiếp cận được nhiều người hơn. Nội dung tuyên truyền có thể được cập nhật liên tục, phổ biến, lan tỏa rộng rãi mà không tốn kém chi phí in ấn. Ngoài ra, việc lưu trữ và quản lý thông tin cũng trở nên hiệu quả hơn, giúp các cơ quan, tổ chức dễ dàng theo dõi và điều chỉnh chiến lược tuyên truyền khi cần thiết. Điều này không chỉ tăng cường hiệu quả mà còn nâng cao ý thức thực thi pháp luật trong cộng đồng một cách bền vững”, đại diện VTC cho biết.
Bên cạnh đó, một xu hướng khác là Game hóa trong giáo dục (Gamification) là một dạng số hoá nội dung có yếu tố trò chơi như huy hiệu và phần thưởng, tăng cường sự tham gia và động lực học tập. Gamification không chỉ biến học tập thành trải nghiệm thú vị, khuyến khích tương tác mà còn giúp người học mô phỏng tình huống thực tế, áp dụng kiến thức vào bối cảnh cụ thể, đặc biệt quan trọng trong đào tạo kỹ năng, giáo dục bồi dưỡng pháp luật.