Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có bước nhảy vọt

0:00 / 0:00
0:00
“Chỉ cách đây 3-4 năm, doanh nghiệp nhỏ và vừa không hiểu thế nào là chuyển đổi số, nhưng hiện giờ, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số ở khu vực này đã có sự chuyển biến đáng kinh ngạc”, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thưa bà, chuyển đổi số với khu vực này, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, vẫn là khái niệm rất trừu tượng?

Chuyển đổi số được nhắc đến từ nhiều năm trước trên thế giới, còn tại Việt Nam, 3-4 năm trước, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nghe nói đến, nên rất mông lung.

Khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0” đã được nhắc đến ở Việt Nam từ nhiều năm trước và cũng mấy năm gần đây, doanh nghiệp mới hiểu ra rằng, muốn thực hiện cuộc cách mạng này thì phải chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào, đầu tư vào đâu, chi phí bao nhiêu...

Thế mà chỉ vài năm sau, mọi sự chuyển biến rất tích cực.

Bà có thể nói rõ hơn về chuyển biến này?

Nhận thức chuyển đổi số là việc sống còn của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, nên giữa năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đầu năm 2021, mặc dù Covid-19 hoành hành khiến hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống của người dân bị ngưng trệ và đảo lộn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn ban hành Quyết định 12/QĐ-BKHĐT (ngày 7/1/2021) phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Sau một thời gian nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2023 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về mức độ chuyển đổi số ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, loại hình, quy mô doanh nghiệp. Điểm trung bình về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 đều trên 2,5 điểm (thang điểm 4), tăng 0,7 - 1,4 điểm so với năm 2022. Điều đáng ghi nhận nữa là rất nhiều doanh nghiệp tích hợp mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược, kế hoạch phát triển.

Tham vọng chuyển đổi số đến năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất lớn. Đến nay, kết quả đạt được thế nào?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu, đến năm 2025 có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình. Đến năm 2025, Việt Nam phải có ít nhất 100 doanh nghiệp được hỗ trợ thành công và trở thành điển hình trong chuyển đổi số, từ đó nhân rộng ra các doanh nghiệp sản xuất, chế biến.

Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ưu tiên, ưu đãi cho bất cứ đối tượng nào, mà tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi sổ để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh đều được hỗ trợ.

Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đã xây dựng bộ công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu số, tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, xây dựng báo cáo thường niên về chuyển đổi số doanh nghiệp, triển khai các khóa đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp... Tất cả tài liệu được cập nhật trên Cổng thông tin Chương trình Chuyển đổi số.

Kết quả là, đến cuối năm 2023, có hơn 5.000 doanh nghiệp liên tục cập nhật Cổng thông tin; đã có hơn 2 triệu lượt doanh nghiệp cập nhập Cổng thông tin để tải tài liệu, video đào tạo, chia sẻ hướng dẫn về chuyển đổi số. Đã tổ chức đào tạo được trên 100 chuyên gia về công nghệ thông tin, chuyển đổi số để trực tiếp đào tạo cho 13.800 doanh nghiệp và hỗ trợ chuyên sâu cho khoảng 400 doanh nghiệp chuyển đổi số...

Thế năm 2024 thì sao?

Năm nay, ngân sách trung ương đã bố trí 140 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cho khoảng 800 doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành (Nghị định 80/2021/NĐ-CP), doanh nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số với mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa. Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh với mức tối đa 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa...

Qua hơn 3 năm thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bà thấy còn những hạn chế gì?

Không ít doanh nghiệp phản ánh, phần mềm sử dụng không phù hợp với thực tế hoạt động hoặc các phần mềm không tương thích nhau.

Chuyển đổi số cần hệ thống đồng bộ tổng thế, các phần mềm phải tương thích nhau mới có thể tạo ra được giá trị gia tăng mới. Do vậy, phải có lộ trình chuyển đổi sao cho hiệu quả nhất, vì nếu đầu tư mà không sử dụng hết dẫn tới lãng phí, hoặc đầu tư không dự tính trước thì phải đầu tư nhiều lần, cũng dẫn tới lãng phí.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh việc trực tiếp hỗ trợ, tư vấn nhằm giải quyết, xử lý khó khăn, chúng tôi đã xây dựng ấn phẩm “Trang vàng các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp”, với 49 giải pháp từ 40 nhà cung ứng trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng Bản đồ 4.0 cung cấp các giải pháp công nghệ đang ứng dụng công nghệ 4.0; hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cung các giải pháp chuyển đổi số, cung cấp các ưu đãi về giải pháp cho doanh nghiệp.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục