Chuyển đổi số thông minh, MB vững tiến tăng trưởng

(ĐTCK) Với 2,2 triệu người dùng ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là ngân hàng không giấy tờ đầu tiên tại Việt Nam. Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, MB Group sẽ phấn đấu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 18 - 20% trong năm nay.
Chuyển đổi số thông minh, MB vững tiến tăng trưởng

Vận hành ngân hàng số, MB mở rộng vùng hỗ trợ khách hàng

Đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam đứng trước thách thức suy giảm tăng trưởng.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực, đòi hỏi mỗi chủ thể phải có hướng giải bài toán tăng trưởng một cách thông minh hơn.    

Năm 2020, MB tiếp tục là nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ

Với vị thế của ngân hàng lớn trong nền kinh tế, theo Quyết định số 2770/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, năm 2020, MB tiếp tục là nhà tạo tập thị trường công cụ nợ của Chính phủ.

Theo đó, MB sẽ tiếp tục đảm bảo trách nhiệm của thành viên tạo lập thị trường, góp phần vào sự phát triển ổn định và lâu dài thị trường  trái phiếu chính phủ.

Hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ có đóng góp quan trọng trong đảm bảo sự an toàn, thanh khoản cho danh mục tài sản của MB với danh mục đầu tư 47.000 - 48.000 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản. Hoạt động này đồng thời mang lại lợi nhuận đáng kể khi thị trường có biến động và MB khai thác tốt các cơ hội thị trường.

Trong hệ sinh thái chung của nền kinh tế, khối ngân hàng có tiềm lực mạnh và có sức tăng trưởng tốt nhất, cũng đồng thời là khối đang trực tiếp chia sẻ, hỗ trợ trở lại với nhiều doanh nghiệp, để cùng bước qua giai đoạn khó khăn này.

Tại MB, có hai giải pháp nổi trội được đưa ra trong bối cảnh này. Thứ nhất, Ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), có lãi suất cho vay chỉ từ 6,5%/năm với khoản vay ngắn hạn và từ 8,0%/năm với khoản vay trung dài hạn.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn ngắn và trung dài hạn phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh thuộc các lĩnh vực như dược - thiết bị y tế, nhựa, phân phối hàng tiêu dùng, tài trợ khách sạn lưu trú/đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học, đều thuộc đối tượng thụ hưởng sự hỗ trợ của gói vay này.

Ngoài ra, MB còn mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng - ăn uống, các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu…

Theo đó, MB hỗ trợ doanh nghiệp các nghiệp vụ như đánh giá dòng tiền, lên phương án cấu trúc giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh, nhanh chóng vượt qua khó khăn.

Giải pháp thứ hai đang được thị trường đón nhận rộng rãi là việc MB triển khai App MBbank phiên bản mới đến mọi đối tượng khách hàng.

App MBbank giúp khách hàng sử dụng mọi dịch vụ ngân hàng một cách đơn giản và an toàn trong mọi hoàn cảnh của đại dịch.

Phiên bản mới này cũng là ứng dụng ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cho phép người dùng kết nối tài khoản của các thành viên trong gia đình, giúp các gia đình lập kế hoạch và quản lý chi tiêu hiệu quả.

Giải pháp được MB thực hiện “lẹ làng” do Ngân hàng đã nhìn thấy trước bài toán số và có sự chuẩn bị hạ tầng cho nền tảng giao dịch số từ vài năm nay.

Đầu năm 2018, khi vận hành hoạt động của ngành ngân hàng nói chung phụ thuộc vào rất nhiều loại giấy tờ thì trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của MB, ông Lưu Trung Thái khẳng định, MB sẽ là ngân hàng không giấy tờ đầu tiên tại Việt Nam.

Rất nhiều cổ đông tỏ ra ngạc nhiên với quyết tâm của vị Tổng giám đốc, nhưng ông Thái chia sẻ, chiến lược mà MB theo đuổi là phát triển ngân hàng số, ngân hàng thông minh trên nền tảng công nghệ hiện đại.

“MB sẽ tối ưu hóa quy trình, đơn giản các thủ tục với khách hàng, nâng tốc độ xử lý của các trung tâm hỗ trợ... Tất cả sẽ được thực hiện trên nền tảng công nghệ số, đảm bảo đơn giản, bảo mật, an toàn”, ông Thái khẳng định.

Theo ông Thái, ngân hàng số chính là giải pháp tối ưu nhất, cho phép ngân hàng phục vụ một cách tận tụy, tương tác mọi lúc, mọi nơi giữa khách hàng với khách hàng cũng như giữa khách hàng với ngân hàng.

Sau 3 năm, gần 50% khách hàng của MB đã chuyển sang sử dụng ngân hàng số, là một minh chứng cho thấy tính hiệu quả của một tầm nhìn chiến lược tại MB.

Năm 2020, dẫn đầu về chuyển đổi số 

Chuyển đổi số thông minh, MB vững tiến tăng trưởng ảnh 1

Báo cáo với lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành mới đây, Tổng giám đốc MB cho biết, mục tiêu của Ngân hàng năm 2020 là tiếp tục duy trì trong “Top 5 các ngân hàng thương mại về chất lượng hoạt động và hiệu quả, là ngân hàng dẫn đầu về ứng dụng số”.

Tổng tài sản sẽ tăng trên 10%, tăng trưởng dư nợ theo giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát nợ xấu dưới 1,5%, doanh thu và lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn duy trì mức tăng trưởng cao.

Cũng theo ông Thái, 2020 là năm bản lề triển khai chiến lược giai đoạn 2017 - 2021, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số. MB sẽ thay đổi văn hóa doanh nghiệp, thay đổi cách làm và cách nghĩ, dẫn đầu về chuyển đổi số.

Tập trung củng cố năng lực cạnh tranh và sự phối hợp kinh doanh trong Tập đoàn thông qua đầu tư nền tảng công nghệ thông tin và số hóa các mặt hoạt động.

Sự quyết tâm và nỗ lực từ Ngân hàng mẹ là động lực, thúc đẩy các thành viên sáng tạo hơn, nỗ lực hơn, để chung sức thực hiện mục tiêu tăng trưởng toàn Tập đoàn.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, lãnh đạo MB cho biết, năm 2019, lợi nhuận của 6 công ty thành viên ước đạt trên 1.107 tỷ đồng, chiếm khoảng 11% lợi nhuận của Tập đoàn.

Hầu hết các công ty thành viên của MB đều đang ở vị trí Top 3, Top 5 của ngành về thị phần và hiệu quả hoạt động.

Chẳng hạn, MB Ageas Life là công ty đầu tiên trong ngành bảo hiểm nhân thọ có lợi nhuận 198 tỷ đồng chỉ sau 3 năm hoạt động.

Kết quả này giúp MB 2 năm liền đứng đầu ngành ngân hàng về dịch vụ bancassurance.

Cùng với đó, Công ty Chứng khoán MB đứng Top 6 về thị phần môi giới, Top đầu về giá trị phát hành thành công chứng quyền có bảo đảm; trong ngành quản lý quỹ, Công ty Quản lý quỹ MBCapital đứng Top 2 về lợi nhuận…

Năm 2020, MB đặt mục tiêu các công ty thành viên đóng góp khoảng 15% vào lợi nhuận toàn Tập đoàn.

Để đạt mục tiêu này, MB sẽ định hướng, hỗ trợ khối công ty thành viên củng cố nền tảng công nghệ thông tin để số hóa, phát triển một số sản phẩm và kênh bán mới, thúc đẩy bán chéo sản phẩm, hỗ trợ/chia sẻ nguồn lực về con người, hạ tầng công nghệ thông tin và kinh nghiệm quản trị.

Từ đó, thúc đẩy các công ty thành viên không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh, mà còn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới mục tiêu số hóa như ngân hàng mẹ.

Chung sức dệt nên “MỘT MÙA XUÂN DIỆU KỲ”

Chia sẻ với các cán bộ, nhân viên MB đầu năm Canh Tý, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái thúc đẩy các nhân sự trong năm mới “chủ động, tích cực, tỉ mỉ”, cùng chung sức tiếp tục dệt nên một MÙA XUÂN DIỆU KỲ.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn MB đạt 10.036 tỷ đồng, tăng 29,2% so với năm 2018, vượt 5% kế hoạch. Đây là năm thứ ba liên tiếp, doanh thu và lợi nhuận của MB đều tăng trưởng trên 25%/năm, góp mặt trong câu lạc bộ các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng và thuộc Top 10 doanh nghiệp trên sàn có lợi nhuận lớn nhất.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục