Tạo ra cơ hội
Từ nhiều năm trước, các ngân hàng đã đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước cho biết, khoảng 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó, 39% tổ chức tín dụng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin.
Khoảng 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Ông Vũ Kiêm Văn, Phó tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) nhận xét, ngân hàng là khối có sự chuyển đổi mạnh mẽ nhất. Đặc biệt, dịch bệnh đã thay đổi thói quen thanh toán của người dân. Vì thế, các ngân hàng cũng phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số để gia tăng tiện ích cho khách hàng của mình.
Một số cái tên nổi bật được nhắc đến như Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank)…
Chẳng hạn, TPBank đang ứng dụng công nghệ, sản phẩm dịch vụ sử dụng AI và các công nghệ hiện đại khác như máy học (Machine Learning),học sâu (Deep Learning) hay nhận dạng ký tự quang học (OCR), giúp Ngân hàng thay đổi toàn diện sản phẩm và trải nghiệm khách hàng.
Trước đó, mô hình LiveBank với 330 máy giao dịch tự động không cần nhân viên trên cả nước cũng được xem là một trong những thành công lớn của TPBank trong số hóa ngân hàng.
Vietcombank cũng nhanh chóng nhập cuộc với ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank (nền tảng hợp nhất giữa Internet Banking và Mobile Banking), hay BIDV với chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng “BIDV Digi Up”, VietinBank với kế hoạch xây dựng ứng dụng “Chatbot” (robot tự động trò chuyện, tương tác với khách hàng) đa nhiệm hơn.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản được cho là chậm hơn so với các lĩnh vực khác, song cũng đang được các doanh nghiệp quan tâm.
Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cen Group chia sẻ, công nghệ sẽ hỗ trợ người mua và người bán tiếp cận nhau dễ dàng hơn.
Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội,việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, Cen Land đã cho ra đời Cyber Agent - Cộng đồng đại lý bất động sản cá nhân quy mô lớn, nhờ đó, Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý III vừa qua.
Tuy nhiên, trước khi Cyber Agent trở nên quen thuộc với người dùng, nền tảng Cenhomes.vn ra mắt từ năm 2019 đã phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số của môi giới, kinh doanh bất động sản. Cenhomes.vn liên tục cập nhật công nghệ AI marketing, công nghệ hiện thực ảo (VR) và hiện thực tăng cường (AR).
Trong ngành nông nghiệp, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số.
Trước đây, Lộc Trời hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu lai tạo giống, cây ăn quả, cây công nghiệp, hoa màu, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, triển khai các dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, vài năm gần đây, với việc chuyển hướng sang canh tác nông nghiệp, khép kín chuỗi giá trị nông nghiệp, Tập đoàn xác định cần chuyển đổi số.
Ông Cao Gia Huấn, Trưởng ban Công nghệ thông tin Lộc Trời cho biết, nhờ áp dụng mã hệ thống phân phối, Tập đoàn đã cắt giảm được nhân sự bán hàng, phục vụ việc đặt hàng chủ động từ đại lý và kiểm soát luồng hàng đi theo chính ngạch.
Ngoài ra, việc chuyển hướng canh tác nông nghiệp cũng cần thu thập dữ liệu lớn của nông dân và quá trình canh tác để đảm bảo nguồn gốc khi sản phẩm được đưa ra thị trường.
Tăng tốc chuyển đổi số
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, bên cạnh nhóm tài chính ngân hàng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động.
Ông Vũ Kiêm Văn đánh giá, hai lĩnh vực sẽ được thôi thúc chuyển đổi mạnh mẽ nhất là y tế và giáo dục. Đây là hai ngành có sức tác động đến toàn dân, mọi gia đình và là nhu cầu thiết yếu của xã hội, vì vậy sẽ phải tăng tốc chuyển đổi trong năm 2022 để đảm bảo sự hoạt động bình thường.
Từ thực tế triển khai chuyển đổi số tại Công ty cổ phần Lộc Trời, ông Cao Gia Huấn đúc kết: “Không ai đi một lần mà có thể đến đích, chuyển đổi số là quá trình dài mà lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự kiên định và thực hiện theo lộ trình cụ thể. Đặc biệt, muốn thành công, doanh nghiệp cần đánh giá thực trạng doanh nghiệp mình, có mong muốn chuyển đổi hay không, con người đã sẵn sàng hay chưa, khâu nào đang yếu, khâu nào nên triển khai mạnh”.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng cho rằng, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ thông tin, mà thực chất là việc thay đổi hoàn toàn tư duy, nhận thức và cách thức mà một doanh nghiệp, hay một bộ máy vận hành. Do đó, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì xây dựng bộ chỉ số đo lường trưởng thành số của doanh nghiệp cho mọi thành phần tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho đến các doanh nghiệp tư nhân. Bộ chỉ số sẽ vạch ra các nhóm chỉ số khác nhau về cả hạ tầng, nhân lực, ứng dụng, an toàn an ninh mạng, bảo mật...
Hiện tại, VDCA đang xây dựng các chỉ số để trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Bước tiếp theo là sẽ phối hợp cùng các hiệp hội khác thực hiện khảo sát trên toàn quốc, đánh giá mức độ trưởng thành của doanh nghiệp, tổ chức công bố hàng năm giúp doanh nghiệp nhìn thấy mức độ trưởng thành của mình để có bước đi đúng đắn.
“Bộ chỉ số có thể được công bố sớm nhất trong đầu năm 2022”, ông Văn thông tin thêm.