Chuyển đổi số - chuyện sống còn của nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để không bị khách hàng rời bỏ, các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động.
Với ứng dụng ngân hàng số OCB Omni, khách hàng có thể trải nghiệm 80 tiện ích trong cùng một ứng dụng. Với ứng dụng ngân hàng số OCB Omni, khách hàng có thể trải nghiệm 80 tiện ích trong cùng một ứng dụng.

Chuyển đổi số hay là “chết”?

Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra khắp thế giới. Theo báo cáo về ngân hàng hợp kênh của Backbase, 90% đại diện ngân hàng được hỏi cho biết sẽ tăng chi cho công nghệ nhằm phát triển các nền tảng giao dịch trực tuyến tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

56% người tham gia khảo sát cho rằng, tương tác giữa khách hàng với các nền tảng số sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giữ chân khách hàng. Cùng với đó, 50% dự báo đến năm 2020, 50% lợi nhuận dịch vụ sẽ đến từ giao dịch qua ứng dụng di động.

Những con số này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư cho công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, cũng như mức độ sẵn sàng của các nhà băng trên thế giới cho hành trình chuyển đổi số.

Ở trong nước, làn sóng chuyển đổi số của các ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ trong khoảng ba năm gần đây. Không chỉ là hướng đi của những ngân hàng hàng đầu, với tiềm lực tài chính mạnh, mà các ngân hàng quy mô vốn vừa và nhỏ cũng tích cực triển khai.

Điển hình như đầu năm 2017, TPBank cho ra mắt ứng dụng TPBank LiveBank. Đầu năm 2018, OCB ra mắt ứng dụng OCB Omni, Nam A Bank trình làng Robot OPBA và gần nhất là áp dụng phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC)...

Sự vươn lên của những ngân hàng “nhỏ nhưng có võ” này càng phả sức nóng vào cuộc đua chuyển đổi số trên thị trường. Nếu như trước kia, chuyển đổi số được xem như một lựa chọn thì giờ đây đã trở thành việc không thể đừng của các nhà băng.

Đặc biệt, với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chuyển đổi số đòi hỏi phải triển khai nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Bởi đây là lĩnh vực dịch vụ đặc thù, chuyển đổi số nhanh sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ mới có thể thu hút được người dùng, gia tăng nguồn thu dịch vụ.

Trong các năm qua, các ngân hàng Việt Nam đã có những đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin như đầu tư cho hệ thống core banking và tăng tỷ trọng của các quy trình tự động hóa một phần cũng như toàn bộ.

Các sản phẩm mới đi kèm những cải tiến trong chất lượng dịch vụ. Từ đó, các nhà băng đón nhận những dấu hiệu tích cực: tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm số của ngân hàng tăng rất mạnh, từ hai đến bốn lần.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện khoảng 94% ngân hàng đã bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, khoảng 59% đang áp dụng chuyển đổi thông qua các nền tảng tự phát triển hoặc bắt tay với một số công ty fintech.

Ảnh tác giả

Chính phủ điện tử rồi thì tổ chức ngân hàng - tài chính không thể đi sau. Dịch bệnh Covid-19 chỉ là “giọt nước làm tràn ly” trong kế hoạch chuyển đổi số của các ngân hàng.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho rằng, các ngân hàng chắc chắn sẽ phải theo xu hướng số hóa, nếu không sẽ không tồn tại được, “bởi Chính phủ điện tử rồi thì ngân hàng tài chính không thể đi sau” và dịch bệnh Covid-19 như “giọt nước làm tràn ly”.

Đầu tư công nghệ khó tránh khỏi tốn kém, nhưng theo ông Tâm, doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng bắt buộc phải làm, vì đó là xu thế tất yếu.

Trong xu thế ấy, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) cho biết, Ngân hàng định hướng sẽ tăng cường hợp tác với các công ty Fintech nhằm tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng, dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và thực tiễn ngân hàng truyền thống. Mới đây, Ngân hàng Bản Việt chính thức bắt tay hợp tác với Timo Plus.

Ngân hàng không thể chậm chân

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng khẳng định, vai trò của công nghệ số, số hóa với hoạt động của ngân hàng là không hề nhỏ và sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Khách hàng đang có xu hướng chuyển dịch dùng các kênh giao dịch điện tử cùng một lúc hoặc trong một lộ trình để có thể sử dụng nhiều kênh khác nhau trong việc tương tác, giao dịch với ngân hàng.

Cùng với thành tựu từ cách mạng công nghiệp 4.0 làm nên làn sóng số hóam thay đổi cơ bản và toàn diện các mô hình kinh doanh và hoạt động của ngân hàng, sự đầu tư lớn làm thay đổi diện mạo trở thành ngân hàng số của các ngân hàng Việt Nam sẽ là một cuộc cách mạng lớn cho tất cả khách hàng.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài khoản ngân hàng để giao dịch trực tuyến, các nền tảng ngân hàng số hiện liên kết với nhiều đối tác để xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ.

Điện thoại thông minh cùng ứng dụng ngân hàng số sẽ như “trợ lý” đắc lực của người dùng trong cuộc sống hiện đại khi hỗ trợ mua sắm, thanh toán dễ dàng bằng mã QR, eKYC.

Các dịch vụ mở tài khoản, thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm, tư vấn tài chính thông minh... đều tích hợp trong ứng dụng, không cần đến ngân hàng.

Điển hình với ứng dụng ngân hàng số OCB Omni, khách hàng có thể tiếp cận hơn 80 tiện ích trong cùng một ứng dụng.

Trong đó, khách hàng có thể giao dịch trực tuyến hoàn toàn miễn phí như chuyển tiền nội mạng, chuyển tiền liên ngân hàng 24/7, miễn phí SMS, miễn phí Mobile Banking…

Bước phát triển mới này cho thấy, mức độ quan tâm của các ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ để cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển của làn sóng số hóa.

Tại HDBank, chỉ sau 1 tháng triển khai kể từ ngày 1/8/2020, phương thức xác thực eKYC trên App HDBank đã thu hút gần 15.000 khách hàng đăng ký. Một số ngân hàng như VPBank, TPBank, HDBank, VietCapital Bank đã áp dụng eKYC trong hoạt động.

Tại Ngân hàng Bản Việt, khách hàng chỉ cần tải ứng dụng Viet Capital Mobile banking, thực hiện các thao tác mở tài khoản theo hướng dẫn, định danh bằng eKYC ngay trên ứng dụng là sở hữu ngay một tài khoản thanh toán và giao dịch tài chính gồm: gửi tiết kiệm, chuyển - nhận tiền, thanh toán hóa đơn, liên kết ví.

Với Nam A Bank, Ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thử nghiệm eKYC và cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai. Đến thời điểm này, OCB đã tiến thêm một bước nữa, đó là hợp kênh với VTM OPBA - một ATM truy cập với video nối trực tiếp với tổng đài dịch vụ và một nơi là kênh xử lý tự động.

eKYC đang góp phần dẫn dắt người dùng chuyển đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp tại ngân hàng sang giao dịch trực tuyến.

OCB cho biết, để cung cấp ứng dụng ngân hàng số đa tiện ích, dịch vụ với công nghệ bảo mật cao, Ngân hàng có sự chuẩn bị lâu dài từ nhiều năm.

Công nghệ số được OCB triển khai đồng bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, giúp cải thiện hiệu quả cách thức vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, quản lý dữ liệu và danh mục khách hàng, đảm bảo yêu cầu về bảo mật và quản lý rủi ro.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số đối với ngân hàng không chỉ là xu thế tất yếu, mà là điều kiện cần và đủ để nhà băng có thể tăng trưởng trong mọi hoạt động.

Giám đốc điều hành Pitney Bowes, ông Jeetendra Kumar cũng nhận định, sự bùng nổ của công nghệ đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. 73% khách hàng trải nghiệm thương mại hóa và 89% khách hàng đã thay đổi những kênh mua sắm từ truyền thống sang mua sắm online.

Vì thế, việc thanh toán cũng sẽ được thực hiện bằng online và điều này đòi hỏi ngân hàng phải đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Các nhà băng không thể chậm chân trong chuyển đổi số để thu hút người dùng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục