Chuyển đổi sang quỹ mở, kỳ vọng tăng giá và thanh khoản

(ĐTCK) Việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở là cơ hội giảm tỷ lệ chiết khấu của chứng chỉ quỹ, nhưng không phải quỹ đầu tư nào cũng tận dụng được.
Chuyển đổi sang quỹ mở, kỳ vọng tăng giá và thanh khoản

Đang từ mức giá 4.300 đồng/chứng chỉ quỹ (CCQ), chỉ trong vòng 1 tháng, giá CCQ VFA (Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam) đã tăng lên 6.000 đồng/CCQ, sau khi VFA công bố chốt danh sách Đại hội NĐT bất thường để thông qua phương án chuyển đổi mô hình từ quỹ đóng sang quỹ mở.

Thị giá này rút ngắn khoảng cách với giá trị tài sản ròng trên một CCQ (NAV) là 6.960 đồng. Thanh khoản đang rất èo uột - vài nghìn đơn vị/phiên, bỗng tăng đột biến lên vài trăm nghìn đơn vị/phiên.

Có thể thấy, chuyển đổi mô hình từ quỹ đóng sang quỹ mở đã tác động ngay lập tức đến thị giá CCQ, làm giảm tỷ lệ chiết khấu giữa giá CCQ và NAV.

Theo dự kiến, vào tháng 4/2013, quỹ mở VFA sẽ bắt đầu giao dịch, khi đó NĐT có thể đăng ký bán lại CCQ cho công ty quản lý quỹ với giá bằng NAV. Tính cả rủi ro NAV có thể giảm xuống 6.000 đồng/CCQ, thì nhiều NĐT mua được CCQ VFA thời gian qua vẫn thu được lợi nhuận.

Chuyển đổi sang quỹ mở, kỳ vọng tăng giá và thanh khoản ảnh 1

CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) vào ngày 15/11 và 23/11 đã lần lượt mua vào 240.910 và 237.370 CCQ VFA

Khả năng thu được lợi nhuận từ CCQ VFA là cao, vì đây là một trong những quỹ đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao lên tới 67% NAV vào thời điểm tháng 10/2012. Cuối năm 2011, NAV là 171,6 tỷ đồng, trong đó 91,6% là tiền gửi ngân hàng (155,8 tỷ đồng).

CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) vào ngày 15/11 và 23/11 đã lần lượt mua vào 240.910 CCQ và 237.370 CCQ VFA, nâng tỷ lệ sở hữu tại VFA lên 6,18%. HSC là NĐT có liên quan đến Dragon Capital - cổ đông sáng lập Công ty Quản lỹ quỹ Việt Nam (VFM, đơn vị quản lý quỹ VFA) là nhằm mục đích đầu tư. Mặc dù vậy, quy mô của quỹ mở VFA sau 1 năm nữa vẫn còn là dấu hỏi, bởi chuyển sang quỹ mở đồng nghĩa với việc NĐT có thể rút vốn từ từ, nhất là với một quỹ mà tỷ lệ tiền mặt còn cao như VFA.

Trong mùa ĐHCĐ đầu năm 2012, Đại hội NĐT của Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4) đã thông qua chủ trương chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở, nhưng chưa chốt thời gian thực hiện. Mặc dù tiền mặt chỉ chiếm khoảng 16% NAV, nhưng VF4 có lợi thế hơn khi chuyển đổi sang quỹ mở là danh mục đầu tư chủ yếu là chứng khoán niêm yết trên sàn HOSE và HNX, có tính thanh khoản cao. Năm 2018, VF4 mới đến thời điểm đóng quỹ, nhưng nếu việc chuyển đổi sang quỹ mở của VFA thuận lợi về thủ tục, không mất nhiều thời gian, thì các NĐT của VF4 có thể rút ngắn thời điểm chuyển đổi, với mong muốn cải thiện tỷ lệ chiết khấu hiện nay, thậm chí là để rút vốn sớm.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VF4 phân tích, nếu cứ 2 lần 1 tháng, NĐT bán lại CCQ cho công ty quản lý quỹ, với tỷ lệ 10% sở hữu, thì chỉ khoảng 6 tháng là Quỹ giải thể. Nhiều NĐT trên thị trường đang nhìn VFA để quyết định xem có nên đầu tư vào VF4, khi mà quỹ này bắt đầu có kế hoạch theo chân VFA.

Trong một động thái khác, Dragon Capital vừa đăng ký mua vào 3 triệu CCQ VF1 (Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam ) và đã mua được 1,1 triệu đơn vị. Động thái mua này cũng giúp VF1 tăng được 1 giá, từ 8.000 đồng/CCQ lên 9.000 đồng/CCQ, nhưng vẫn còn cách xa NAV là 14.402 đồng/CCQ. Hiện tại, tỷ lệ tiền mặt của VF1 là 17,7%, còn lại là cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết.

Theo nguồn tin của ĐTCK thì quỹ thành viên VF2, cũng do VFM quản lý, đã buộc phải gia hạn thời gian hoạt động, vì chưa thể đóng quỹ. VF2 chưa thể đóng quỹ do còn nắm giữ cổ phiếu chưa niêm yết, các cổ phiếu này có tính thanh khoản rất kém.

Việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở là cơ hội giảm tỷ lệ chiết khấu của CCQ (chênh lệch giữa thị giá và NAV), nhưng không phải quỹ đầu tư nào cũng tận dụng được. Nếu tình hình TTCK còn diễn biến bất lợi như hiện nay, thì sẽ có động thái NĐT chỉ mua hoặc chỉ mong đến ngày quỹ chuyển sang quỹ mở để thoái vốn cho dễ và được giá hơn hiện nay.

Thuận An
Thuận An

Tin cùng chuyên mục