Chuyển dịch cơ cấu thu nhập: Xu hướng của các ngân hàng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu nhập từ hoạt động dịch vụ đang là xu hướng phát triển của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Các hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền liên tục được ký kết. Các hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền liên tục được ký kết.

Thu nhập ngoài lãi cải thiện

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của các ngân hàng đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi thuần trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tăng từ 23,7% (năm 2017) lên 25,2% (năm 2020). Trong đó, tỷ trọng thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 8,6% (năm 2017) lên 10,4% (năm 2020).

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ có sự dịch chuyển nhanh hơn so với các mảng hoạt động khác và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng (chiếm 41,1% tổng thu nhập ngoài lãi).

Đóng góp chính trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam hiện nay là các dịch vụ thanh toán, ngân quỹ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thu nhập từ mảng thanh toán bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng thực hiện miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cạnh tranh về phí để thu hút khách hàng.

Nhân tố chính tác động tới sự gia tăng tỷ trọng thu nhập hoạt động dịch vụ trong tổng thu nhập của các ngân hàng Việt Nam trong các năm gần đây là các khoản thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Xu hướng này có thể thấy rõ ở các NHTM cổ phần đã ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với các công ty bảo hiểm. Các thỏa thuận độc quyền này ngoài việc đem lại khoản phí trả trước lớn (upfront fee) thì còn giúp các ngân hàng mở rộng nguồn thu dịch vụ từ phí hoa hồng bảo hiểm trong dài hạn.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển mạnh cũng thúc đẩy các ngân hàng mở rộng các dịch vụ như tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Tuy vậy, các NHTM ở Việt Nam vẫn đang được xếp hạng ở nhóm có tỷ lệ thu nhập từ phí trên tổng thu nhập thấp (tỷ lệ dưới 20%) so với các ngân hàng trên thế giới. Để được xếp hạng ở nhóm có tỷ lệ thu nhập từ phí trên tổng thu nhập cao thì phải đạt trên 30%.

Tại các quốc gia có nền tài chính phát triển trên thế giới, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập (Noninterest income to total income) của các ngân hàng thậm chí lên tới trên 40% (theo World Bank - Global Financial Development Database đến cuối năm 2017).

Tại các nước này, các tổ chức tài chính tham gia thị trường và các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, công nghệ tài chính hiện đại, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính của các cá nhân, tổ chức lớn.

Tầng lớp trung lưu tăng nhanh là cơ hội để ngân hàng phát triển dịch vụ tài chính tiêu dùng.

Tầng lớp trung lưu tăng nhanh là cơ hội để ngân hàng phát triển dịch vụ tài chính tiêu dùng.

Các ngân hàng hiện đại ngoài việc đáp ứng các nhu cầu thanh toán, nhu cầu vốn cho mục đích tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh thông thường của khách hàng, còn tập trung phát triển các mảng hoạt động liên quan đến các dịch vụ tư vấn tài chính, đầu tư, quản lý tài sản...

Mặt khác, mặc dù tỷ trọng thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ trong tổng thu nhập có xu hướng tăng nhưng tốc độ tăng chậm và chưa đạt được mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (mới chỉ đạt mức 10,4%, trong khi mức mục tiêu là 12 - 13% đến cuối năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu do các NHTM phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như sau:

Thứ nhất, để phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại, đòi hỏi các ngân hàng phải có đầu tư lớn vào hệ thống công nghệ thông tin, quy trình hoạt động và đội ngũ nhân sự cũng phải thay đổi để phù hợp. Đi kèm với đó là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng cả về số lượng, mức độ phức tạp và quy mô tổn thất; khách hàng vẫn chủ quan chưa đề cao ý thức cảnh giác trong bảo mật thông tin.

Thứ hai, khuôn khổ pháp lý về phát triển ngân hàng số và các dịch vụ tài chính hiện đại còn chậm ban hành; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ chế chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực chưa hoàn thiện; thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn sâu về công nghệ làm hạn chế quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng.

Thứ ba, mức độ cạnh tranh lớn giữa các ngân hàng, định chế tài chính phi ngân hàng trong việc thu hút khách hàng dẫn đến thu nhập từ phí của một số loại dịch vụ có xu hướng giảm hoặc có thể không còn.

Thứ tư, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân vẫn lớn, nhất là ở các khu vực nông thôn, lòng tin của người tiêu dùng đối với các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ chưa cao nên vẫn có xu hướng thanh toán tiền mặt trong các giao dịch thương mại điện tử. Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ người mua hàng sử dụng hình thức thanh toán tiền mặt trong giao dịch thương mại vẫn lên đến gần 90%.

Xu hướng tất yếu

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu thu nhập là tất yếu và các ngân hàng Việt Nam có nhiều cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu này.

Ảnh tác giả

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu thu nhập là tất yếu và các ngân hàng Việt Nam có nhiều cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu này.

TS. Hà Huy Tuấn

Thứ nhất, Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng thông qua việc tham gia vào nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTAs) trên cả ba cấp độ song phương, đa phương và khu vực. Các hoạt động kinh tế phát triển thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm tài chính phục vụ xuất nhập khẩu như thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại…

Thứ hai, dịch vụ ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển khi vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa tiếp cận được dịch vụ. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng chưa cao, điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn hạn chế. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2019, có khoảng 63% người trưởng thành trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng. Mục tiêu được Chính phủ đề ra trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Thứ ba, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, góp phần thúc đẩy các nhu cầu lớn đối với các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, tư vấn, quản lý tài sản… Theo Ngân hàng Thế giới (2018), khoảng 70% dân số Việt Nam hiện có thể xếp vào nhóm an toàn về kinh tế, bao gồm 13,3% hiện đang là một bộ phận của tầng lớp trung lưu toàn cầu (tăng từ 7,7% trong năm 2010).

Thứ tư, công nghệ ngày càng phát triển, các ngân hàng đã và đang ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc phát triển các sản phẩm tài chính hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Điều này khiến dịch vụ ngân hàng ngày càng trở nên tiện dụng và thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội.

Thứ năm, Chính phủ đã đưa ra nhiều định hướng, chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến sự chuyển dịch cơ cấu thu nhập của ngân hàng như các đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money, xây dựng Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Một số khuyến nghị

Để chuyển dịch cơ cấu thu nhập thành công, thực hiện được mục tiêu Chính phủ đề ra trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động nắm bắt cơ hội, đổi mới toàn diện hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể:

Về phía Chính phủ và các cơ quan quản lý của Nhà nước, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển và cung ứng các sản phẩm dịch vụ tài chính ứng dụng các công nghệ mới;

Tiếp tục xây dựng các chính sách thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa; sớm ban hành các cơ chế, khuôn khổ cho phép thử nghiệm các công nghệ tài chính (Fintech);

Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ chế chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực; định hướng chiến lược trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ có khả năng đáp ứng quá trình chuyển đổi số trong ngân hàng, đi đầu trong việc phát triển các dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ hiện đại;

Điều hành nền kinh tế tăng trưởng ổn định, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, qua đó giúp hệ thống ngân hàng tăng khối lượng dịch vụ tài chính cung cấp cho khách hàng.

Về phía các ngân hàng, xác định chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng tăng thu nhập phi tín dụng là xu hướng phát triển của các ngân hàng hiện đại, từ đó xây dựng một chiến lược toàn diện, mục tiêu và lộ trình cụ thể, đảm bảo các cấp, các bộ phận trong ngân hàng đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi.

Lấy khách hàng là trung tâm, xây dựng các sản phẩm dịch vụ đáp ứng đúng, đồng thời gợi mở nhu cầu mới cho khách hàng; có chính sách giá phù hợp đối với từng sản phẩm, từng nhóm khách hàng; ứng dụng công nghệ hiện đại tăng sự trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Mở rộng cung ứng dịch vụ tài chính qua các kênh phân phối hiện đại được ứng dụng trên các thiết bị điện tử ở các khu vực phát triển, bên cạnh đó cũng cần chú trọng đến các kênh phân phối truyền thống tại một số khu vực mà sự phổ cập công nghệ còn hạn chế để tăng nhận diện thương hiệu của ngân hàng, từ đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính của khách hàng.

Đầu tư phù hợp cho việc phát triển hệ thống công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, đồng thời phải đảm bảo an toàn hệ thống, bảo mật thông tin khách hàng. Xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân sự thích ứng với quá trình chuyển đổi số của ngân hàng.

TS. Hà Huy Tuấn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục