Chuyển đầu tư về một mối: Xu hướng mới của “đại gia”

(ĐTCK-online) Trong thời gian gần đây, hàng loạt “đại gia” đã thực hiện chuyển cổ phiếu do cá nhân và người thân sở hữu về các công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu hoặc các công ty nắm quyền chi phối.
Lãnh đạo KDC là trường hợp mới nhất chuyển sở hữu cổ phiếu từ cá nhân sang DN
Lãnh đạo KDC là trường hợp mới nhất chuyển sở hữu cổ phiếu từ cá nhân sang DN

Cụ thể, tuần trước, vợ chồng Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh Đô (KDC) đã thông báo chuyển hơn 14,5 triệu cổ phiếu KDC về Công ty TNHH một thành viên PPK do Chủ tịch KDC sở hữu 100% vốn.

Trước đó, nhiều người nhà của Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) đã chuyển gần 15 triệu cổ phiếu STB về CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công, do vợ của Chủ tịch Sacombank làm Chủ tịch HĐQT.

Cũng phải nhắc lại trường hợp  lầ n đầu tiên được công bố rộng rãi là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI. Cuối năm 2009, ông này đã chuyển toàn bộ hơn 14,2 triệu cổ phiếu SSI đang nắm giữ sang Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Duy Hưng thuộc quyền sở hữu.

Sau đó, đến lượt em trai của Chủ tịch SSI cũng chuyển 2,7 triệu cổ phiếu SSI sang cho Công ty TNHH MTV Nguyễn Sài Gòn do ông này sở hữu 100% vốn điều lệ.

Đâu là lý do khiến trào lưu này diễn ra ngày một nhiều như vậy?

Thứ nhất, hưởng lợi từ thuế thu nhập. Việc chuyển nhượng chứng khoán khi thuộc sở hữu cá nhân sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong khi chuyển về công ty riêng thì sẽ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Theo Luật Thuế TNCN, thuế đánh vào chứng khoán được áp dụng theo một trong hai phương cách: thuế khoán 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần hoặc 20% trên phần chênh lệch có trừ đi một số chi phí hợp lý liên quan. Tuy vậy, chi phí liên quan này chỉ bao gồm rất giới hạn một số khoản mục như chi phí pháp lý, phí và lệ phí phải trả cho cơ quan nhà nước, phí ủy thác.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Thuế TNDN, dù phải chịu thuế suất đến 25%, nhưng ngoài giá vốn của chứng khoán thì các khoản chi phí được khấu trừ còn lại rất rộng rãi và mang tính toàn diện.

Các khoản chi phí này bao gồm từ chi phí hoạt động của DN như tiền công tiền lương, khấu hao, đến chi phí tiếp khách, đi lại, marketing, bán hàng…, thậm chí là khoản thua lỗ từ các hoạt động đầu tư khác.

Việc chứng minh để được khấu trừ các chi phí tương tự khi tính thuế TNCN là khó khăn hơn rất nhiều so với thuế TNDN.

Nói cách khác, việc bán chứng khoán thuộc sở hữu DN có thể đem lại lợi nhuận, nhưng có thể không làm phát sinh nghĩa vụ thuế khi tính tổng thể toàn công ty.

Chưa hết, nếu DN kinh doanh thua lỗ thì khoản lỗ này có thể được đăng ký để kết chuyển (thuật ngữ thường gọi là chuyển lỗ) trong vòng 5 năm. Trong khi đó, cá nhân đầu tư chứng khoán thua lỗ lại không được chuyển lỗ, mà phải quyết toán thuế TNCN hàng năm.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù thuế suất thuế TNDN lên đến 25%, nhưng rõ ràng, việc để một pháp nhân sở hữu chứng khoán sẽ được lợi về thuế thu nhập rất lớn so với thuộc sở hữu cá nhân.

Thứ hai, giảm thiểu rủi ro pháp lý. Việc chuyển đổi sở hữu từ cá nhân sang pháp nhân là công ty TNHH hay CTCP là một bước đi nhằm hạn chế rủi ro trong đầu tư cho các cá nhân này.

Về mặt pháp lý, công ty TNHH hay CTCP chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ. Vì vậy, nếu có "mệnh hệ" nào thì chỉ phần tài sản góp vốn bị liên lụy. Trong khi đó, về mặt cá nhân hay DN tư nhân thì trách nhiệm pháp lý là vô hạn.

Thứ ba, tập trung tài sản để thuận lợi cho việc quản lý, nâng cao hiệu quả. Nhu cầu cần tập trung tài sản về một đầu mối để thuận lợi cho việc quản lý là có thật, khi mà nhiều "đại gia" thường sở hữu một danh mục cổ phiếu đa dạng và phức tạp.

Việc tập trung lại các loại tài sản, thuê thêm nhân sự cùng với việc chuyên nghiệp hóa quy trình đầu tư, quản trị rủi ro… sẽ giúp việc quản lý danh mục hiệu quả hơn.

Thứ tư, tạo dựng hình ảnh tốt hơn trong một số hoạt động. Việc cá nhân là cổ đông lớn hay thành viên sáng lập dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn hay thậm chí thoái vốn sẽ tạo hình ảnh không mấy tích cực và nhiều khả năng tác động mạnh đến tâm lý của giới đầu tư. Trong khi đó, các hoạt động này là khá bình thường đối với một công ty. Ngoài ra, khi có nhu cầu góp vốn đầu tư vào các công ty khác thì việc dùng hình ảnh công ty để tham gia đàm phán cũng sẽ trở nên bình thường hơn và chuyên nghiệp hơn so với việc dùng tư cách cá nhân.

Như vậy, có thể thấy, có quá nhiều lợi ích để khiến trào lưu chuyển các khoản đầu tư của ông chủ DN về công ty tư nhân đang và sẽ diễn ra mạnh trong thời gian tới.

Nguyễn Đức Cường, Phòng Nghiên cứu Vietstock
Nguyễn Đức Cường, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Tin cùng chuyên mục