Trong những cổ đông của QCG có một nhà đầu tư khá nổi tiếng trên thị trường. Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ mua cổ phiếu nào đó chỉ vì nhận được thông tin có nhà đầu tư này đầu tư, mà không quan tâm, hoặc không quan tâm đầy đủ đến phân tích định giá doanh nghiệp. Các quyết định đầu tư như vậy chủ yếu do tâm lý muốn thu được tỷ suất lợi nhuận cao trong thời gian ngắn.
Cổ phiếu QCG đã lập kỷ lục tăng giá gấp 3, từ dưới 5.000 đồng/cổ phiếu giữa tháng 3/2017 lên 15.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 5/2017. Diễn biến tăng giá trong giai đoạn này chưa có yếu tố "nhà đầu tư nổi tiếng”, mà chủ yếu là do có thông tin đồn đoán rằng, QCG sẽ bán Dự án Phước Kiểng.
Cuối tháng 4, QCG công bố báo cáo tài chính quý I/2017, trong đó có thông tin về việc đối tác nước ngoài ứng trước vốn để QCG trả nợ cho BIDV. Theo thỏa thuận, khoản ứng trước vốn này sẽ được trừ vào khoản thanh toán mua Dự án Phước Kiểng của QCG trong tương lai, nếu hai bên đạt được thỏa thuận.
Khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cho biết, Dự án Phước Kiểng đang dở dang về đền bù giải phóng mặt bằng, có nghĩa là dự án chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng.
Giá cổ phiếu QCG có lúc đạt trên 29.000 đồng/cổ phiếu hiện đang ở mức 17.300 đồng/cổ phiếu
Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, đà tăng giá của cổ phiếu QCG vẫn tiếp tục, đạt gần 22.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/5. Sau đó, giá cổ phiếu này dao động quanh 21.000 đồng/cổ phiếu.
Ngày 12/6/2017, thông tin "nhà đầu tư nổi tiếng" và vợ mua thêm khoảng 350.000 cổ phiếu QCG, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 5% được công bố (giao dịch được thực hiện ngày 9/6). Sau thông tin này, giá cổ phiếu QCG liên tục tăng mạnh, đạt trên 29.000 đồng/cổ phiếu.
Liên quan đến Dự án Phước Kiểng, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017 ngày 29/6, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cho biết, thông tin trên thị trường về việc QCG chuyển nhượng thành công Dự án Phước Kiểng là thất thiệt.
Giá cổ phiếu đang ở mức cao, cộng thêm thông tin trên, khiến cổ phiếu QCG quay đầu giảm mạnh, xuống ngưỡng 21.000 đồng/cổ phiếu. Những nhà đầu tư mua cổ phiếu này ở mức giá cao vì những thông tin mù mờ đã chịu mức thua lỗ đáng kể.
Cổ phiếu QCG càng giảm mạnh khi "nhà đầu tư nổi tiếng" và vợ công bố bán 300.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại QCG xuống dưới 5% (ngày 9/8), dù trước đó, Công ty công bố lãi lớn trong quý II. Khi không còn là nhóm cổ đông lớn, "nhà đầu tư nổi tiếng" và vợ (sở hữu gần 14 triệu cổ phiếu QCG) sẽ không phải công bố thông tin nếu quyết định tiếp tục bán ra. Hiện giá cổ phiếu QCG giảm còn hơn 16.000 đồng/cổ phiếu.
Với nhà đầu tư lớn thì khả năng phân tích doanh nghiệp cùng các mối quan hệ được cho là đủ để có thông tin giúp giá vốn mua cổ phần dưới 5% vốn điều lệ của một doanh nghiệp nào đó ở mức thấp hơn nhiều mức giá mua vài trăm nghìn cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 5%.
Cho dù sau khi cổ đông lớn công bố thông tin bán, giá cổ phiếu giảm, nhưng mức giảm này thường là nhỏ so với tỷ lệ tăng giá lớn trước đó. Mức tăng giá cao này giúp nhà đầu tư lớn dần thoát hàng, sau khi giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, đạt tỷ suất lợi nhuận cao.
Trường hợp của QCG, những nhà đầu tư nhỏ lẻ mua theo tín hiệu của cổ đông lớn đã không thu được lợi nhuận lớn như trường hợp của KSB. Lý do là cổ phiếu KSB tăng giá nhờ thông tin về doanh thu, lợi nhuận rõ ràng, còn QCG chủ yếu dựa vào thông tin về chuyển nhượng dự án, mà ngay cả lãnh đạo doanh nghiệp cũng không dám nói chắc về tính khả thi.
Câu chuyện của QCG cho thấy, thông tin từ cổ đông lớn chỉ là thông tin tham khảo trong quyết định mua cổ phiếu của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đầu tư thụ động vào cổ phiếu nào đó với niềm tin vào cổ đông dẫn dắt, hoặc “đội lái”, có thể thu được nhiều lợi nhuận, nhưng cũng có thể thua lỗ lớn. Nhà đầu tư lớn có khả năng dẫn dắt, lôi kéo nhà đầu tư nhỏ lẻ ít khi rơi vào tình trạng thua lỗ, bởi giá vốn trong mỗi thương vụ đầu tư thường ở mức thấp.