Chuyện của những "cái đầu"

Một công ty muốn phát triển, "cái đầu" của lãnh đạo phải to, tức là "thừa đầu" cho quy mô công ty đó. Ngược lại, lãnh đạo mà "đầu bé", công ty của anh ta sẽ lụi bại, tức là tình trạng "thiếu đầu". Chuyện của các công ty cũng là chuyện của TTCK; chỉ số thị trường, giá cả cổ phiếu lên hay xuống cũng liên quan đến những cái đầu này.

Tại sao VN-Index sau khi đạt 1.170,67 điểm vào tháng 3/2007 lại quay đầu điều chỉnh hơn một năm qua? Có phải là do tình trạng "thiếu đầu" của nhà quản lý thị trường, lãnh đạo của các công ty niêm yết cũng như trên thị trường OTC?  Nguyên nhân được nhiều người lý giải là do kinh tế thế giới bước vào suy thoái, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, phải triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát tăng cao thì đương nhiên TTCK sẽ chịu những tác động xấu. Nhưng tại sao TTCK lại bị ảnh hưởng nặng nề đến như vậy? Tại sao UBCK buộc phải "đông lạnh" nó? Xem ra, vấn đề còn nằm ở chỗ khác nữa. Đó là tình trạng "thiếu đầu" của thị trường. Cái đầu bị thiếu ở đây chính là anh chưa đủ khả năng quản lý thị trường, chưa đủ khả năng quản lý công ty có mức vốn hóa tăng vọt trong một thời gian ngắn. Và thế là VN-Index buộc phải điều chỉnh xuống cho vừa tầm những cái đầu của các nhà quản lý.

Lấy ví dụ FPT, Ban lãnh đạo FPT có giỏi không? Không giỏi tại sao giá cổ phiếu FPT lại tăng đến 6xx trong giai đoạn đầu niêm yết? Rất nhiều người khi đó tin rằng, FPT được mấy đối tác chiến lược nước ngoài "thừa đầu" lôi lên chứ bản thân FPT thì chỉ đáng 16x như định giá chào sàn. Hiện nay, FPT đang ở 9x thì mức giá này là thừa hay thiếu so với "tầm" của Ban lãnh đạo? Kết luận sẽ rất lý thú nếu ai đó định giá cổ phiếu theo "phân tích tầm đầu", chứ không phải là phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật.

Các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng vậy, việc tăng vốn ồ ạt, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, nâng cao năng lực tài chính, tạo thặng dư vốn khổng lồ, nhưng cũng không đủ sức chặn cơn lốc giảm giá thời gian qua. Hậu quả này có sự đóng góp nhiệt tình của chính họ trong việc tăng trưởng tín dụng quá mức vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản trong năm 2007. Đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam , thời điểm cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng nước ngoài đã đến. Đây là vấn đề lớn nhất, nguy cơ gần nhất đối với các ngân hàng, chứ không phải là bán cổ phiếu với giá nào cho đối tác chiến lược, cho cổ đông nước ngoài nữa. Còn quá sớm để các ngân hàng và nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng tính toán giá cổ phiếu của họ là thấp hay cao trong bối cảnh thắt chặt hoạt động tài chính - tiền tệ hiện nay.

Thế còn các công ty trên thị trường OTC? Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa với khả năng huy động vốn, huy động chất xám rất thấp, bề dày kinh nghiệm thiếu. Cái đầu của các tổng giám đốc sẽ còn thiếu nhiều lắm khi cơn bão cạnh tranh mang tên WTO đang đổ bộ vào Việt Nam . Phải chăng, nhà đầu tư còn đang chờ đợi, chưa sẵn sàng với các cổ phiếu OTC là vì những nghi ngờ này?    

Tuấn Tú, Hà Nội
Tuấn Tú, Hà Nội