​Chuyện cái hàng rào

(ĐTCK) Sống lâu ngày nơi phố thị với những tường rào sơn trắng không cảm xúc, những cánh cửa kim loại quanh năm chẳng hé mở bao giờ, đôi khi làm tôi quên mất khoảng sân yên bình có giậu râm bụt làm hàng rào nối liền nhà tôi với nhà hàng xóm ở quê.
​Chuyện cái hàng rào

27 tháng Chạp năm nào cũng trùng với ngày giỗ ông, dù bận rộn đến mấy tôi cũng tranh thủ ghé về nhà cũ thắp hương. Năm nay, vừa bước đến đầu ngõ, tôi hoảng hốt phát hiện hàng rào râm bụt giữa nhà mình và nhà hàng xóm... đã biến mất từ bao giờ. Ngay tại vị trí hàng rào cũ giờ mọc lên một bức tường thành bằng xi măng kiên cố, cao hơn đầu người cỡ 10 phân.

Hỏi chuyện mấy nhà xung quanh tôi mới biết chủ nhà bên ấy, chính là thằng Bảo bạn tôi thuở nhỏ vừa bán nhà tháng trước để dọn về ở cùng cậu con trai. Lòng tôi trống rỗng như một cái vực đáy sâu không gì khỏa lấp được.

Nếu cái hàng rào râm bụt ấy còn thì hàng năm, đúng dịp này sẽ vào đợt cắt tỉa, dọn dẹp. Tôi và Bảo tuy tất bật chuẩn bị Tết nhất, nhưng không bao giờ quên việc chỉnh đốn giậu râm bụt cho gọn gàng, đẹp mắt.

Để khi Xuân sang, trong mưa bụi lây rây, hàng rào xanh giữa hai nhà lại bật lên những mầm non tua tủa, nõn nà và tinh khôi. Năm nào có hứng, Bảo còn kỳ công tạo dáng, chăm chút hàng rào như một công trình nghệ thuật. Xong xuôi, hai thằng lại ngồi uống nước chè, tranh thủ đánh đôi ván cờ. Thế mà…

Suốt ngày hôm ấy, tôi cứ lóng ngóng trước khoảng sân nhà mình. Giống như một đứa trẻ đang đi tìm một vật quý trót cất vào đâu chẳng nhớ ra. Bức tường xi măng mới cóng đã nói lên khoảng cách giữa hai nhà. Nó như một tấm biển cảnh báo về ranh giới cho bước chân của láng giềng. Tôi có ý rẽ vào hỏi thăm, nhưng ngần ngại đứng bên ngoài mấy lần, rồi lại thôi.

Nghĩ lại mới thấy cái hàng rào tưởng chỉ là chi tiết phụ lại được ông cha ta thời xưa chăm chút tỉ mỉ và thật tinh tế. Hàng rào ngày xưa linh hoạt, thân tình, ngăn mà như chẳng ngăn.

Hàng rào, bờ giậu ở quê ngày xưa đều là cây cối thiên nhiên, chủ yếu là những loại cây hiền lành, thân thiện mà bền vững như cúc tần, trà, râm bụt. Hiếm lắm mới thấy nhà trồng cây cứng, có gai như dứa, găng, ô rô… Phổ biến nhất vẫn là giậu mồng tơi.

Có một thời gian dài, vài cành tre cắm hững hờ giữ cố định cho giậu mồng tơi leo lên được mặc định là hàng rào ở khắp các làng quê Việt. Và từ khi nhà thơ chân quê Nguyễn Bính viết câu thơ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi; Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn...”, thì giậu mồng tơi được xem là loại hàng rào đẹp nhất, nên thơ nhất, lãng mạn nhất của nước ta.

Có lần tôi hỏi ông nội, sao hai nhà không trồng cây gì vừa đẹp vừa thơm như hoa hồng, hoa nhài, hoặc có giá trị kinh tế như mồng tơi, lá chè... Ngoài chức năng bảo vệ cho căn nhà, chúng còn tham gia vào bữa ăn dân dã, hoặc làm nguyên liệu chữa bệnh dân gian gần gũi, chứ cây hoa râm bụt, chỉ đỏ không thơm “chẳng nên cơm cháo gì”.

Như nhà cái Thu, bố nó làm một cái hàng rào bằng tre rất đẹp, những thanh tre to bản chừng 4 ngón tay vót nhọn phía trên đầu. Mẹ nó dặn bố để chừa một chỗ trống hai đầu để trồng vào đó vài cây hoa hồng leo. Chẳng mấy chốc hoa hồng đã nở thành từng chùm, tỏa hương thơm lừng khắp con ngõ nhỏ, hết đợt này đến đợt khác như được trải thảm hồng. Mẹ nó thích thú ngày ngày đều cắt tỉa, chăm sóc chỉnh chu.

Ông nghe tôi nói thế bật cười giải thích, mỗi sự vật, sự việc trên đời tồn tại đều có lý do riêng của nó. Hàng rào thân thiện có thể do vật liệu thiên nhiên giản dị, có thể do chi tiết, có thể do hình thức, quy mô, nhưng không thể bỏ qua thái độ ứng xử của con người.

Hàng rào râm bụt không thể nấu canh giữa trưa hè oi nóng, nhưng nó lại là một tấm khăn đỏ chói mùa Hạ, giúp hai nhà nổi bật ngay giữa con đường nhỏ. Cũng không thể hái nấu nước chè tươi uống giải khát, nhưng lại là một chiếc nơ xanh mùa Xuân, khi đâm chồi nảy lộc thì mạnh mẽ vô cùng.

Mà trồng cây gì cũng không quan trọng bằng việc người ta định nghĩa cái hàng rào nhà mình như thế nào. Hàng rào thôn quê dù chỉ là hình thức, bởi không bảo vệ được trộm, nhưng ít ra qua đó thấy được sự thanh bình, hài hòa của người nhà quê. Trên cơ sở “yên tâm về ranh giới”, cái hàng rào đảm bảo cái không gian riêng từng gia đình và làm phương tiện để chia sẻ tình làng nghĩa xóm.

Như hàng rào râm bụt giữa nhà mình và nhà bên ấy, theo thời gian chúng đan cài với nhau tạo thành những hàng rào cây thật chắc chắn, vững chãi. Chúng ngăn cách các gia đình bằng màu xanh cây lá hiền hòa, làm cho cuộc sống trở nên thanh bình, êm ả. Hai nhà đã ở với nhau 2 đời, nhưng chẳng bao giờ có tiếng cãi cọ, trách móc, phân tranh.

Bởi rào giậu không để cao quá ngạch cửa sổ bao giờ, chỉ đến chừng ngang bụng người lớn là cắt tỉa. Ở khoảng cách đó, phên giậu vừa tạo cảm giác an toàn, vừa giữ sự cân bằng trong tầm mắt. Vừa đủ kín đáo, duyên dáng, sáng sủa, vừa giúp hai nhà có thể quan sát, kết nối xã hội và cũng là để láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau.

​Chuyện cái hàng rào ảnh 1

Ông nội tôi với ông nội thằng Bảo xưa kia hay xin lửa hút thuốc lào qua cái dậu râm bụt ấy. Mẹ tôi và mẹ nó trao đổi nắm, lá chanh, lá bưởi qua mọi khe hở. Hoặc mời nhau bát nước chè tươi, cho nhau vay tạm bơ gạo, quả trứng, chai mắm. Mẹ Bảo nấu xong nồi chè hay trong vườn có quả mít, quả bưởi chín là chuyền qua hàng rào mời nhà tôi, ăn lấy thảo.

Hàng rào còn là nơi giúp hai nhà phơi chiếu, phơi chăn. Những tấm chiếu, chiếc chăn được phơi khô thơm mùi nắng.

Gà qué, chó mèo tất nhiên cũng được phép đi qua hàng rào một cách tự do. Lũ trẻ con chúng tôi thì sang nhà nhau chơi bằng cách vạch rào chứ không đi vòng lối cổng bao giờ. Chỗ hàng rào cây luôn là không gian lý tưởng cho bao trò vui chơi, nghịch ngợm. Những trưa Hè trốn mẹ sang vườn nhà Bảo bắt chuồn chuồn, bắt ve..., rồi bị ông nội nó bắt được “đánh đùa” mấy roi. Những lúc giận dỗi trẻ con thì lấy cành lá bịt kín lỗ hổng giữa hai nhà, để rồi lát nữa làm lành thì lại vội gỡ ra.

Đến khi chị tôi lớn, cái hàng rào còn đóng vai trò là số nhà, số ngõ. Hẹn bạn đến nhà chơi, chị tôi phải tỉ mỉ hướng dẫn kiểu như đi hết con đường đất, đằng ấy nhìn sang bên trái, có căn nhà nhỏ với hàng rào râm bụt nở đỏ gắt, thì đấy là nhà mình. Bạn đến chỉ việc đứng trước hàng rào gọi vào. Con Mix nằm canh trước cửa sủa lên vài tiếng là cả nhà tôi và nhà bên cạnh biết nhà có khách.

Qua cái hàng rào giản dị ấy, cũng chỉ cần một tiếng gọi to nhà bên này đã biết bên ấy đi vắng cả rồi. Tự khắc để mắt trông chừng giúp khi có người lạ vào nhà hoặc đuổi giúp con gà, con vịt vào phá vườn rau.

Cứ thế, hàng rào mỏng manh mà thâm tình hàng xóm càng thêm gắn kết, bền chặt. Người ngoài đến chơi cũng vì thế mà thấy ngôi nhà gần gũi, cởi mở chứ không tênh hênh, dễ dãi.

Năm nay trở về, nhà thằng Bảo chuyển đi, hàng râm bụt chẳng còn. Tôi thần người ngồi nhìn bức tường vôi mới đét. Chẳng ai giữ được cái hàng rào giản dị như thế mãi được. Người ta mới đến, thấy nhà tôi quanh năm đóng cửa im ỉm nên cần hàng rào, tường rào rõ ràng hơn về ranh giới, bền chắc hơn về kết cấu, cao lớn hơn về hình thức…Chung quy lại để đạt một sự an toàn cao nhất trên mọi phương diện. May mắn là nhà bên ấy không giăng thêm kẽm gai, cắm thêm vỏ chai thủy tinh lởm chởm nhọn hoắt để chống kẻ gian.

Nhưng cuộc sống từ đây về sau giữa đôi bên sẽ trở thành “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Muốn sang chơi phải vòng đường cổng, ấn chuông hoặc đập cửa thình thình như nơi thành phố. Khoảng cách hàng xóm, láng giềng dần cách xa.

Buổi chiều không có ai đánh cờ cùng, tôi đi một vòng chòm xóm chào họ hàng. Quê tôi vẫn là thôn quê, nhưng đầu trên xóm dưới nhà nào khá giả thì đã dựng tường rào, nhà không thì cũng cắm cọc xi măng giăng ít lưới sắt. Chẳng biết khỏa lấp được bao nhiêu cảm giác bất an đã thường trực từ lâu ở trong lòng người.

Lúc đó tôi thèm lắm những hàng rào xanh quê nhà, những cọc tre xộc xệch bám đầy ngọn mồng tơi, những bông hoa nhài, hoa râm bụt nở tươi tắn, thân thiện mà gần gũi biết bao.

Mang sự chạnh lòng này về phố thị kể với một anh bạn đồng nghiệp thường xuyên đi nước ngoài. Anh bảo, mình đã có cơ may đi qua nhiều vùng nông thôn ở Mỹ, Úc, Thụy Điển, Hàn Quốc... và thấy bên ấy người ta vẫn giữ được những làng quê đặc trưng của họ, dù họ là một đất nước phát triển. Anh kể, họ là những người biết hưởng thụ cuộc sống, hưởng thụ cũng là một thứ văn hóa đỉnh cao.

Tôi vu vơ hỏi bạn nhưng là để chất vấn lòng mình: Bên trong những bức tường rào đúng nghĩa ngoài kia, sớm mai này, sẽ còn mấy người quanh quẩn, nhớ về một cái hàng rào từng biết trổ bông.


Báo Đầu tư Bất động sản Tết Canh Tý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục