Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng duy trì ở tốc độ hợp lý, các hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng khá; quy mô quỹ dự trữ ngoại hối tăng, thị trường tiền tệ ổn định..
Tất cả những kết quả quan trọng này trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn và chịu tác động từ biến động của thị trường thế giới, diễn biến địa chính trị phức tạp... đã phản ánh hiệu quả của chính sách kinh tế nói chung và cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất nói riêng.
Đồng thời, môi trường kinh tế ổn định là điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững, thực hiện tốt các chương trình lớn như tái cấu trúc.
Cụ thể, đến ngày 31/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98%; tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 3,68% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, lãi suất huy động tối đa bằng VND và USD, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục yêu cầu TCTD giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản cho vay cũ). Riêng tại địa bàn TP. HCM, 7 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng 3,35% so với đầu năm 2014; huy động vốn tăng 3,9%.
7 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn TP. HCM đạt 12.980 doanh nghiệp. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động chỉ bằng 75,7% số doanh nghiệp tăng trong kỳ. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên TTCK có lãi tiếp tục tăng.
Trong đó, có hơn 40% doanh nghiệp báo cáo lãi, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả đó phản ánh hiệu quả của chính sách, trong đó, chính sách tỷ giá, lãi suất và chính sách tín dụng ưu tiên đã và đang phát huy tác dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và giảm chi phí lãi vay, duy trì và phục hồi sản xuất.
Riêng dư nợ cho vay lãi suất thấp (không quá 8%/năm đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên) bằng VND đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đạt 88.235 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2013 và chiếm 65,2% trong tổng dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND.
Kết quả đó gắn liền với những chuyển biến tích cực về an toàn trong hoạt động ngân hàng; kết quả kinh doanh và xử lý nợ xấu. Theo đó, thanh khoản hệ thống đảm bảo, tiền gửi tiết kiệm dân cư (bộ phận tiền gửi ổn định) tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng huy động vốn trên địa bàn.
7 tháng đầu năm, bộ phận tiền gửi này tăng 6,74% và chiếm 55,6% trong tổng tiền gửi trên địa bàn. Việc trích lập dự phòng rủi ro được thực hiện và tuân thủ đẩy đủ, đảm bảo nguồn để xử lý nợ xấu và an toàn trong hoạt động. 7 tháng đầu năm, các NHTM trên địa bàn đã xử lý được 8.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chỉ bán cho VAMC 1.000 tỷ đồng.
Phần còn lại chủ yếu được xứ lý bằng nguồn trích dự phòng rủi ro. Mặc dù có khó khăn nhất định, do làm tăng chi phí, song đã và đang có chuyển biến tích cực từ kết quả kinh doanh.
Khác với những năm gần đây, 7 tháng đầu năm 2014, các ngân hàng trên địa bàn đã bắt đầu có lãi, một số thực hiện được đúng kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn của quá trình tái cấu trúc hoạt động. Song môi trường kinh tế đã ngày càng thuận lợi hơn, chuyển biến tích cực từ kinh tế vĩ mô, từ thị trường hàng hóa, TTCK và sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản, sẽ là những thuận lợi có ý nghĩa về mặt môi trường và là yếu tố khách quan.
Quan trọng hơn, các TCTD đã có nhận thức về những tồn tại hạn chế, về yêu cầu phải tái cơ cấu hoạt động và đổi mới mô hình tăng trưởng, đề án và những giải pháp cụ thể… Điều này giúp các TCTD quyết tâm thực hiện tái cơ cấu, đưa hệ thống ngân hàng bước vào giai đoạn phát triển mới.