1. Có thể tóm lược lại câu chuyện như sau, có một nhóm, do một cá nhân đứng đầu, bằng nhiều cách tiếp cận, đã cài cắm rất nhiều tay chân thân cận vào các tập đoàn, công ty bất động sản. Họ thường xuyên tổ chức sự kiện mời nhà báo. Danh sách các nhà báo đại diện cho các tờ báo rất nhiều và rất dài.
Tuy nhiên, theo sự bóc mẽ, thì nhiều nhà báo có tên, nhưng không được mời, hoàn toàn không hề biết tới các sự kiện này. Nhưng ở danh sách ấy, thì vẫn có chữ ký của họ, đã nhận đủ Thông cáo báo chí và bì thư (tất nhiên). Ai là người giả các chữ ký này, hỏi nhân viên phụ trách báo chí, thì biết liền.
Có một tờ giấy gần đây đang lưu truyền trên mạng xã hội, là danh sách các nhà báo có tên trong sự kiện của tập đoàn bất động sản nào đó, với các chữ ký chi chít kèm theo số điện thoại. Tuy nhiên, nhiều nhà báo cho biết, họ có tên trong đó, nhưng hoàn toàn không hề nhận được thư mời để tới sự kiện này.
Câu chuyện tưởng như trong vòng bí mật của báo chí và nghề PR dần dần được hé lộ, cho thấy quá nhiều góc khuất của nghề làm truyền thông, riêng cho thị trường bất động sản.
Gần đây nữa, giới viết lách cũng râm ran những thông tin về một đại gia ngành địa ốc đang phải đối mặt những cáo buộc sai trái trong xây dựng sản phẩm căn hộ.
Việc đó không có gì quá lạ lẫm, nhưng thông tin quan trọng mà cần lưu ý, là đã có tiền lệ các nhà báo nhờ vả được mua căn hộ với chiết khấu cao.
Họ gần như không cần bỏ vốn, chỉ cần đặt cọc với số tiền ước lệ, sau đó bán đi bằng giá của chủ đầu tư để lấy tiền chiết khấu kia.
2. Mạng xã hội bùng nổ, cùng với cách thông tin dễ dàng như thời nay, đã khiến “nồi cơm” của các cơ quan báo chí càng ngày càng vơi. Báo in đã mất đi vị thế của mình so với cách nay 15 năm.
Báo điện tử nếu không biết cách làm, cũng loay hoay với việc đua thời gian với mạng xã hội - nơi mà người ta tự đưa thông tin lên trang cá nhân với sự chịu trách nhiệm không quá khắt khe.
Và số tiền thu được từ quảng cáo cũng dần teo tóp đi, dẫn đến thu nhập cho các nhà báo càng ngày càng giảm. Nhưng dù vậy, nếu để bằng mọi giá có tiền mà giẫm đạp lên nghề nghiệp, cũng là câu chuyện quá đáng buồn.
Tôi vẫn thường nói chuyện với anh bạn, là tổng giám đốc của một sàn phân phối bất động sản, khi anh thường xuyên bị stress về công việc đến mức gần như trầm cảm.
Những nỗi lo của anh, chắc cũng giống như của nhiều đồng nghiệp khác, chuẩn bị ra sản phẩm thì dồn nhiều thời gian và tâm sức làm marketing, lúc bán hàng rồi thì lo bán số lượng được nhiều hay ít, các chính sách bán hàng có phù hợp hay không, nhân viên sale ổn hay bất ổn...? Túm lại là rất nhiều thứ đáng lo.
Phía sau thành công 1 dự án, có lẽ là nhiều đêm mất ngủ cùng nhiều sợi tóc chuyển từ đen sang trắng. Tuy nhiên, nhân lực vẫn luôn là điều mà khiến anh bạn đau đầu.
Niềm vui và nỗi buồn của bạn, đôi khi lại phụ thuộc rất lớn vào tâm tính của nhân viên - điều tưởng như trái khoáy, nhưng lại vô cùng logic. Con người với bao suy nghĩ được giấu kín trong đầu, nên sẽ dẫn tới rất nhiều điều bất ngờ đối với những người khác. Và khi mọi sự đều được dẫn dắt bởi đồng tiền, thì rất khó để kiểm soát mọi thứ không thuộc về mình.
Tôi nhớ có lần điện thoại cho cậu bạn học chung khóa thời phổ thông, nhờ bạn tư vấn cho việc có nên mở một trang thông tin điện tử riêng hay không.
Bạn nghe tôi trình bày một hồi về ý tưởng, thì nói rằng, nên làm công việc nào mà sử dụng tối thiểu nhất về sức lực của con người.
Hay nhất là công việc ấy chạy trên phần mềm nào đó, nghĩa là do máy móc thực hiện tự động. Và có thể chưa ra tiền được ngay, nhưng cứ nuôi đi. Tới lúc ổn rồi, thì cứ để hệ thống máy móc ấy chạy và tiền đổ vào tài khoản thôi. “Sử dụng con người phức tạp lắm”, ông bạn kết luận.
Con người đã phức tạp như vậy, chữ nghĩa còn phức tạp hơn. Hèn chi nghề viết lách, truyền thông mới có nhiều bí mật đến thế. Và tất nhiên, còn nhiều chuyện nữa vẫn chưa tiện nói ra, hoặc chưa lộ ra ánh sáng! Tuồng vẫn còn đang diễn!