Chương trình vắc xin của WHO có nguy cơ thất bại, các nước nghèo phải chờ vắc xin đến năm 2024

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Theo Reuters, các tài liệu nội bộ cho biết, kế hoạch toàn cầu cung cấp vắc xin Covid-19 cho các quốc gia nghèo hơn phải đối mặt với nguy cơ thất bại rất cao và có khả năng khiến các quốc gia này không được tiếp cận được vắc xin cho đến tận năm 2024.

Ảnh Internet Ảnh Internet

Chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là chương trình toàn cầu với mục tiêu tiêm chủng cho người dân ở các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình trên thế giới chống lại Covid-19.

COVAX đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021 để bao phủ 20% những người dễ bị tổn thương nhất ở 91 quốc gia nghèo và thu nhập trung bình, chủ yếu ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.

Nhưng trong các tài liệu nội bộ được Reuters xem xét, những người xúc tiến chương trình nói rằng chương trình hiện đang gặp khó khăn do thiếu vốn, rủi ro cung cấp và các thỏa thuận hợp đồng phức tạp có thể sẽ không thể đạt được mục tiêu.

“Nguy cơ thất bại trong việc thành lập COVAX là rất cao”, một báo cáo nội bộ gửi cho hội đồng quản trị của Gavi, một liên minh gồm các chính phủ, công ty dược, tổ chức từ thiện và các tổ chức quốc tế sắp xếp các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu cho biết.

Báo cáo và các tài liệu khác do Gavi chuẩn bị đang được thảo luận tại các cuộc họp hội đồng quản trị của Gavi vào ngày 15/12 đến ngày 17/12.

Một trong những tài liệu cho biết sự thất bại của COVAX có thể khiến người dân ở các quốc gia nghèo không được tiếp cận với vắc xin cho đến năm 2024.

Báo cáo cho biết, nguy cơ thất bại cao hơn vì kế hoạch được thiết lập quá nhanh, hoạt động trong nhiều vùng lãnh thổ chưa được thăm dò.

Áp lực về nguồn cung vắc xin

Các kế hoạch của COVAX dựa vào vắc xin rẻ hơn mà cho đến nay vẫn chưa nhận được sự chấp thuận nào thay vì vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng công nghệ mRNA mới đắt tiền hơn.

COVAX cho đến nay đã đạt được các thỏa thuận cung cấp không ràng buộc với AstraZeneca, Novavax và Sanofi với tổng số 400 triệu liều, với các tùy chọn đặt hàng thêm vài trăm triệu liều, theo một trong những tài liệu của Gavi cho biết.

Nhưng ba công ty đều phải đối mặt với sự chậm trễ trong quá trình thử nghiệm vắc xin và có thể đẩy lùi một số phê duyệt quy định có thể có đến nửa cuối năm 2021 hoặc muộn hơn. Điều này cũng có thể làm tăng nhu cầu tài chính của COVAX.

Vắc xin của Pfizer có giá khoảng 18,4 - 19,5 USD mỗi liều, trong khi của Moderna có giá 25 - 37 USD. COVAX hiện không có hợp đồng cung cấp với một trong hai công ty đó. Một trong những tài liệu của Gavi cho biết, họ cũng không ưu tiên đầu tư vào chuỗi phân phối siêu lạnh ở các nước nghèo vì họ vẫn dự kiến ​​sử dụng hầu hết các mũi tiêm cần bảo quản lạnh thông thường.

Hôm thứ Ba (15/12), một quan chức cấp cao của WHO cho biết, cơ quan này đang đàm phán với Pfizer và Moderna để đưa vắc xin của các công ty này vào trong đợt triển khai sớm trên toàn cầu với chi phí cho các nước nghèo có thể thấp hơn giá thị trường hiện tại.

Các mũi tiêm khác đang được phát triển trên toàn thế giới và COVAX muốn mở rộng danh mục đầu tư của mình bao gồm vắc xin từ các công ty khác.

Các nước giàu đã đặt hầu hết các kho dự trữ vắc xin hiện có và cũng đang có kế hoạch tặng một số liều lượng dư thừa cho các nước nghèo, mặc dù không rõ liệu đó có phải là thông qua COVAX hay không.

Áp lực về tài chính

Để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 20% người dân ở các nước nghèo vào năm tới, COVAX cho biết họ cần 4,9 tỷ USD ngoài 2,1 tỷ USD đã huy động được.

Các tài liệu cho biết nếu giá vắc xin cao hơn dự báo, nguồn cung bị chậm trễ hoặc không thu được đầy đủ tiền bổ sung, chương trình này sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại.

Cho đến nay, Anh và các nước thuộc Liên minh châu Âu là các nhà tài trợ chính cho COVAX trong khi Mỹ và Trung Quốc không đưa ra cam kết tài chính nào. Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính đa phương khác cũng đang cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các nước nghèo để giúp họ mua và triển khai vắc xin thông qua COVAX.

COVAX đang phát hành trái phiếu vắc xin có thể huy động tới 1,5 tỷ USD vào năm tới nếu các nhà tài trợ đồng ý trang trải chi phí, một trong những tài liệu của Gavi cho biết. COVAX cũng đang nhận tiền từ các nhà tài trợ tư nhân, chủ yếu là Quỹ Bill và Melinda Gates.

Nhưng ngay cả trong điều kiện tài chính tốt nhất, COVAX vẫn có thể gặp thất bại do rủi ro tài chính không cân đối do quy trình thực hiện giao dịch phức tạp gây ra.

COVAX ký hợp đồng mua trước với các công ty về nguồn cung cấp vắc xin mà các nhà tài trợ hoặc các nước tiếp nhận có đủ khả năng chi trả.

Nhưng theo các điều khoản trong hợp đồng COVAX, các quốc gia vẫn có thể từ chối mua số lượng đặt trước nếu họ thích các loại vắc xin khác hoặc nếu họ mua chúng thông qua các chương trình khác, nhanh hơn hoặc với giá tốt hơn.

Theo báo cáo của Citigroup, COVAX cũng có thể phải đối mặt với thua lỗ nếu các quốc gia không thể thanh toán đơn đặt hàng của họ, hoặc thậm chí nếu khả năng miễn dịch cộng đồng được phát triển quá nhanh khiến vắc xin không còn cần thiết.

Hạc Hiên
Theo Reuters

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục