Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế: Không gian cho cấu trúc kinh tế mới

0:00 / 0:00
0:00
Các nền tảng, điều kiện để kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cần được giải cùng với bài toán phục hồi kinh tế. Khi đó, sự phục hồi mới thực sự bắt nhịp xu thế.

Không gian phát triển

Tốc độ tăng trưởng của khu vực và thế giới đang được dự báo chậm lại. Vài ngày trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo về triển vọng tăng trưởng các nền kinh tế kinh tế châu Á đang phát triển năm nay và năm 2022 giảm so với lần công bố hồi tháng 9/2021. Riêng khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng được dự báo giảm 0,1 điểm phần trăm cho cả năm 2021 và năm 2022.

“Dù có giảm, nhưng cầu thế giới vẫn đang rất tốt với kinh tế Việt Nam. Có hai tin tốt. Một là, xu hướng phục hồi đang được dẫn dắt bởi các đối tác của Việt Nam, như EU, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Hai là, xu hướng chuyển đổi số, lối sống xanh đang chi phối sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển chiến lược và cạnh tranh nhìn nhận.

Quan trọng là các tin tốt đến không chỉ đứng ở bên ngoài Việt Nam. TS. Thành hào hứng khi nhắc tới sự quan tâm của thế giới tới Việt Nam, các động thái của các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu tại Việt Nam trong những tháng vừa qua.

Sự quan tâm này tất nhiên đến từ các lợi ích kinh tế của các đối tác, vì Việt Nam là một thị trường khá hấp dẫn, với quy mô thị trường nội địa, tốc độ tăng trưởng tiềm năng nhanh, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh, độ mở kinh tế lớn... Điều này có thể thấy rõ ở kết quả các chuyến thăm và làm việc của các nhà lãnh đạo Việt Nam tới một số quốc gia trong vài tháng qua. Nhiều thỏa thuận, cam kết..., trong đó có cả cam kết đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, cam kết hợp tác đầu tư giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài... được ghi nhận.

Đáng chú ý, những thay đổi trên chính trường thế giới đang tạo ra những không gian phát triển mới. Trong bài phát biểu nhậm chức của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Việt Nam được nhắc đến trong chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn với các nước có tiềm năng thương mại thay thế để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Các lĩnh vực có thể có sự dịch chuyển từ chiến lược này là cơ khí, điện tử, nguyên vật liệu, dược phẩm...

Giới phân tích kinh tế cũng đã thấy xu hướng ủng hộ các hoạt động gắn với năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp... không chỉ của chính quyền tân Thủ tướng Đức, mà cả EU.

“Không gian phát triển đang mở thêm nhiều cơ hội, bên cạnh các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam bắt đúng nhịp”, TS. Võ Trí Thành nói.

Nguồn: Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Thanh Huyền
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Thanh Huyền

Bài toán bắt nhịp

Điểm sáng xuất nhập khẩu của nền Việt Nam trong 2 năm qua đã ghi điểm về khả năng bắt nhịp của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp với các cơ hội từ các FTA, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dù có hiệu lực vào đúng cao điểm dịch Covid-19 của EU (ngày 1/8/2020)... Trước mắt, cơ hội đang đến từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2022.

“Các đối tác lớn của Việt Nam, như EU, Mỹ, Nhật Bản đều đặc biệt quan tâm đến các mô hình phát triển mới. Nếu chủ động tiếp cận các mối quan tâm mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các chiến lược phục hồi theo hướng chuyển đổi số, phục hồi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn có thể nhân thêm cơ hội, ở cả góc độ nguồn lực đầu tư và thị trường”, TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích.

Như vậy, bài toán ở đây là làm thế nào để có được các cơ hội trên, bắt kịp các nhịp phục hồi, phát triển của các xu thế mới, bởi doanh nghiệp Việt Nam đang khá vất vả tìm cửa phục hồi.

Trên thế giới và khu vực, sự vận động của các doanh nghiệp đã khá rõ. GS. Nguyễn Đức Khương, Học viện Kinh tế IPAG (Pháp) đã vẽ lại sự chuyển dịch này bằng một số khái quát. Theo đó, doanh nghiệp Singapore đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, gồm cả quy trình, kỹ năng cho doanh nghiệp và người lao động, đồng thời đầu tư vào hạ tầng xanh; xây dựng các ngành công nghiệp thực phẩm có giá trị cao. Các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ thực hiện chuyển nhanh sang thích ứng nhanh nhẹn, theo nghĩa định hình lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người, công nghệ thông minh hơn, tạo ra giá trị mới, song song với bảo vệ những giá trị vốn có. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản xác định tập trung vào yếu tố con người trong chuyển đổi số; doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, ưu tiên môi trường, xã hội và xây dựng hệ thống quản trị. Còn ở Việt Nam, chuyển đổi số dù là mối quan tâm, là mong muốn của đa phần doanh nghiệp, nhưng lại chưa phải là ưu tiên đầu tư, nhất là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi bài toán lợi nhuận, nguồn vốn đầu tư vẫn là trăn trở lớn nhất.

Nhưng với các doanh nghiệp có quan tâm, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, họ ngần ngừ bởi phải lựa chọn trong thế khá rủi ro, khi không gian cho hoạt động kinh tế mới còn khá hạn chế. “Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhiều cơ quan thực thi đòi hỏi phân định rõ ràng giữa đầu tư xanh, đầu tư số..., trong khi thực tế các hoạt động đầu tư kinh doanh đang gắn kết các yếu tố này. Một ví dụ để thấy sự không bắt nhịp của cơ chế, chính sách với xu thế phát triển”, ông Dương phân tích.

Trong các đề xuất chính sách cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế 2 năm tới, các chuyên gia Viện kinh tế Việt Nam đề xuất hàng loạt giải pháp tập trung hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngay, không đợi đến khi quá trình phục hồi hoàn tất.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa, các giải pháp phục hồi kinh tế sẽ bao hàm cả sự chú ý đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, để phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng và phát triển hạ tầng số và các hạ tầng khác phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Tất nhiên, về dài hạn, cần chú ý tới các yếu tố của một hệ sinh thái đầy đủ của chuyển đổi số, từ hạ tầng số, nền tảng số, các ứng dụng, đến môi trường thể chế, chính sách, nguồn nhân lực, nguồn tài chính, thông tin và chia sẻ, kết nối thông tin… PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh tới sự song song, đồng bộ, kết nối với nhau giữa Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, vai trò chủ động của Chính phủ là dẫn dắt.

Ông Tuấn đang trông vào nỗ lực đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và khẩn trương ứng dụng đại trà các công cụ thanh toán điện tử, tiền số và các hình thức kinh doanh và dịch vụ kinh tế số không dùng tiền mặt; khuyến khích phát triển các định chế tài chính mới như Fintech... Quá trình chuyển đổi số trong quản lý tài chính, thuế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục; tăng cường đầu tư cho phát triển các hình thức khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ các sản phẩm và các công cụ hỗ trợ học tập và làm việc trực tuyến tại nhà… để góp phần tăng năng suất lao động và giảm chi phí đi lại, chi phí giao dịch cũng được nhắc đến.

“Đây là những địa chỉ có thể hấp thụ tốt các khoản đầu tư, các gói chi tiêu can thiệp vào nền kinh tế, giúp phục hồi nền kinh tế một cách hiệu quả”, ông Tuấn phân tích.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đề xuất dành các cơ chế ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, thực hiện đầu tư chuyển dịch theo yêu cầu cơ cấu kinh tế trong 2 năm tới.

Quan trọng là doanh nghiệp sẽ nhìn thấy rõ các kịch bản phát triển, xu hướng chính sách... - các điều kiện đủ cho các kế hoạch đầu tư vào chuyển đổi số, đầu tư vào các mô hình kinh doanh mới. Khi đó, sự phục hồi của các doanh nghiệp mới đảm bảo yêu cầu bắt nhịp chung với xu thế... Trên hết, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với cách làm này, tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế sẽ không phải đợi phục hồi xong mới bắt đầu.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Khả năng thích ứng cần là ưu tiên của doanh nghiệp

- TS. Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính, Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp)

Doanh nghiệp sẽ quyết định sự thành bại của quá trình phục hồi, tái cơ cấu kinh tế. Vì vậy, hành động của doanh nghiệp thực sự quan trọng. Thời điểm này, doanh nghiệp cần xác định rõ nút thắt của mình là gì, của ngành là gì; do vốn, công nghệ hay lao động? Mỗi bài toán sẽ có lời giải khác nhau.

Điểm cần lưu ý trong xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, bài toán lợi nhuận không còn là ưu tiên hàng đầu, thay vào đó là khả năng thích ứng, chống chịu với những cú sốc của thị trường, của tình hình. Có thể chống chịu, thích ứng thì mới có lợi nhuận.

Không chỉ nhìn vào rủi ro để xây dựng chính sách

- TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển chiến lược và cạnh tranh

Lúc này, cả Quốc hội, Chính phủ và cả doanh nghiệp cần đột phá, quyết liệt..

Thực tế đang có một số ngáng trở không nhỏ trong việc thực sự cải cách thể chế. Nhu cầu, mong muốn đổi mới, sáng tạo, làm việc tốt hơn là có, nhưng nhận thức, tư duy chưa theo kịp với tốc độ thay đổi của thế giới, nên có sự rụt rè. Nhưng cũng có tâm lý sợ rủi ro, sợ sai, nên không dám làm, hoặc làm theo tư duy, chuẩn mực cũ, nên không hiệu quả.

Trong dòng chảy tốc độ rất nhanh này, đừng để những râu ria làm khó mục tiêu chính. Hơn thế, thiệt hại về chi phí cơ hội vô cùng lớn. Tôi kỳ vọng, các nhà hoạch định chính sách nhìn vào cơ hội phục hồi, phát triển của nền kinh tế, chứ không chỉ nhìn vào rủi ro khi xây dựng chính sách.

Chuyển đổi số là tất yếu, ưu tiên chiến lược cần thực hiện ngay

- GS. Nguyễn Đức Khương, Học viện Kinh tế IPAG (Pháp)

Sau mỗi cuộc khủng hoảng, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp tục tạo ra tăng trưởng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận lớn tăng lên. Đặc biệt, nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện.

Khủng hoảng, suy thoái kinh tế nghiêm trọng đem lại cả cơ hội tạm thời và tiềm năng phát triển lâu dài. Doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá và nắm bắt được cơ hội thì sẽ tạo ra giá trị.

Trong bối cảnh hiện tại, cơ hội mở ra theo thói quen, kỳ vọng của người tiêu dùng. Ví dụ, khi làm việc ở nhà, sẽ có những dịch vụ, nhu cầu mất đi, đồng thời xuất hiện nhu cầu mới. Người tiêu dùng sẽ đánh giá cao những doanh nghiệp phát triển bền vững, có sức chống chịu với các cú sốc...

Chuyển đổi số là tất yếu, ưu tiên chiến lược cần thực hiện ngay, chứ không thể là mối quan tâm nữa.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục