Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam 2016” gồm một chuỗi hoạt động: Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Việt Nam Toàn cầu, Tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam và Chương trình Truyền hình trực tiếp giao lưu nghệ thuật “Gặp gỡ Việt Nam 2016”.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị tổ chức Chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016 cho biết, sự kiện này nhằm biểu dương kịp thời những tấm gương tiêu biểu có nhiều thành tích trong hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, tạo cầu nối gắn kết, chia sẻ kinh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân trên toàn cầu góp phần xây dựng vị thế Quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế…
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có một bước đi quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11/01/2007 sau 11 năm đàm phán gia nhập tổ chức này. Với việc tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã tăng cường hội nhập sâu rộng mạnh mẽ hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu.
Đứng trước thời cơ và thách thức của hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những động thái tích cực để chuyển mình phù hợp với xu thế thời cuộc, khẳng định vững chắc vai trò và vị thế quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.