20 năm đàm phán
Chuỗi dự án khí Lô B bao gồm 2 thành phần là Dự án Phát triển mỏ Lô B, 48/95 & 52/97 và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Trong đó, Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô B & 48/95 đã được ký kết tháng 5/1996, còn với Lô 52/97 được ký kết vào tháng 10/1999.
Các đối tác tham gia ban đầu trong các dự án này là Mitsui Oil Exploration (Moeco - Nhật Bản), Chevron (Mỹ), Tổng công ty Thăm dò dầu khí Việt Nam (PVEP) và Công ty TNHH PTTEP Kim Long Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Chevron tuyên bố rút lui, vào tháng 2/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thành công trong việc mua lại tài sản của Chevron tại các lô hợp đồng này cũng như Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn để chính thức trở thành người điều hành Chuỗi dự án.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN cho hay, báo cáo trữ lượng các cấu tạo Kim Long, Ác Quỷ và Cá Voi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Sau khi mua lại tài sản của Chevron tại các dự án này và trở thành người điều hành, PVN đã rất tích cực làm việc với các đối tác nước ngoài để phát triển dự án, đặc biệt trong vấn đề giá khí và giá vận chuyển khí.
Với việc ký thỏa thuận về giá khí miệng giếng và cước phí vận chuyển, Chuỗi dự án khí Lô B đã đi gần tới đích sau hơn 20 năm triển khai. Ảnh: T.H
Vẫn theo ông Sơn, việc ký kết các thỏa thuận này tạo tiền đề quan trọng để các bên liên quan sớm đi đến thống nhất các thỏa thuận thương mại cần thiết, sớm ra các quyết định đầu tư cuối cùng và đưa chuỗi dự án này vào triển khai với mục tiêu cho dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2021.
Có thể thấy, với việc ký thỏa thuận về giá khí miệng giếng và cước phí vận chuyển, Chuỗi dự án khí Lô B đã đi gần tới đích sau hơn 20 năm, kể từ khi ký Hợp đồng phân chia sản phẩm.
Dẫu vậy, chặng đường phía trước cũng có những thách thức không nhỏ. “Các mỏ khí này có cấu tạo phức tạp, đòi hỏi phương án phát triển tương ứng, khác với các mỏ đã và đang đưa vào khai thác ở Việt Nam. Tháng 7/2017, PVN đã đệ trình phương án phát triển mỏ lên các cơ quan hữu trách, theo đó, cần 1.000 giếng khoan cùng 50 - 60 giàn khai thác được thi công liên tục trong suốt đời dự án”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi tính chuyên môn hóa và khả năng tương tác cao nhất đối với hệ thống quản lý điều hành. PVN cũng đặt quyết tâm cao để dự án khai thác đúng tiến độ, có hiệu quả cao.
Dự án khủng
Dự án Phát triển mỏ Lô B có tổng chi phí đầu tư trong 20 năm khoảng 7 tỷ USD, với chủ đầu tư gồm PVN (42,896%), PVEP (26,788%), Moeco (22,575%), Công ty Dầu khí Thái Lan - PTTEP (7,741%), sẽ do Phú Quốc POC - Chi nhánh PVN làm nhà điều hành.
Công trình gồm một giàn công nghệ trung tâm và 46 giàn khai thác, một giàn nhà ở, một tầu chứa condensate và khoảng 750 giếng khai thác.
Dự án thành phần thứ 2 là Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Các bên gồm PVN/Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Moeco và PTTEP làm chủ đầu tư theo hình thức hợp doanh.
Tuyến ống có tổng chiều dài hơn 430 km, có công suất thiết kế 20,3 triệu m3, gồm tuyến ống biển có chiều dài 295 km tiếp bờ tại An Minh (Kiên Giang), ống nhánh 37 km nối từ KP209 về Trạm tiếp bờ Mũi Tràm để cấp bù khí cho đường ống PM3 - Cà Mau, tuyến ống bờ dài 102 km sẽ chạy tới Kiên Giang và Cần Thơ để cung cấp khí cho các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Kiên Giang và Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ).
Mục tiêu của Chuỗi dự án khí Lô B là khai thác và thu gom nguồn khí Lô B, 48/95 và 52/97, với tổng trữ lượng thu hồi dự kiến là 107 tỷ m3 và 12,65 triệu thùng condensate, sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm và kéo dài 20 năm, để cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam Bộ trong giai đoạn sau 2020.
Theo ước tính sơ bộ, trong vòng 20 năm hoạt động, với tổng doanh thu của toàn bộ dự án khoảng 47 tỷ USD, Dự án phát triển mỏ Lô B sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước 18,3 tỷ USD và Dự án đường ống đóng góp 930 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho hay, để đảm bảo sự phát triển đồng bộ của dự án trọng điểm quốc gia khí Lô B – Ô Môn, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với PVN và tổ hợp nhà thầu để sớm hoàn tất đàm phán, bảo lãnh Chính phủ cho dự án cũng như chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN sớm đạt được thỏa thuận hợp đồng bán khí trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 17/6/2015, PVN đã thế chân các công ty và quyền điều hành của Chevron (Mỹ) tại Việt Nam trong chuỗi Dự án khí Lô B.
Trước khi chuyển giao cho PVN, Công ty Chevron Vietnam (Block B) Ltd., nắm giữ 42,38% quyền lợi tham gia Hợp đồng chia sản phẩm (PSC) Lô B & 48/95; Công ty Chevron Vietnam (Block 52) Ltd. nắm giữ 43,40% quyền lợi tham gia tại Hợp đồng chia sản phẩm (PSC) Lô 52/97, Công ty Chevron Southwest Vietnam Pipeline Co. Ltd nắm giữ 28,7% quyền lợi tham gia trong Dự án Đường ống dẫn khí tự nhiên khai thác ngoài khơi phía Tây Nam tới các hộ tiêu thụ khí tại Việt Nam.