Chuỗi dự án khí - điện Lô B thấp thỏm lo tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Còn vài tồn tại trước khi dự án thượng nguồn và trung nguồn khí - điện Lô B có thể đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào tháng 6/2023.
Chuỗi dự án khí - điện Lô B thấp thỏm lo tiến độ

Những vướng mắc cần tháo gỡ gấp

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), để đạt được dòng khí đầu tiên của Dự án khí Lô B vào cuối năm 2026, thì các dự án trung nguồn và thượng nguồn cần phải có FID vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, với hiện trạng công việc hiện nay, việc đạt được tiến độ này còn rất thách thức và đòi hỏi sự nỗ lực cao từ các bên liên quan, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ và các cơ quan liên quan để tháo gỡ các vướng mắc cho dự án.

Petrovietnam cũng đưa ra các điều kiện tiên quyết cần tháo gỡ. Đầu tiên là việc các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) ở khâu thượng nguồn cần được gia hạn trong tháng 6/2023, với thời gian tới năm 2049, để đảm bảo thời gian khai thác là 23 năm kể từ khi có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026. Petrovietnam và các nhà đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ từ năm 2019. Sau khi rà soát lại tình hình thực hiện dự án theo yêu cầu của các cơ quan hữu trách, các nhà đầu tư đã trình lại hồ sơ vào ngày 21/4/2023.

Phía Petrovietnam cho hay, nếu không được phê duyệt kịp thời trong tháng 6/2023, thì các bên thượng nguồn không có đủ cơ sở pháp lý để ký các cam kết thương mại liên quan, trao thầu các gói thầu lớn nằm trên đường găng và đạt được FID là đặc biệt quan trọng, nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài rất xem trọng yếu tố pháp lý này.

Tiếp đó, các hợp đồng và thoả thuận thương mại trong chuỗi dự án khí - điện phải được thống nhất và ký kết trong tháng 6/2023 với các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn. Trước đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá khí miệng giếng của Lô B. Tuy nhiên, tới cuối năm 2022, Petrovietnam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn không thể thống nhất các điều kiện về cam kết khối lượng mua khí do thiếu cơ chế chuyển ngang giữa Hợp đồng mua bán khí giữa Petrovietnam và chủ mỏ (GSPA), Hợp đồng mua bán khí với bên sản xuất điện (GSA) và Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Tháng 11/2022, Bộ Công thương đã thống nhất cho các nhà máy điện dùng khí Lô B gián tiếp tham gia thị trường điện. Tuy nhiên, EVN cho rằng, để cam kết khối lượng khí tiêu thụ với bên bán khí, còn cần các quy định cụ thể trong lập kế hoạch và vận hành nhà máy điện bằng cách sửa các quy trình, quy định vận hành hệ thống điện và thị trường điện hiện hành nhằm thực hiện được các cam kết tiêu thụ trong hợp đồng mua bán khí và PPA.

Vì thế, theo Petrovietnam, nếu các hướng dẫn về quy trình này không được ban hành kịp thời, thì sẽ ảnh hưởng tới tiến độ ký kết GSA của bên đầu tư nhà máy điện - là EVN và EVN GENCO2 - trong tháng 6/2023. Hệ quả là các bên thượng nguồn và trung nguồn sẽ không thể trao thầu, dẫn tới mốc tiến độ FID tiếp tục bị trượt.

Bên cạnh đó, Nhà máy điện Ô Môn III mà EVN được giao là chủ đầu tư đang gặp khó khăn trong quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư, vì các vướng mắc trong việc sử dụng nguồn vốn ODA cho dự án này vẫn chưa xong, dù đã được UBND TP. Cần Thơ chấp nhận chủ trương đầu tư. Vướng mắc này nếu không được tháo gỡ trong tháng 6/2023, cũng ảnh hưởng tới việc ký các GSA cho Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III.

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II do Marubeni và Tổng công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng (WTO) đầu tư hiện cũng chưa bước vào đàm phán GSA với Petrovietnam. Tổ hợp nhà đầu tư này khẳng định, chỉ ký kết GSA tại thời điểm FID/đóng tài chính của Dự án Nhiệt điện Ô Môn II - tức là khi PPA, GSA và phương án thu xếp tài chính đã hoàn tất và chỉ còn bước thủ tục là ký kết.

Trao thầu chờ FID

Hiện Gói thầu EPCI#1 (giàn xử lý trung tâm, cầu dẫn, giàn nhà ở và giàn đuốc đốt) và Gói thầu EPCI#2 (giàn đầu giếng và đường ống nội mỏ) là hai gói thầu chính thuộc dự án thượng nguồn. Mặc dù được đấu thầu từ cuối năm 2017, nhưng do các chậm trễ và tiến độ của các dự án khác liên quan không thuận lợi như đã được nói nhiều, nên các gói thầu này dù đã được phê duyệt kết quả đánh giá và sẵn sàng trao thầu vào cuối tháng 6/2022, nhưng vẫn không thể trao thầu được do chưa đạt được các điều kiện FID.

Petrovietnam cho biết, hồ sơ kỹ thuật của 2 gói thầu đang được đánh giá, dự kiến hoàn tất trong tháng 5 và tháng 6/2023 để mở, đánh giá thương mại và đàm phán với các nhà thầu. Mục tiêu được đặt ra là trao thầu gói EPCI#1 vào tháng 6/2023 và gói EPCI#2 vào tháng 7/2023.

Tuy vậy, nhà đầu tư cho hay, nếu các điều kiện liên quan đến FID như nói trên chưa được thoả mãn trong tháng 6/2023, thì cũng ảnh hưởng đến trao thầu gói EPCI#1 và các gói thầu EPCI khác đối mặt với rủi ro đã mở thầu thương mại, đánh giá và phê duyệt, nhưng vẫn không thể trao thầu được.

Như vậy, trong điều kiện biến động lớn của thị trường dầu khí hiện nay, câu chuyên giá bị đội lên, phải đấu thầu lại, chậm tiến độ dự án… là không dễ lường.

Petrovietnam đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, trong tháng 5/2023 hoàn thiện công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Ô Môn II và chỉ đạo Marubeni/WTO thúc đẩy triển khai dự án đáp ứng tiến độ ký kết GSA với Petrovietnam trước tháng 6/2024.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục