Chuỗi cầm đồ F88 sẽ đáo hạn 7 lô trái phiếu với mệnh giá 970,9 tỷ đồng trong quý II và III/2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (viết tắt F88) đang có dư nợ 7 lô trái phiếu sẽ đáo hạn năm 2023, tập trung chủ yếu trong quý II và quý III/2023.
Chuỗi cầm đồ F88 sẽ đáo hạn 7 lô trái phiếu với mệnh giá 970,9 tỷ đồng trong quý II và III/2023

Cụ thể, theo dữ liệu tổng hợp của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện tại F88 đang có dư nợ 7 lô trái phiếu với tổng mệnh giá là 970,9 tỷ đồng, lãi suất từ 11-12%/năm.

Trong đó, tháng 4 đáo hạn lô trái phiếu mã F88CH2123010 với mệnh giá 100 tỷ đồng; tháng 5, đáo hạn 400 tỷ đồng trái phiếu, mã F88CH2223006 và mã F88CH2123011; tháng 6, đáo hạn 250 tỷ đồng trái phiếu mã F88CH2123012; tháng 7, đáo hạn mã trái phiếu F88CH2223009 với mệnh giá 100 tỷ đồng; và tháng 9, đáo hạn tổng 120,9 tỷ đồng trái phiếu mã F88CH2223005 và F88CH2223008.

Các lô trái phiếu của F88 đang lưu hành (cập nhập ngày 6/3/2023).
Các lô trái phiếu của F88 đang lưu hành (cập nhập ngày 6/3/2023).

Về tình hình kinh doanh của F88, theo dữ liệu của Báo Đầu tư Chứng khoán, năm 2019, Công ty ghi nhận lợi nhuận đạt 16,63 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng vốn (ROE) là 8,98%; năm 2020 ghi nhận lợi nhuận 44,85 tỷ đồng và ROE là 13,08%.

Tính tới 31/12/2020, vốn chủ sở hữu là 434,03 tỷ đồng, hệ số nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 1,94 lần. Như vậy, tổng nợ trái phiếu khoảng 842 tỷ đồng.

F88 huy động thành công 50 triệu USD từ 2 quỹ ngoại, quyết tâm IPO năm 2024

Công ty cổ phần kinh doanh F88 vừa huy động thành công 50 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng) từ 2 quỹ quốc tế. Toàn bộ số vốn này sẽ được công ty đầu tư vào 3 hạng mục phát triển trọng điểm.

Hai quỹ đầu tư quốc tế đó là Quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV, trong đó Quỹ Việt Nam Oman (VOI) góp 30 triệu USD. Quỹ đầu tư Việt Nam - Oman, đại diện cho cơ quan đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority - OIA).

Nếu đây là lần đầu tiên quỹ VOI đầu tư vào chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích F88, thì với Mekong Capital, đây đã là lần thứ ba rót vốn, sau các năm 2017 và năm 2020.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc F88 cho biết thêm, toàn bộ số vốn 50 triệu USD sẽ được đầu tư vào 3 hạng mục phát triển trọng điểm bao gồm: Chuyển đổi số hướng đến nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng hiệu quả quản trị và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính số; Mở rộng thị trường bao gồm tăng trưởng tệp khách hàng và gia tăng số lượng điểm bán; Đầu tư vào phát triển đội ngũ con người F88.

Trong vài năm trở lại đây, F88 đã có sự phát triển đột phá, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Năm 2022, đơn vị này đã thu hút được hơn 70 triệu USD từ hai quỹ quốc tế là CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London). Doanh nghiệp này đã phát triển từ 300 phòng giao dịch vào tháng 1/2021 lên hơn 830 phòng giao dịch vào tháng 1 năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng dư nợ và doanh thu trung bình của đơn vị này đạt gần 200%/năm trong ba năm liên tiếp gần đây cũng là một yếu tố thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Dự kiến, năm 2023, Công ty sẽ giải ngân tới 1 tỷ USD và sẽ chính thức IPO vào năm 2024 với 1.400 phòng giao dịch, quy mô vốn hóa đạt 1 tỷ USD.

Về F88, Công ty thuộc sở hữu gần như toàn bộ bởi Đầu tư F88 (F88 Investment) - công ty đã gọi vốn thành công từ quỹ Mekong Capital năm 2016 và quỹ Granite Oak năm 2018. F88 chỉ cho vay thế chấp tài sản và không cho vay tín chấp. Các sản phẩm bao gồm: vay thế chấp xe máy, ô tô, đăng kí xe máy, đăng kí xe ô tô, điện thoại, laptop, trang sức... Công ty cũng đã mở rộng danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, liên kết cùng với Mirae Asset Prévoir.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục