Chuỗi cà phê tái cấu trúc trước thói quen tiêu dùng mới

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh kế hoạch mở các chuỗi cà phê mới tinh gọn cả về diện tích lẫn nhân lực phục vụ, họ còn mạnh tay đóng cửa những địa điểm có chi phí cao.
Chi nhánh tại tầng 1 khách sạn Rex, địa chỉ 141 Nguyễn Huệ đã chính thức đóng cửa vĩnh viễn. Chi nhánh tại tầng 1 khách sạn Rex, địa chỉ 141 Nguyễn Huệ đã chính thức đóng cửa vĩnh viễn.

Xu hướng trả mặt bằng

Ngày 1/10 là ngày đầu tiên TP.HCM bước vào giai đoạn bình thường mới. Trước đó một ngày, Starbucks Việt Nam thông báo đóng cửa vĩnh viễn Starbucks Rex - một cửa hàng lâu đời, có 2 mặt tiền tại TP.HCM và không đưa ra lý do.

Trước khi đại dịch xảy ra, các chuỗi cà phê bán thức uống, món ăn nhẹ dựa trên khả năng tạo ra không gian và dịch vụ tại quán để mọi người tụ họp. Song nguyên tắc 5K cũng như quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu trong phòng chống Covid-19 sẽ khiến các mô hình này buộc phải thay đổi.

Liên kết với các nền tảng như Grab & ShopeeFood là cách mà Starbucks Việt Nam đang thực hiện để cung cấp sản phẩm đến khách hàng. Nhưng như vậy chưa đủ để giữ mối liên kết với khách hàng tại TP.HCM.

Trong các làn sóng dịch trước đây, tận dụng linh hoạt cách thức bán hàng như mở quầy ở vỉa hè được các chuỗi Highlands, Ông Bầu… liên tục thực hiện. Nhưng đại diện Starbucks Việt Nam cho rằng, mô hình này không phù hợp với họ, vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thức uống. Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư với tâm dịch tại TP.HCM có thể khiến Ban lãnh đạo Starbucks Việt Nam suy tính lại cách thức phục vụ khi khách hàng đã có những thói quen mới.

Dứt khoát đóng cửa, trả mặt bằng ở địa điểm không mang lại doanh thu cao là cách làm mà chuỗi The Coffee House đang triển khai. Trong tổng số 180 cửa hàng trên toàn quốc, chuỗi này có 72 cửa hàng hoạt động lại theo mô hình giao nước mang đi và đóng hẳn 30 cửa hàng không có hiệu quả để giảm chi phí chung.

“Giờ là lúc phải giải bài toán tối ưu chi phí để giữ dòng tiền và bảo đảm năng lực vận hành”, đại diện Seedcom (đơn vị sở hữu The Coffee House) nói về điểm mấu chốt khi quyết định đóng hay mở hoạt động trở lại tại mỗi cửa hàng.

Còn với thương hiệu Viva Coffee, bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIVA International cho biết, khoảng 10% trong tổng số 265 cửa hàng tại TP.HCM đã mở cửa phục vụ trở lại. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 100% tính đến cuối tháng 10/2021, bởi lợi thế của Viva Coffee nằm ở mô hình nhượng quyền. Áp lực về gánh nặng chi phí vận hành sẽ được giảm tải và linh hoạt hơn mỗi khi cần thay đổi phương thức phục vụ khách hàng. Họ cũng không cần phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng như các chuỗi khác trên thị trường.

“Nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân tại TP.HCM sẽ không giảm, mà chuyển sang hình thức khác là mua mang đi, mua nguyên liệu về tự pha. Điều này buộc các chuỗi phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng, không thể phụ thuộc vào cửa hàng truyền thống”, bà Thuỷ chia sẻ.

Cuộc đua qua kênh online

Hầu hết các chuỗi cà phê tại TP.HCM đang tiếp tục mở lại cửa hàng để phục vụ thức uống theo hình thức mang đi và liên tục đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm đóng gói qua các kênh thương mại điện tử.

Quan sát trên thị trường chuỗi cà phê, Nguyễn Hoàng Tiễn, nhà sáng lập thương hiệu Coffee Bike đánh giá, xu hướng trả mặt bằng tiếp tục diễn ra nhằm giảm gánh nặng chi phí vận hành. Các thương hiệu liên tục thử nghiệm bán hàng qua các kênh trực tuyến trong hơn 4 tháng TP.HCM thực hiện giãn cách ở nhiều mức độ. Đây là cơ sở quan trọng để họ đẩy mạnh hơn nữa việc bán các sản phẩm cà phê hoà tan, cà phê rang xay, thiết bị pha… qua các kênh thương mại điện tử, nhằm tiếp tục phục vụ nhu cầu tự pha tại nhà.

“Rất khó để dự đoán khả năng phục hồi của thị trường chuỗi cà phê truyền thống khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp và tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin tại Việt Nam còn thấp. Thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, nên việc các chuỗi đua nhau mở cửa hàng như trước đây sẽ khó diễn ra trong 6 tháng đến một năm tới”, ông Hoàng Tiễn chia sẻ.

Không còn chọn mở rộng quy mô bằng cách mở mới cửa hàng vật lý cũng là kế hoạch mà chuỗi Chuk Chuk đang theo đuổi. Đây là thương hiệu kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TTV - một thành viên của Tập đoàn KIDO.

Xu hướng trả mặt bằng tiếp tục diễn ra nhằm giảm gánh nặng chi phí vận hành

Theo kế hoạch của KIDO, 2021 là một năm then chốt để Chuk Chuk tập trung phát triển hệ thống cửa hàng, Kiosk và xe đẩy bao phủ trong khu vực TP.HCM với mục tiêu phát triển 58 cửa hàng cho đến cuối năm. Nhưng hiện tại, chuỗi này chỉ có 2 cửa hàng và dự tính mở mới 4 cửa hàng trong tháng 10/2021.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Seedcom cho biết, mỗi tuần, họ đều phải đo lường hiệu quả theo nhu cầu đặt hàng tại từng khu vực để tính toán trước khi quyết định mở lại điểm bán cho phù hợp. Phía Seedcom còn úp mở về việc ra mắt mô hình mới vào cuối tháng này, nhằm phục vụ bán hàng mang đi là chủ yếu.

Theo ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc điều hành The Coffee House, những mô hình giao hàng, bán mang đi, phục vụ tại nhà và văn phòng sẽ trở thành xu hướng trong quá trình bình thường mới. Điều này buộc các chuỗi phải đánh giá lại sản phẩm, kênh bán hàng cũng như tổ chức chuỗi cung ứng sao cho phù hợp.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục