Chuỗi bán lẻ, F&B “cắt tỉa cành khô”

Nhiều tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ ẩm thực và đồ uống (F&B) như Thế Giới Di Động, Golden Gate, Saigon Co.op… đang chủ động thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đổi.
Với việc tái cấu trúc toàn diện, Thế Giới Di Động kỳ vọng cải thiện doanh thu và lợi nhuận. Ảnh: Đức Thanh

Sức mua chưa hồi phục

Cuối năm 2023, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) chia sẻ, để kinh doanh đúng hướng, Công ty sẽ loại bỏ những thứ không hiệu quả, chỉ giữ lại những cơ thể khỏe mạnh, gọn gàng đi tới tương lai.

Theo lãnh đạo của MWG, năm 2024, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu. Công ty lựa chọn chủ động thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đổi, không đặt nhiều kỳ vọng vào sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này.

Nhu cầu mua sắm tiêu dùng đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, sau cuộc tái cấu trúc toàn diện bắt đầu từ quý IV/2023, MWG cho rằng, Công ty có dư địa để tiếp tục củng cố doanh thu và cải thiện lợi nhuận.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu trong năm nay chỉ tăng 5%, lên 125.000 tỷ đồng; lợi nhuận gấp hơn 14 lần, đạt 2.400 tỷ đồng.

Dù mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng mạnh so với mức chưa tới 200 tỷ đồng năm 2023, song con số này vẫn thấp hơn so với trung bình giai đoạn 2020-2022. Trong giai đoạn đó, lãi ròng của MWG là 3.900-4.900 tỷ đồng/năm.

Để tồn tại trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp bắt buộc phải nhìn lại khía cạnh kinh doanh chưa hiệu quả để thực hiện “cắt tỉa cành khô”.

Về kế hoạch cụ thể, đối với các chuỗi đang kinh doanh, MWG có thể giảm số lượng điểm bán nếu không mang lại hiệu quả. Công ty sẽ tăng chất lượng phục vụ bằng cách tập trung nâng cao năng suất nhân viên, đầu tư hàng hóa đa dạng, triển khai các chương trình khuyến mãi.

Chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh vẫn là trụ cột đóng góp khoảng 65% doanh thu và mang lại lợi nhuận chính cho MWG trong năm 2024.

Chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh dự kiến doanh thu năm nay tăng khoảng 20% so với năm 2023. Trong đó, cơ cấu các mặt hàng tươi sống chiếm 40-50%. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng dự kiến đạt khoảng 2 tỷ đồng.

Được biết, thời gian tới, các cửa hàng Bách hóa Xanh sẽ chỉ mở mới ở khu dân cư đông. Công ty cũng chỉ chọn lựa các mặt bằng có diện tích 150 - 200 m2, thay vì rộng 300-400 m2 như trước.

Còn với nhà thuốc An Khang, MWG đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước khi kết thúc năm 2024. Năm nay, An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công.

Mục tiêu đạt điểm hòa vốn cũng được Công ty đặt ra với chuỗi AVAKids. Chuỗi này sẽ không chú trọng mở rộng điểm bán, các cửa hàng đóng vai trò là điểm trưng bày và giới thiệu hàng hóa, tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh bán hàng qua kênh online.

Cú hích quyết liệt

Ông Đào Thế Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Golden Gate cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tốt hơn nhờ các giải pháp mạnh tay của Chính phủ khi “bơm tiền” vào nền kinh tế. Mọi thứ sẽ đi lên, nhưng chính xác ở thời điểm nào thì chưa nhìn thấy rõ.

“Chúng tôi kỳ vọng, hoạt động kinh doanh sẽ chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, việc đầu tư nhà máy sản xuất trong bối cảnh hiện tại là quyết định rất quyết liệt của doanh nghiệp”, ông Vinh chia sẻ tại thời điểm Golden Gate đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thực phẩm tại Khu công nghiệp Thạch Thất (Hà Nội) mới đây.

Cũng giống như Thế Giới Di Động, để tồn tại trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Golden Gate bắt buộc phải nhìn lại khía cạnh kinh doanh chưa hiệu quả để thực hiện “cắt tỉa cành khô”. Theo ông Vinh, đó là hành động ai cũng phải làm trong kinh doanh chuỗi, nhưng để hành động dứt khoát, cần một “cú hích” để thúc đẩy và tình hình khó khăn của năm 2023 đã khiến các doanh nghiệp trong ngành quyết liệt hơn.

Hệ thống kinh doanh trở nên mạnh khỏe hơn khi doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các năng lực cốt lõi và điều này đã đem lại hiệu ứng tốt hơn. Nhìn bề ngoài, các chỉ tiêu có vẻ chưa đáng khích lệ, nhưng bên trong doanh nghiệp đã thay đổi và bắt nhịp để phục hồi.

Cùng quan điểm, năm 2024, kinh doanh chuỗi vẫn tiếp tục mở rộng với Golden Gate. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh về chuỗi nhà hàng cần phải có chiến lược phù hợp.

Thứ nhất, doanh nghiệp phải luôn có kế hoạch cho các chu kỳ ngắn, vì chưa thể nhìn thấy trước những vấn đề trong dài hạn. Trong bối cảnh biến động mạnh, doanh nghiệp sẽ phải rút ngắn quy trình - kế hoạch kinh doanh.

Thứ hai, doanh nghiệp cần chủ động và chú trọng vấn đề tiền mặt.

Thứ ba, đầu tư vào nội lực, theo hướng tinh gọn hoạt động kinh doanh, đồng thời tập trung đầu tư công nghệ, văn hóa, con người nhằm nâng cao năng lực kinh doanh.

Không nằm ngoài tình trạng cầu tiêu dùng chững lại, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) xác định đối diện với nhiều thách thức, biến động khó lường. Đặc biệt, mức độ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nội địa sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều áp lực lớn từ các đối thủ trong và ngoài nước.

Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số ở mức 6 - 7% và đạt 900 điểm bán vào cuối năm 2024.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô khoảng 140 tỷ USD. Nếu có những chính sách tích cực, ngành này sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng được áp dụng đến hết năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định, nếu chính sách này kéo dài quá lâu thì sẽ không còn phát huy tác dụng kích cầu.

Ông Đức cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tác động và hỗ trợ trực tiếp nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển. Ngoài ra, cần quy hoạch lại tổng thể nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau, mà phát huy giá trị cốt lõi.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục