"Chúng tôi thấy nỗ lực liên tục của nhiều doanh nghiệp"

(ĐTCK) Nhìn trên bình diện chung, chất lượng của các báo cáo thường niên (BCTN) năm nay đã được nâng lên đáng kể so với những năm trước, nội dung chi tiết hơn, đầy đủ hơn và hình thức đẹp hơn, ấn tượng hơn.
Bà Nguyễn Thị Hương Nga, Giám đốc toàn quốc Quản lý rủi ro tín dụng, Ngân hàng ANZ

Điều này thể hiện các công ty niêm yết đã quan tâm hơn đến việc chia sẻ thông tin quản trị và kết quả hoạt động của DN với NĐT, thông qua BCTN.

Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu BCTN như là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm giữ chân NĐT hiện hữu, cũng như thu hút các NĐT tiềm năng, các DN nên chú trọng hơn ở những điểm sau:

Về phần đánh giá kết quả hoạt động, đa số BCTN thường đi vào lối mòn của việc liệt kê các kết quả tài chính, mà bỏ qua việc đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực của tình hình kinh tế vĩ mô đến đặc thù của ngành, đến sản phẩm, cũng như thị trường của DN. Do đó, DN nên đưa ra những biện pháp mà DN đã áp dụng trong năm hoặc sẽ áp dụng trong năm tới, nhằm phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu hậu quả của những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. DN cũng nên đưa ra những so sánh cụ thể về hiệu quả hoạt động của DN mình qua các năm, cũng như so sánh với các DN cùng ngành để NĐT có những góc nhìn khách quan hơn và bao quát hơn về hoạt động của DN trong năm vừa qua.

Một trong những hình ảnh đẹp tại BCTN 2012 của Sacomreal

 

Về phần đánh giá rủi ro, DN nên tránh việc chỉ liệt kê và đưa ra định nghĩa chung chung về các loại rủi ro thông thường, mà cần chú trọng đến việc chọn lọc và phân tích cụ thể các loại rủi ro trọng yếu, ảnh hưởng nhiều đến đặc thù của ngành, của sản phẩm, cũng như của các thị trường mà DN tham gia kinh doanh. NĐT luôn muốn biết DN đã tiến hành những biện pháp gì để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh, cũng như việc áp dụng những biện pháp đó đã đem lại hiệu quả gì cho DN. Vì thế, DN nên lượng hóa ảnh hưởng của rủi ro, cũng như lượng hóa hiệu quả của các biện pháp áp dụng để giảm thiểu rủi ro, nhằm nêu bật tầm quan trọng và tác dụng của việc quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Về phần phân tích tình hình tài chính, nhiều DN vẫn chỉ điểm qua một cách sơ sài, chứ chưa đưa vào BCTN những phân tích chi tiết, cụ thể tình hình tài chính của DN trong năm vừa qua. Cũng giống như phần đánh giá kết quả kinh doanh, NĐT thường mong muốn DN phân tích kỹ các chỉ số tài chính trọng yếu của DN, so sánh với chỉ số của chính DN mình qua các năm và so sánh với chỉ số của các DN cùng ngành, để thấy được thực chất việc quản lý tài chính của DN có hiệu quả hay không. Nếu kết quả hoạt động của DN bị giảm sút, thì bên cạnh việc phân tích các chỉ số tài chính, DN nên nêu rõ những nguyên nhân khiến cho các chỉ số tài chính kém hơn năm trước hoặc kém hơn các DN cùng ngành, từ đó đưa ra nhận định, cũng như hướng khắc phục trong năm tài chính tiếp theo.

Nhìn chung, việc nâng cao chất lượng BCTN là một quá trình dài qua các năm. Trong 5 năm qua, chất lượng BCTN đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một đoạn đường rất dài để BCTN của các DN niêm yết trở thành một tài liệu chứa đựng những thông tin “đắt giá” với  NĐT. Là thành viên của Hội đồng bình chọn, tôi nhận thấy nỗ lực liên tục của nhiều DN niêm yết qua việc chấm BCTN hàng năm. Tuy nhiên, tôi cũng thấy có DN gần như không có sự cố gắng nào trong nâng cao chất lượng BCTN hoặc năm trước có sự chăm chút cho BCTN, thì năm nay chỉ lặp lại những gì đã làm năm trước. DN niêm yết cần nỗ lực năm sau làm BCTN tốt hơn năm trước, có nhiều điểm tiến bộ hơn.

Nguyễn Thị Hương Nga
Nguyễn Thị Hương Nga

Tin cùng chuyên mục