Chúng ta luôn cùng nhau trong các cuộc hành trình

(ĐTCK) 5 ngày 4 đêm tại Indonesia tham dự LFC Asia Tour theo lời mời của Standard Chartered không đủ để hiểu cặn kẽ về đất nước vạn đảo xinh đẹp, nhưng với sự nhiệt tình, hiếu khách của nhân viên Ngân hàng cũng như người dân Indonesia, chúng tôi bắt đầu yêu đất nước này. Trên chuyến bay trở lại Việt Nam, khẩu hiệu của cổ động viên bóng đá Indonesia “You’ll never walk alone” vang vọng trong suy nghĩ. Đúng vậy, chúng ta sẽ không cô đơn trong các cuộc hành trình…
Chúng ta luôn cùng nhau trong các cuộc hành trình

Khởi động

Sau một chặng bay 2 tiếng từ Hà Nội vào TP. HCM rồi tiếp tục gần 3 tiếng để từ TP. HCM đến Jakarta (thủ đô Indonesia), đoàn phóng viên Việt Nam được Standard Chartered mời tham dự LFC ASIA Tour 2013 đã đặt chân lên đất nước vạn đảo. Thời tiết tại Thủ đô Jakarta chiều khách phương xa. Trời không nắng và gió nhẹ. Xong thủ tục nhập cảnh, ra cổng sân bay cũng chẳng có chút gì khó khăn khi tìm người đón, bởi chiếc áo khoác có in logo và chữ Standard Chartered đã cho chúng tôi biết: “Người nhà mình đây rồi!”.  Đúng là đầu xuôi đuôi lọt!

Good, Good, Vietnam! Một lời chào thân thiện của người đàn ông bán sim điện thoại ngay cửa sân bay khi đoàn Việt Nam đứng đợi xe đón. Dù rằng không ai có nhu cầu mua hàng của ông, nhưng người đàn ông vẫn nhiệt tình chụp hộ những bức ảnh kỷ niệm cho cả đoàn, nở nụ cười thân thiện và sảng khoái khi chúng tôi tạm biệt để lên xe buýt về khách sạn. Lần đầu tiên trong đời làm báo, một chuyến công tác được dẫn đường bằng xe còi hụ cảnh sát. Xe dẫn đường chắc là để đón một VIP nào đó, được đi ké nhưng vẫn “oai” và quan trọng nhất là chúng tôi  không có cái “hân hạnh” được thưởng thức “đặc sản” tắc đường vốn nổi tiếng ở đất nước này trên chặng đường từ sân bay về khách sạn.

Một chương trình hoạt động khá dày đặc được Aminarno Kermaputra - Giám đốc Đối ngoại, Ngân hàng Standard Chartered tại Indonesia thông báo luôn tại bữa ăn tối đầu tiên... Nhưng hình như mọi người có vẻ thấm mệt sau một hành trình dài nên có vẻ cũng ít hào hứng. Không khí chỉ sôi nổi hơn khi Aminarno thông báo, mỗi thành viên sẽ được tặng một chiếc áo đấu của Liverpool để thêm phần hoành tráng khi vào sân vận động xem đội bóng trứ danh này thi đấu.

Chạy đà

Đoàn phóng viên Việt Nam có vẻ được ưu ái khi có một buổi sáng tự do để khám phá đất nước, văn hóa, con người… Indonesia theo cách riêng của mình. Người thì đi bộ vòng quanh các con phố để chụp ảnh và thưởng thức không khí sôi động trước trận đội tuyển Indonesia gặp Liverpool. Nhóm thì trải nghiệm hương vị tắc đường với chưa đầy 3 km đi từ khách sạn đến một điểm tham quan với 30 phút chiều đi và gần 1 tiếng chiều về với chi phí xe cộ cũng gấp đôi…

Và rồi giây phút được nhiều người, nhất là các fan bóng đá chờ đợi cũng đến, đó là cuộc họp báo của Liverpool. Dù chúng tôi đã đến sớm gần 30 phút theo khuyến cáo của Aminarno, nhưng khi đến nơi thì căn phòng họp báo bé xíu đã ken kín người. Đội phóng viên Việt Nam luồn lách qua các chân máy quay và đồng nghiệp nước ngoài to lớn tiến gần hơn đến bàn họp báo với hy vọng mong manh, bon chen được một câu hỏi.

“Dù gì thì cũng đã đi một chặng đường dài đến đây, chẳng nhẽ không hỏi được câu nào thì quá tiếc”, tôi thầm nghĩ. Còn phóng viên Thanh Lan, Vnexpress thì cầu kỳ hơn với lỉnh kỉnh nón lá mang từ Việt Nam sang để tặng huấn luyện viên trưởng Brendan Rogers!

Hồng Phúc, phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn quay sang nói: “Một đồng nghiệp tại Indonesia bảo em, lúc họp báo, nhớ đừng hỏi huấn luyện viên trưởng rằng, ‘What’s your name?’ (Tên ông là gì?) nhé”. Hai chị em cười vui vẻ trước sự nhắc nhở nhẹ nhàng đó, bởi chúng tôi là phóng viên tài chính - ngân hàng, chứ không phải là phóng viên thể thao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng cho chuyến đi này.

Khi Brendan Rogers, huấn luyện viên trưởng Liverpool và 2 cầu thủ bước vào, phòng họp sôi động, huyên náo với tiếng vỗ tay, huýt sáo, la ó, chen nhau tìm vị trí đẹp của không chỉ các phóng viên ảnh hay các tay máy camera. Các phóng viên trong phòng họp giơ tay đặt câu hỏi rào rào, tôi cũng sốt ruột với những câu hỏi đã chuẩn bị: “Có rất nhiều người hâm mộ Liverpool tại Việt Nam và Standard Chartered cũng đã có mặt tại đất nước chúng tôi từ năm 1904. Tại sao Liverpool vẫn chưa sắp xếp kế hoạch đến Việt Nam? Khi nào các cổ động viên Việt Nam có được cơ hội này?”.

Tăng tốc

Thật may mắn, Giám đốc truyền thông của Liverpool đã để mắt đến và tôi được chỉ định đặt câu hỏi. Sự hồi hộp cùng với việc cả khán phòng tập trung vào tôi, phóng viên nữ đầu tiên đặt câu hỏi đã khiến tôi bối rối quên phần đã được chuẩn bị, nhất là khi vừa nói ‘Tôi là phóng viên Việt Nam’, cả phòng họp ồ lên khiến tôi chỉ kịp hỏi: ‘Tôi có một câu hỏi. Khi nào Câu lạc bộ Liverpool sang thi đấu tại Việt Nam?’. Brendan Rogers trả lời: “Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên tại khu vực ASEAN của chúng tôi trong tương lai. Sẽ là một niềm tự hào lớn cho chúng tôi khi được đến thi đấu và gặp gỡ với người dân, cổ động viên và các fan hâm mộ ở đất nước các bạn”.

Kết thúc cuộc họp báo của Liverpool, đoàn phóng viên Việt Nam đổ bộ lên trước bàn chủ tọa chụp ảnh kỷ niệm. Bước ra ngoài phòng họp, đội truyền thông Standard Chartered của các nước Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines… vây quanh tôi bắt tay cười vui vẻ, chúc mừng vì đã ‘bon chen’ thành công trong cuộc họp báo đầu tiên. Chỉ tiếc là phóng viên Thanh Lan chưa kịp tặng quà, nhưng vẫn còn một cơ hội nữa là họp báo do Standard Chartered tổ chức vào chiều hôm sau.

Câu hỏi của đoàn phóng viên Việt Nam ngày hôm sau được chuẩn bị nhiều hơn bởi có sự góp mặt của huấn luyện viên trưởng, 2 cầu thủ Liverpool cùng Chủ tịch Standard Chartered, CEO Standard Chartered tại Indonesia… Phóng viên Hồng Phúc, Thanh Lan đã đặt được câu hỏi và đặc biệt, món quà là chiếc nón lá Việt Nam đã đến được nơi cần đến. Kết thúc họp báo là màn chụp ảnh chung của tất cả phóng viên tham dự với cầu thủ, huấn luyện viên trưởng Liverpool và Ban lãnh đạo Standard Chartered. Đứng ngay sau tôi là huấn luyện viên trưởng tay đang cầm chiếc nón, tôi đề nghị ông đội nón vào, nhưng ông có vẻ lóng ngóng rồi nở một nụ cười rất hiếm hoi trong các cuộc gặp tôi được tham dự!

Bứt phá

Sân vận động Gelora Bung Karno (trước kia còn có tên gọi là Sukarno) là sân vận động đa chức năng tại Gelora, Tanah Abang, trung tâm Jakarta. Đây là một trong mười sân vận động lớn nhất thế giới được xây dựng năm 1960 và hoàn thành vào năm 1962 dưới thời Tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno. Sân vận động khổng lồ với sức chứa khoảng 90.000 người, rất đẹp và hoành tráng dù ngay hôm trước đã có mưa rất to…

2-0, chiến thắng nghiêng về Liverpool đúng như dự đoán trước khi trận đấu diễn ra, nhưng tỷ số là điều hơi bất ngờ. Có lẽ vì là trận giao hữu trước khi Liverpool bước vào mùa giải Ngoại hạng nên các cầu thủ cũng có vẻ “giữ giò, giữ cẳng”, trận đấu khá hòa nhã, đúng tính chất giao hữu. Chỉ có điều, với đẳng cấp của mình, các danh thủ của đội bóng thành phố cảng cũng luôn khiến khán giả phải trầm trồ với những đường dắt bóng, rê bóng điệu nghệ…

Lọt thỏm giữa biển người hào hứng và cuồng nhiệt trên sân vận động khổng lồ, tôi chợt nghĩ, đúng là không có điều gì có thể xóa tan khoảng cách biên giới, xóa đi rào cản ngôn ngữ, sắc tộc… như thể thao. Chả trách gì mà những thương hiệu, những DN lớn nhất trên thế giới cũng luôn là những cái tên đồng hành với các giải thể thao.

Cán đích

Trước khi về nước, chuyến thăm quan duy nhất vòng quanh TP. Jakarta được đích thân Kermaputra Arno làm hướng dẫn viên đã kết thúc bằng một đoạn phim 4D tuyệt vời giới thiệu về thắng cảnh, địa danh, văn hóa, con người… Indonesia tại Nhà hát IMAX trong công viên Taman Mini. Thời gian không đủ để có thể hiểu cặn kẽ về đất nước vạn đảo xinh đẹp, nhưng với sự nhiệt tình, hiếu khách, chu đáo của nhân viên Ngân hàng cũng như người dân Indonesia, đủ để đoàn phóng viên Việt Nam chúng tôi yêu đất nước này.

Mải mê mua vài món quà về cho người thân, chúng tôi trễ giờ hẹn ra sân bay gần 30 phút. Ridzuan Samsudin - Chuyên viên đối ngoại, Ngân hàng Standard Chartered tại Malaysia sang hỗ trợ đội Truyền thông Indonesia đứng dưới sảnh Khách sạn Harris dẫu lo lắng bởi đường tắc sẽ trễ giờ lên máy bay, nhưng vẫn luôn nở nụ cười. Reed cũng từng làm phóng viên cho một tờ báo nước ngoài tại Brunei nên có vẻ rất thông cảm với sự chậm trễ của các đồng nghiệp. Tuy nhiên, sáng Chủ nhật ngày hôm sau trận đấu, có lẽ người dân Indonesia vẫn còn mệt mỏi sau một đêm “tưng bừng” với Liverpool nên đường khá vắng. Xe đưa đoàn chúng tôi không gặp chút trở ngại nào khi đến sân bay.

Không khoảng cách, kết nối và gắn bó, chúng ta sẽ luôn cùng nhau trong các cuộc hành trình. Đó là tất cả những gì chúng tôi cảm nhận được sau chuyến đi. Giờ phút chia tay, không có gì hơn ngoài lời hẹn chia sẻ những tấm ảnh đã chụp, lời cảm ơn bởi sự hiếu khách, nhiệt tình, chu đáo của các nhân viên Standard Chartered và rất mong được gặp lại tất cả.      

Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục