Chứng sĩ không ưa… nói thật!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù nhiều người không thích các thông tin mang tính vẽ vời, làm màu của doanh nghiệp, nhưng họ cũng khá mâu thuẫn trong thái độ khi đối diện với lời nói thật.
Muốn đầu tư thành công, nhà đầu tư chứng khoán phải có khả năng phân tích, lập luận riêng… Muốn đầu tư thành công, nhà đầu tư chứng khoán phải có khả năng phân tích, lập luận riêng…

Kẹo đắng bọc đường

Dịp cuối năm, nhiều ông chủ doanh nghiệp đăng đàn nói về những kế hoạch, mục tiêu tăng trưởng đột phá, vẽ ra những tương lai rực rỡ cho nhà đầu tư. Giờ đây, nhiều cổ đông giờ lại sợ những thông tin như thế.

Anh bạn có thâm niên đầu tư chứng khoán của tôi rút ra kết luận: Cứ công ty nào ra rả trên truyền thông về kế hoạch doanh thu tỷ đô, lợi nhuận đột biến, cổ tức hấp dẫn ầm ĩ trên các diễn đàn thì y như rằng chỉ một thời gian sau là lộ ra bết bát.

“Hồi mới tham gia đầu tư, tôi cũng dính mấy vố kiểu này. Nghe ông chủ tịch doanh nghiệp nói về kế hoạch tăng trưởng, rồi mở chi nhánh khắp nơi, tôi chẳng ngần ngại xuống tay mua cổ phiếu. Ấy nhưng, chỉ nửa năm sau, doanh nghiệp ngày càng đi xuống. Hóa ra vụ đăng đàn kia chỉ để lùa gà, vơ nốt những đồng bạc cuối của nhà đầu tư. Cái dại của mình là tin vào tương lai do người ta vẽ. Ngốc thật!”, anh kể.

Rồi anh bảo, sau vài lần như vậy, anh không còn tin vào những giấc mộng màu hồng mà những chủ tịch, CEO kiêm hoạ sĩ vẽ ra.

Đó thật là một câu chuyện buồn!

Trò chuyện cùng người viết, một chuyên gia chứng khoán, đồng thời là nhà đầu tư lâu năm bảo: “Dân đầu tư chứng khoán nhiều người cũng hảo ngọt, nhất là các F0. Họ thích nghe những lời đường mật, để rồi phải nếm vị đắng”.

Chuyên gia này bảo, thi thoảng ông cũng hay lên các hội nhóm để nghe ngóng tình hình, xem nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu nào, ngành nào, nhận định diễn biến thị trường, doanh nghiệp ra sao, từ đó có thêm cho mình góc nhìn, nhất là cũng để nắm bắt các diễn biến tâm lý của nhà đầu tư. Từ đây, ông nghiệm ra một điều khá thú vị: “nhà đầu tư chứng khoán không thích nghe những lời nói thẳng, nói thật”!.

Rồi vị chuyên gia lấy ví dụ, gần đây nhất, hồi cuối tháng 5/2022, tại đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long lúc đó có ý cảnh báo với cổ đông rằng ngành thép đang không thuận lợi và rằng chỉ đợi vài tháng nữa là có kết quả kinh doanh quý II/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào. Phát biểu này của “ông trùm” ngành thép dựa trên các yếu tố chính trong bối cảnh lúc đó là giá nguyên vật liệu tăng cao, căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc suy giảm mạnh… Ngay sau chia sẻ của ông Long, cổ đông của Hòa Phát xôn xao, nhà đầu tư ôm cổ của doanh nghiệp, của ngành thép nói chung “dị nghị”, nhiều người cho rằng nhận định này là tiêu cực.

Tóm lại, ông Long nhận về mình không ít chỉ trích. Nhưng cuối cùng, thực tế thị trường đã chứng minh những dự báo của ông là đúng. Chỉ đến tháng 7/2022, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã cho thấy sự sụt giảm mạnh về kết quả kinh doanh, mà nguyên nhân cũng giống như các nhận định được đưa ra của ông Long trước đó.

“Chuyện lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra bánh vẽ cho nhà đầu tư, mang đau thương cho bao người diễn ra nhiều lắm. Ấy nhưng, việc một ông chủ lớn nói thật, 'vạch áo cho người xem lưng' về tình hình của ngành, khó khăn của doanh nghiệp phải đối mặt thì cổ đông lại không muốn nghe. Kể cũng lạ, có lẽ cũng bởi lúc đó nhà đầu tư đang 'say men' chiến thắng”, vị chuyên gia nói.

Thích nghe điều mình muốn

Trao đổi với một số nhà đầu tư, điểm chung người viết ghi nhận được chính là việc các “chứng sĩ” thường chỉ thích nghe những gì mình muốn.

Chị Tâm, một nhà đầu tư lão luyện chia sẻ góc nhìn, đáng ra những lời nói thật như kiểu của ông Long nên được xem là lời cảnh tỉnh thì nhiều người lại vội vàng phê phán. Doanh nghiệp ai cũng muốn tăng trưởng, thích huy động được nhiều vốn, nhưng nói thật lại là “cảnh giới” cao hơn, khi cho thấy trách nhiệm của người quản lý với cổ đông, nhà đầu tư. Tiếc rằng, nhiều nhà đầu tư vẫn còn khá thiếu khả năng “tự vệ” và thói quen tiếp nhận thông tin đa chiều, khách quan, hay bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông và khiến cho những phát biểu mang tính cảnh tỉnh bị ngó lơ, thậm chí xách mé gọi là... "chim lợn".

Nói tới chuyện nhà đầu tư chứng khoán “hảo ngọt”, không thể không nhắc đến một talkshow do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức hồi tháng 5/2022 - khi ấy chỉ số VN-Index vừa có nhịp điều chỉnh về vùng 1.300 điểm sau khi lập đỉnh lịch sử gần 1.530 điểm, một chuyên gia chứng khoán đã đưa ra dự báo về việc VN-Index có thể rơi về mốc 950 điểm. Dự báo này giống như một gáo nước lạnh với nhiều nhà đầu tư. Nhiều quan điểm cho rằng, “dù có xấu lắm thì VN-Index rơi về mốc 1.100 điểm là cùng, chứ dự báo 950 điểm thì quá đáng quá”. Trên cõi nhiều diễn đàn mạng xã hội, người ta đua nhau bỉ bôi, “ném đá” chuyên gia này.

Ấy rồi, dự báo đó thành sự thật. Khi bình tâm trở lại, nhiều nhà đầu tư mới thốt lên: “Chúng tôi nợ anh một lời xin lỗi. Cả thị trường nợ anh một lời xin lỗi”.

Một lần nữa, tính “hảo ngọt” của người đời lại được thể hiện. Nhưng cũng may, sau nhiều lời bỉ bôi, người ta cũng nhận ra: Đôi khi với đầu tư, mộng mơ quá, say men chiến thắng quá cũng nguy hiểm như việc nhắm mắt đi bừa vậy.

Một chuyên gia công nghệ từng chia sẻ với người viết, các mạng xã hội hiện nay có khả năng rất tốt trong việc nắm bắt xu hướng người dùng. Việc nhà đầu tư quan tâm điều gì, tìm kiếm thông tin gì nhiều thì theo thuật toán được lập trình, các thông tin tương tự sẽ được gửi đến nhà đầu tư nhiều hơn. Đơn cử như việc một nhà đầu tư đang “si mê” cổ phiếu A, dành nhiều thời gian tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp, cổ phiếu, về triển vọng tăng giá. Theo đó, các thông tin mà người đó tiếp cận được, dù vô tình, hay cố ý cũng được lái theo hướng này. Nhiều mạng xã hội hiện tại đều có tính năng quảng cáo bám đuổi và chủ động giới thiệu đến người dùng những thông tin tương tự. Và về mặt tâm lý, việc nhà đầu tư đang thích cổ phiếu A cũng sẽ dễ thích đọc, xem những nội dung phân tích về cái hay, về triển vọng cổ phiếu A hơn là những thông tin trái chiều.

“Đừng mất thời gian giải thích. Mọi người vốn chỉ nghe những thứ mà họ thực sự muốn nghe”. Câu nói này của Paulo Coelho “bóc mẽ” thói quen của con người và đương nhiên, nó cũng đúng với các nhà đầu tư, khi con người luôn có xu hướng bảo vệ quan điểm của mình.

Nói thật đã khó, để lời nói thật được chấp nhận nhiều khi càng khó lắm thay, phải không các chứng sĩ?

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ