Chứng quyền ngày T+3: Cảnh báo các mã tăng quá cao

(ĐTCK) Sau khi đi vào vận hành, chứng quyền có bảo đảm (CW) giao dịch khá sôi động, cho thấy sự quan tâm lớn của giới đầu tư với sản phẩm mới này. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, các công ty chứng khoán đang phát đi cảnh báo không nên mua vào các chứng quyền đã tăng quá cao.
Chứng quyền ngày T+3: Cảnh báo các mã tăng quá cao

Thứ Ba (2/7) là ngày T+3, các CW giao dịch mua trong ngày đầu tiên vận hành chứng quyền có bảo đảm đã về đến tài khoản của nhà đầu tư. Trong 3 ngày này, nhiều CW đã tăng giá mạnh nên áp lực chốt lời diễn ra.

Hầu hết các mã chứng quyền đã có lúc giảm sâu sau đó phục hồi trở lại vào cuối phiên, ngoại trừ CHPG1902 và CHPG1903 đóng cửa ở giá thấp nhất phiên. Theo Công ty Chứng khoán SSI, CFPT1901 giảm 23,2% sau khi tăng 200% sau 3 phiên. Kết thúc phiên, chỉ có CMBB1901 tăng điểm.

Bên cạnh đó, việc thị trường cơ sở có thêm một phiên điều chỉnh đã có tác động xấu tới các mã chứng quyền, chưa kể áp lực chốt lời tăng mạnh trong phiên T+3.

Theo ghi nhận kết quả, dòng tiền tập trung vào các mã CPFT, CVNM và 2 mã CMWG, chiếm hơn 70% tổng thanh khoản toàn thị trường. Tổng giá trị giao dịch chứng quyền đạt 9,82 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,1% so với phiên trước.

Công ty Chứng khoán MB tổng kết ngày giao dịch T+3, kết thúc vòng quay đầu tiên với chứng quyền. Theo đó, khối lượng CW tăng 18,6%, trong khi giá trị giao dịch tăng 5,1% so với phiên giao dịch trước đó. Phiên này chỉ có duy nhất mã CMBB1901 tăng giá, đây cũng là mã CW có 3 phiên tăng liên tiếp với mức tăng đạt 43,94% sau T+3. Các mã có mức tăng tốt sau 1 vòng quay là: CFPT1901 (tăng 62,22%), CMWG1901 (tăng 53,85%), CPNJ1901 (tăng 52,05%). Ở chiều ngược lại, chỉ có 1 mã duy nhất giảm điểm là CHPG1902 (giảm 12,35%).

Như vậy, có nhiều mã CW đã tăng giá vài chục phần trăm so với giá IPO, đem lại cho nhà đầu tư mức lời khủng. Lợi thế cho chứng quyền vừa được phát hành là giá cổ phiếu cơ sở tại thời điểm phát hành ở mức thấp, ít có rủi ro giảm sâu như MBB, MWG. Trong khi đó, CW của HPG giảm mạnh cũng là điều dễ hiểu khi giá cổ phiếu HPG trong phiên thứ Tư (3/7) giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 22.500 đồng/cổ phiếu. Theo phân tích kỹ thuật, đáy gần nhất của cổ phiếu này là ở mức 21.200 đồng/cổ phiếu, thậm chỉ có thể xuống dưới 20.000 đồng/cổ phiếu nếu thị trường diễn biến xấu. 

Trong khi đó, SSI cảnh báo, sau phiên chốt lời ngày T+3, thị trường nhiều khả năng sẽ phân hóa rõ nét hơn. Nhà đầu tư cần lưu ý tới vận động của chứng khoán cơ sở, trong đó FPT và MWG đều đang hình thành mẫu hình cảnh báo giảm giá, đồng thời hạn chế mua vào các chứng quyền đã tăng quá cao so với định giá.

Đáng chú ý, thị trường phái sinh mở cửa ngày hôm qua với lệnh mua và bán của nhà đầu tư ngoại chênh lệch không nhiều. Theo thông lệ, dấu hiệu này phản ánh thực tế thị trường không rõ xu hướng. Vì thế diễn biến của giá cổ phiếu cơ sở chứng quyền trong giai đoạn tới khó đoán định. Trong khi MWG hình thành mẫu hình cảnh báo giảm giá thì nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng cổ phiếu này tăng lên hơn mức 100.000 đồng/cổ phiếu bởi MWG được định giá ở mức 120.000 đồng/cổ phiếu. MBB vẫn đang giao dịch ở mặt bằng giá thấp đã tích lũy trong hơn 2 tháng qua, mức giá được coi là tiềm năng trong trung hạn.

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, thị trường Việt Nam nhiều khả năng đồng pha với thị trường thế giới, diễn biến theo hướng leo dốc, giúp các cổ phiêu có thể kéo dài chuỗi ngày tăng điểm. Khi đó, CW sẽ tiếp tục tăng giá và những nhà đầu tư mua chứng quyền trong phiên T+3 đầu tiên sẽ có lời.

Nếu xu hướng này thành hiện thực, câu chuyện “thành công” của những người tiên phong mua chứng quyền sẽ lan truyền nhanh, giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường CW.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng thị trường diễn biến theo chiều ngược lại là giảm điểm, khi giai đoạn thiếu vắng thông tin tốt ở phía trước. Theo đó, giới chuyên gia dự báo, kết quả kinh doanh quý II/2019 của các doanh nghiệp không có nét nổi bật, thiếu lực đỡ hỗ trợ giá cổ phiếu.

Hiện tại, xu hướng 50/50 của thị trường khiến chứng quyền có kỳ hạn 3 tháng rủi ro hơn. Vì thế, xu hướng bán trước ngày đáo hạn thanh toán chứng quyền là tác nhân khiến CW giao địch sôi động hơn. 

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục