Trước khi tham gia, các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về chứng quyền có bảo đảm, bởi vì lợi nhuận kiếm được từ sản phẩm này là rất hấp dẫn, nhưng cũng ẩn chứa khá nhiều ro. Trong bài viết này, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) muốn cung cấp thêm thông tin để các nhà đầu tư có thể hiểu hơn về CW, bao gồm lợi ích và rủi ro, cũng như một số vấn đề cần lưu ý khác khi tham gia đầu tư CW. Kỳ vọng rằng, đây là những hành trang hữu ích cho nhà đầu tư trước khi tham gia một sân chơi mới – thị trường chứng quyền có đảm bảo.
1. Giao dịch CW, sân chơi mới cho nhà đầu tư thích rủi ro
Như đã đề cập, chứng quyền là sản phẩm có có tính đòn bẩy cùng khả năng sinh lời cao hơn so với cổ phiếu thông thường, hứa hẹn tạo ra thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao. Tuy nhiên, như một tính chất luôn song hành, sản phẩm có tính đòn bẩy cao đồng thời là sản phẩm ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, chứng quyền không phải là sản phẩm phù hợp với tất cả các loại hình nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp.
Các lợi điểm của đầu tư chứng quyền
Sự xuất hiện của chứng quyền giao dịch trên thị trường sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thêm một lựa chọn đầu tư với chi phí thấp so với cổ phiếu, trong khi vẫn có thể tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ biến động giá của chứng khoán cơ sở. Hiệu ứng đòn bẩy có thể mang lại cho nhà đầu tư một tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) lớn hơn, trong khi mức phí tổn do lỗ vốn được khống chế tối đa bằng mức chi phí đầu tư ban đầu (phí mua chứng quyền).
Ví dụ: Cổ phiếu BBB đang được giao dịch trên HOSE với giá 120.000 đồng/CP. Cùng lúc, có chứng quyền mua BBBC0918 giao dịch trên thị trường với giá 11.000 đồng/CQ. Chứng quyền BBBC0918 kiểu châu Âu cung cấp quyền mua cổ phiếu BBB tại mức giá 140.000 đồng/CP, ngày đáo hạn 30/9/2018.
Nhà đầu tư A mua 1.000 cổ phiếu BBB, tổng giá trị đầu tư = 1.000 x 120.000 = 120.000.000 đồng. Nhà đầu tư B mua 1.000 chứng quyền BBBC0918, tổng giá trị đầu tư = 1.000 x 11.000 = 11.000.000 đồng.
Giả sử, tại ngày đáo hạn (30/9/2018), giá của cổ phiếu BBB là 160.000 đồng/CP. Theo đó:
Nhà đầu A có mức sinh lời = 1.000 x (160.000 – 120.000) = 40.000.000 đồng. Tỷ suất sinh lời = 40.000.000/120.000.000 x 100% = 33,33%.
Nhà đầu tư B có mức sinh lời = 1.000 x (160.000 – 140.000) – 11.000.000 = 9.000.000 đồng. Tỷ suất sinh lời = 9.000.000/11.000.000 x 100% = 81,82%.
Bên cạnh lợi điểm từ bản chất của chứng quyền trong việc hạn chế mức lỗ tối đa, chi phí đầu tư thấp hơn so với đầu tư vào cổ phiếu, CW được ưa chuộng nhờ có đặc điểm lai giữa cổ phiếu và phái sinh, vừa được giao dịch như một loại cổ phiếu, vừa là công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư trước những biến động của TTCK.
Ngoài ra, chứng quyền còn có những lợi thế ưu đãi của sản phẩm mới trên thị trường. Theo Thông tư 107/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm, chứng quyền được cung cấp thanh khoản bởi tổ chức tạo lập thị trường, thanh khoản của chứng quyền được cải thiện đáng kể do sự chủ động của tổ chức tạo lập thị trường trong việc đặt lệnh và nghĩa vụ của tổ chức tạo lập thị trường trong điều kiện chỉ có lệnh một chiều, khoảng cách giữa lệnh mua và lệnh bán quá chênh lệch…
Đồng thời, nhà đầu tư còn có thể hưởng lợi thế của việc giảm phí giao dịch mà các công ty chứng khoán, chính sách pháp luật đối với sản phẩm mới trên thị trường.
Các rủi ro đi kèm
Bên cạnh sức hấp dẫn được tạo ra bởi yếu tố đòn bẩy, nhà đầu tư cần hiểu được các rủi ro đi kèm trong giao dịch chứng quyền, đồng thời xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân trước khi quyết định đầu tư.
Do tính chất đòn bẩy của chứng quyền, sự thay đổi của giá chứng khoán cơ sở tác động lên chứng quyền ở một tỷ lệ % lớn hơn. Nói cách khác, chứng quyền sẽ nhạy cảm hơn đối với các thông tin tốt, xấu của chứng khoán cơ sở và theo đó, mức sinh lời, rủi ro đối với chứng quyền cũng cao hơn.
Mặt khác, như đã đề cập ở bài trước, vì phương thức giao dịch CW hoàn toàn giống cổ phiếu, nên nhà đầu tư nhiều lúc bỏ quên đặc tính sản phẩm là có vòng đời giới hạn. Thời gian tồn tại của CW do tổ chức phát hành quy định trước và công bố thông tin theo mỗi đợt phát hành. Thông thường, thời gian tồn tại của CW là ngắn hạn, từ 3 đến 24 tháng (tối đa là 5 năm, nhưng thời hạn này hiếm khi được phát hành). Sau thời hạn này, CW sẽ không được giao dịch hay thực hiện quyền nữa.
Với ví dụ trên, giả sử tại ngày đáo hạn (30/9/2018), giá của cổ phiếu BBB là 110.000 đồng/CP. Theo đó, chứng quyền được xác định ở vị thế OTM, nhà đầu tư B có mức lỗ chính bằng khoản đầu tư (11.000.000 đồng).
Mặc dù khả năng thua lỗ xấu nhất đã được xác định tối đa bằng chi phí bỏ ra ban đầu để mua chứng quyền, việc mất toàn bộ số tiền đã đầu tư vẫn có thể là điều mới lạ đối với đa số các nhà đầu tư không chuyên tại Việt Nam vốn chỉ quen với việc đầu tư vào cổ phiếu, loại chứng khoán không có thời hạn và có quyền tự quyết đối với ngày chốt lời, cắt lỗ.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến rủi ro phát sinh khi nhà phát hành bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi CW đến hạn. Chính vì vậy, trước khi mua CW, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về tình trạng tài chính của nhà phát hành và không nên giao dịch CW khi còn nghi ngờ về năng lực tài chính của họ.
2. Những điều lưu ý khác khi đầu tư CW
Ba trạng thái đầu tư của CW
Tương tự như quyền chọn, có ba trạng thái quan trọng của CW mà nhà đầu tư cần chú ý, bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của một CW. Ba trạng thái đó bao gồm: ITM (in-the-money), ATM (at-the-money), OTM (out-of the-money). Cách xác định ba trạng thái này là khác nhau đối với chứng quyền mua hoặc chứng quyền bán.
* Đối với chứng quyền mua:
Vào thời điểm đáo hạn hay trong bất cứ thời điểm nào khi CW còn hiệu lực, nếu giá chứng khoán cơ sở (S) lớn hơn giá thực hiện (X), tức S>X, ta gọi CW mua đang ở trạng thái lời (ITM); nếu S<X, ta gọi CW mua đang lỗ (OTM); còn nếu S=X, ta gọi CW mua đang ở trạng thái hòa vốn (ATM).
* Đối với chứng quyền bán:
Vào thời điểm đáo hạn hay trong bất cứ thời điểm nào khi CW còn giá trị, nếu S>X, ta gọi CW bán đang ở trạng thái lỗ (OTM); nếu S<X, ta gọi CW bán đang lãi (ITM); còn nếu S=X, ta gọi CW bán là hòa vốn (ATM).
Giá trị của chứng quyền
Một trong những yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư và giao dịch chứng quyền là phải hiểu được “giá CW” (premium) được xác định như thế nào. Đầu tiên, cần xác định rằng: Giá trị CW (premium) = Giá trị nội tại + Giá trị thời gian.
Chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ hơn về 2 thành tố này: giá trị nội tại và giá trị thời gian như sau.
Giá trị nội tại: Tức là giá trị tự bản thân của CW có, không bị mất đi theo thời gian. Giá trị này chỉ bị ảnh hưởng khi giá chứng khoán cơ sở thay đổi và với các CW nào ở trạng thái ITM thì mới có giá trị nội tại. Tại các trạng thái OTM và ATM, CW không có giá trị nội tại, mà chỉ có giá trị về thời gian.
Giá trị thời gian: Tức là giá trị từ lúc CW được phát hành cho đến khi CW đáo hạn. Điều đó có nghĩa là tất cả CW đều có giá trị thời gian, bất kể trạng thái ITM, ATM hay OTM. Càng gần thời điểm đáo hạn, giá trị thời gian của CW sẽ giảm đi và trở về 0 khi CW đáo hạn.
Định giá CW
Khi được giao dịch trên thị trường thứ cấp, bên cạnh tác động của cung-cầu CW trên thị trường, giá của CW còn chịu tác động bởi các yếu tố đặc thù như:
- Giá của chứng khoán cơ sở: Đây là tham chiếu để xác định giá trị nội tại của CW;
- Thời gian đến khi đáo hạn, có nghĩa là khoảng thời gian từ thời điểm xác định giá đến ngày đáo hạn của chứng quyền. Khoản thời gian càng dài thì CW càng có giá trị (thời gian) cao;
- Độ biến động của chứng khoán cơ sở: Độ biến động càng cao thì giá CW sẽ càng cao;
- Giá thực hiện (exercise price);
- Lãi suất phi rủi ro;
- Cổ tức.
Các yếu tố trên là các biến đầu vào của các mô hình định giá CW, được sử dụng tương tự như mô hình định giá quyền chọn: mô hình Black-Scholes hoặc mô hình nhị phân (binomial-model). Trong các nhân tố trên, độ biến động của chứng khoán cơ sở và lãi suất phi rủi ro là hai nhân tố quan trọng nhất và khó xác định nhất, phụ thuộc vào kinh nghiệm của nhà đầu tư và công ty chứng khoán trên thị trường.
(Bài cuối: CW góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK)