Xu thế giảm giá hiện tại có thể đã đi đến hồi kết

Các CTCK vẫn chưa chắc chắn về xu hướng tăng điểm của thị trường sau phiên đảo chiều ngày 29/7. Tuy nhiên, theo PSC, xu thế giảm giá hiện tại có thể đã đi đến hồi kết.
(Ảnh minh họa: corbis) (Ảnh minh họa: corbis)

ĐTCK xin lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 30/7.

 

Xu thế giảm giá hiện tại có thể đã đi đến hồi kết

(CTCK Thái Bình Dương - PSC)

Điểm đảo chiều tâm lý đã có thể xuất hiện trong phiên ngày 29/7 tại 488,9 điểm. VN-Index hiện nằm rất sát mức thấp nhất kể từ đầu năm (481 điểm) và đường xu hướng hỗ trợ nối liền các đáy gần nhất. Độ dài của các chu kỳ giảm giá gần đây của VN-Index thường kéo dài từ 13 - 15 phiên. Đây là phiên thứ 12 trong chu kỳ kể từ ngày 14/7 (từ mức 512 điểm). Như vậy, xu thế giảm giá hiện tại có thể đã đi đến hồi kết.

Fitch hạ định mức tín nhiệm đối với nợ dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ của Việt Nam từ mức BB- xuống B+, do (i) luồng vốn dài hạn vào Việt Nam từ bên ngoài đang có xu hướng giảm, không đủ bù đắp cho thâm hụt của cán cân vãng lai, (ii) thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2009 là 8,7% và dự kiến là 7,6% trong năm 2010. Việc bù đắp thâm hụt bằng phát hành các công cụ nợ nước ngoài có thể làm gia tăng rủi ro tỷ giá trong khi tỷ lệ nợ công năm 2009 lên tới 45% GDP.

Chúng tôi khá boăn khoăn về đánh giá của Fitch khi những nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tích cực.

Theo PSC, những vấn đề nợ quốc gia của Việt Nam chưa đến mức đáng lo ngại trong một số năm tới. Sự hạ mức tín nhiệm này có lẽ sẽ ít có tác động đến khả năng vay nợ hay chi phí vay nợ của Việt Nam bởi mặc dù mức tín nhiệm hạ xuống B+, nhưng mức triển vọng vẫn được Fitch đánh giá là ổn định. Con số tỷ lệ nợ công năm 2009 mà Fitch đưa ra là 45% khá sai lệch so với con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra là 39%.

 

Quan ngại mặt bằng giá đang điều chỉnh thấp xuống

(CTCK Âu Việt - AVS)

Quan sát giao dịch ngày 29/7 chúng tôi nhận thấy, tâm lý bên nắm giữ cổ phiếu dường như đang cầm cự và không còn ý định bán ra bằng mọi giá như phiên ngày 28/7 mà chờ đợi cơ hội thoát ra khi có thể. Trong khi đó đã có đấu hiệu bên mua bắt đầu mua vào nhưng chưa thật sự rõ ràng và khả năng nhà đầu tư giải ngân vào thị trường trong những phiên sắp tới là khá cao.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong những tháng còn lại của năm Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường cung tiền để điều tiết lãi suất về mức mục tiêu, tin này sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp đang niêm yết. Tuy nhiên, NHNN cũng sẽ tổ chức triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tập trung tín dụng phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Theo đó sẽ kiểm soát nguồn tiền vào lĩnh vực phi sản xuất. Thông tin này sẽ tác động đến dòng tiền vào thị trường vốn đã khá yếu trong thời gian vừa qua.

Chúng tôi cho rằng, sự phục hồi của VN-Index ngày 29/7 là tín hiệu khá tốt mặc dù chưa được sự ủng hộ của thanh khoản. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quan ngại là mặt bằng giá đang điều chỉnh thấp xuống. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét cơ cấu lại danh mục ở những phiên tăng điểm.

 

VN-Index có thể tiến tới ngưỡng kháng cự 500 điểm

(CTCK Dầu khí – PSI)

Sau khi giảm ra ngoài giải Bollinger, VN-Index đã hồi phục trong ngày 29/7. Tuy nhiên, sự hồi phục của chỉ số chưa thật sự thuyết phục khi khối lượng khớp lệnh giảm không thể hiện được sức mạnh của bên mua. Mặt khác, các chỉ báo kỹ thuật vẫn thể hiện trạng thái giảm điểm của thị trường. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể biến động tăng điểm và tiến tới kháng cự xấp xỉ 500 điểm. Tuy nhiên, mức hỗ trợ quan trọng của thị trường tại 480 - 485 điểm.

Như vậy, rủi ro tiếp tục giảm điểm trong ngắn hạn của VN-Index vẫn hiện hữu và không thật sự hấp dẫn nhà đầu tư theo xu thế tham gia thị trường. Trong khi đó, việc thị trường giảm điểm sẽ khiến các cổ phiếu giảm xuống thấp hơn giá trị và là cơ hội mua tích lũy cho mục tiêu trung, dài hạn.

 

Trạng thái đi ngang sẽ còn tiếp diễn

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên tăng điểm nhẹ ngày 29/7 phần nào thể hiện tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư sau những phiên giảm điểm liên tiếp của thị trường. Ngoài ra, lực cầu mạnh của khối ngoại ở mã FPT cùng với việc PVF thoát khỏi giá sàn cuối phiên cũng phần nào giúp chỉ số VN-Index tăng trở lại. Tuy nhiên, do chưa có thông tin nào có tính đột biến đủ sức ảnh hưởng đến thị trường nên trạng thái đi ngang sẽ còn tiếp diễn trong những phiên giao dịch tới. Nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính và lướt sóng T+ trong thời gian tới.

 

Khả năng thị trường sẽ giảm điểm

(CTCK VNDirect - VND)

Thị trường thể hiện rõ sự giằng có trong phiên giao dịch ngày 29/7 khi cả hai chỉ số đều dao động quanh mức giá tham chiếu. Lực cầu tăng nhẹ vào cuối phiên đã giúp VN-Index tăng nhẹ 0,02% và HNX-Index tăng 0,4%.

Sự phục hồi vào cuối phiên là khá tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều quan ngại về việc phục hồi bền vững của thị trường khi dòng tiền vẫn còn yếu. Tin Fitch ratings giảm mức tín nhiệm của Việt Nam từ BB- xuống mức B+ bởi lo lắng về việc vay tiền từ nước ngoài và sự suy yếu trong hệ thống ngân hàng là tin xấu đối với thị trường, điều này sẽ làm mất giá trái phiếu của Việt Nam trên thị trường quốc tế và các đợt phát hành trái phiếu chính phủ trong tương lai sẽ phải chịu các mức lợi tức cao hơn.

Ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong ngắn hạn là không lớn, tuy nhiên mức tín nhiệm thấp đồng nghĩa với khó khăn trong huy động vốn ngoại và thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài.

Khả năng tăng giá mạnh của thị trường là rất thấp, trong khi khả năng giảm giá tăng lên với tin tức xấu về mức tín nhiệm và nợ xấu của các ngân hàng. Tâm lý bi quan có thể dẫn đến các điều chỉnh giảm trong ngắn hạn về các mức hỗ trợ thấp hơn.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ một tỷ lệ cổ phiếu an toàn trong danh mục, không dùng đòn bẩy tài chính và hạn chế giao dịch mua vào thời điểm hiện nay.

 

VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm

(CTCK Vincom - VIX)

Trên đồ thị phân tích kỹ thuật, có thể thấy vùng hỗ trợ 480 - 490 đang phát huy tác dụng, và đặc biệt điểm hỗ trợ tại mốc 488 điểm trên đường hỗ trợ trung hạn màu xanh đã phát huy tác dụng. Thị trường đã tăng điểm trở lại. Có vài dấu hiệu tích cực trong phiên giao dịch ngày 29/7: Mẫu hình Nến Nhật là mẫu hình cây búa đảo chiều ở đáy, khối lượng giao dịch ở mức thấp, điểm mua nằm trên đường hỗ trợ và trùng với điểm mua của mô hình Bullish Bat, các chỉ số Stochastic sắp có tín hiệu báo mua nằm ở vùng quá bán, và đặc biệt Modified VN-Index đang nằm ở sát vị trí có khả năng đảo chiều đi lên. Tất nhiên một phiên tăng điểm chưa thể tạo thành xu thế nhưng dù sao việc xuất hiện mầu xanh trên bảng điện tử cũng là điều tích cực sau chuỗi giảm điểm vừa qua. Dự báo ngày 30/7 chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm.

 

Vùng 480 sẽ vẫn được thử nghiệm

(CTCK Vietcombank  - VCBS)

Thiếu vắng tin tức có thể hỗ trợ thị trường, phiên hồi phục của thị trường ngày 29/7 có lẽ đơn thuần là phiên hồi phục kỹ thuật sau khi giảm tương đối mạnh sau 3 phiên mất điểm liên tiếp. Hiện tượng tăng giá nhẹ xuất hiện trên diện rộng với số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn so với phiên trước, nhà đầu tư đồng thời cũng giảm mạnh bán ra. Tuy nhiên lực cầu yếu, cùng diễn biến hồi phục mong manh

cho thấy thị trường sẽ khó tạo đáy sau phiên này và vùng 480 có lẽ sẽ vẫn được thử nghiệm.

Thị trường ngoại tệ lại đang có những diễn biến không tích cực, tỷ giá ngoại tệ thị trường tự do sau một thời gian đi ngang lại có dấu hiệu nhích nhẹ. Từ tháng 6 tới nay, diễn biến nhích dần của tỷ giá tuy nhẹ nhưng theo chiều tăng. Diễn biến không thuận lợi của tỷ giá cũng sẽ tạo áp lực lên việc thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất.  

Cùng ngày 29/7 FitchRatings đã ra công bố hạ định mức tín nhiệm của Việt Nam đối với các khoản nợ bằng động ngoại tệ và nội tệ từ BB- xuống còn B+ với triển vọng ổn định sau một thời gian đưa Việt Nam vào danh sách những đơn vị phát hành có khả năng bị hạ bậc.Việc Fitch công bố hạ mức tín nhiệm của Việt Nam cũng sẽ là một yếu tố khiến các nhà hoạch định chính sách cẩn trọng hơn trước các rủi ro vĩ mô và tài chính trong đó có vấn đề tỷ giá.

Chúng tôi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ thận trọng trong việc nới lỏng tiền tệ do hiện nay mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam nhiều khả năng đã đạt được trong khi áp lực lạm phát mặc dù đã dịu xuống nhưng vẫn còn Chính phủ sẽ vẫn phải tập trung vào việc ổn định vĩ mô.

Vì vậy chúng tôi cho rằng, khó có thể kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi của chính sách tiền tệ cuối năm và thị trường chứng khoán do vậy sẽ khó có những kỳ vọng đột biến.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ