Xu hướng thị trường qua nhận định của các công ty chứng khoán

(ĐTCK-online) So với điểm đóng cửa cuối tuần trước đó tại mức 860,77 điểm, tuần qua VN-Index vẫn chưa phục hồi về mức cũ, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/1, chỉ số này đạt mức 847,05 điểm, giảm 13,72 điểm, tương đương 1,59%.

Thị trường bắt đầu đảo chiều

CTCK Ngân hàng Sacombank

Diễn biến thị trường trên cả 2 sàn tuần qua gần như tương tự và khá phức tạp, tiếp tục giảm theo xu hướng chung. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định có những điều chỉnh Chỉ thị 03, đồng thời tiến hành mua vào ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng trở lại vào ngày giao dịch thứ Tư. Nhìn chung, tâm lý thận trọng vẫn còn bao trùm, nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng vào thị trường, bằng chứng là 2 ngày giao dịch cuối tuần VN-Index chỉ dao động quanh mức 840 điểm và HASTC-Index dao động quanh mức 286 điểm.

Tuy nhiên, những động thái từ NHNN đã thúc đẩy thị trường sôi động hơn, khi khối lượng giao dịch cả 2 sàn tuần qua tăng lên đáng kể (bình quân 8,9 triệu CP/ngày trên HOSE và 3,4 triệu CP/ngày trên HASTC), với giá trị giao dịch tăng trung bình 20%. Thị trường đang nhận được những hỗ trợ rất tốt, đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường trong thời gian tới.

Tuần qua, xu hướng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đi ngược lại với nhà đầu tư trong nước. Khi thị trường giảm đầu tuần, nhà đầu tư trong nước bán ra ồ ạt thì nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào và làm ngược lại khi thị trường tăng vào nửa cuối tuần. Không có một xu hướng rõ ràng nào được thể hiện cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong suốt tuần qua.

Các hỗ trợ về chính sách từ Nhà nước, đề nghị của UBCK giãn các đợt IPO, giá vàng sau một thời gian tăng nóng đang giảm dần và thị trường địa ốc chững lại là yếu tố thúc đẩy TTCK chuyển động tích cực hơn. Theo SBS, tuy dấu hiệu hồi phục chưa vững chắc nhưng có thể xem mức 808 điểm là mức hỗ trợ vững chắc và đây là thời điểm thích hợp để đón đầu xu thế hồi phục của thị trường.


Cần phải xem lại quy trình IPO của các DNNN

Đinh Như Đức Thiện, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Gia Quyền

Chính phủ đang thảo luận việc sửa đổi Chỉ thị 03 theo hướng nới lỏng việc cho vay đầu tư chứng khoán và tăng cường việc mua vào ngoại tệ. Tuy vậy, rõ ràng phải cần một thời gian để các tác động tích cực lên thị trường có thể được thể hiện. Thị trường tuần qua tiếp tục giao dịch trong trạng thái chờ đợi những quyết định được ban hành chính thức. Các biện pháp của Chính phủ được kỳ vọng là có thể tác động lạc quan đến thị trường, nhưng rất có thể khi lượng cung tiền tăng, nền kinh tế cũng sẽ phải đối diện với thách thức lạm phát, vốn đã ở mức cao. Quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ban hành ngày 16/1 có lẽ là một nỗ lực để giảm thiểu rủi ro này.

Ngoài những yếu tố nêu trên, việc nộp tiền mua cổ phiếu VCB có thể là tâm điểm chú ý của tuần tới. Nếu hiện tượng bỏ cọc xảy ra với tỷ lệ lớn, tâm lý chung của thị trường có thể sẽ lại bị ảnh hưởng. Trong trường hợp tiền đăng ký mua cổ phần VCB được thanh toán hết, rõ ràng là có sự kỳ vọng cao vào mức sinh lợi từ ngân hàng này (thể hiện qua chỉ số P/E đứng ở mức cao). Qua thực tế IPO các DNNN như VCB hay SABECO (sắp tới), có thể thấy một thực tế là cổ phần của các doanh nghiệp này đã được cố gắng chào bán ra ở mức giá khởi điểm khá cao. Việc chào bán này cộng với tính minh bạch chưa cao của thị trường (công bố thông tin, báo cáo tài chính, …) đã làm cho việc định giá rơi vào tình trạng "vừa đọc, vừa đoán". Trong tình hình như vậy, thật khó để các nhà đầu tư "thông minh" (đặc biệt là các tổ chức, giới đầu tư được xem là có thể giúp thị trường phát triển bền vững) có thể tham gia một cách tích cực. Giả sử như các đợt IPO này được hấp thụ hết, kỳ vọng chung vô tình cũng sẽ bị đẩy lên quá cao, vốn là điều không nên cho sự phát triển dài hạn của TTCK.

Về lâu dài, với những diễn biến gần đây,rõ ràng cần phải xem lại quy trình IPO của các DNNN; vì quá trình IPO và TTCK đang ở giai đoạn quan trọng và nhạy cảm cho sự phát triển bền vững. Có thể người bán có ý muốn giá cao, nhưng vấn đề nảy sinh là, liệu năng lực và triển vọng của doanh nghiệp đủ sức "kham" nổi mức giá đó hay không; ngược lại sẽ gây ra hiệu ứng ngược cho toàn thị trường. Ngoài các chính sách kinh tế vĩ mô, một chủ đề không mới là, cần phải có giải pháp mang tính hệ thống để nâng cao minh bạch và thanh khoản, và qua đó tạo niềm tin cho toàn thị trường.

 

"VN-Index sẽ dao động trong khoảng 840 - 880 điểm"

Phòng Phân tích, CTCK Thăng Long

Tuần qua, TTCK thế giới chao đảo với sự sụt giảm mạnh của thị trường châu Á, đặc biệt TTCK Nhật Bản giảm mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Trong nước, cơ quan quản lý đã đề ra những biện pháp nhằm cứu vãn thị trường như: giãn tiến độ IPO, nới Chỉ thị 03, NHNN mua vào ngoại tệ… Những động thái này đã phần nào tác động đến thị trường theo hướng tích cực: khối lượng giao dịch có xu hướng tăng cho thấy nhà đầu tư đang bắt đầu mua vào; VN-Index có những phiên điều chỉnh tăng sau khi tiến xuống ngưỡng 800 điểm… Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn tĩnh tâm sau đợt suy giảm kéo dài. Bên mua cho rằng giá cổ phiếu đang hấp dẫn, kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp sắp được công bố… Nhưng bên bán đang lo lắng khi VN-Index đã sụt giảm 20% trong vòng 3 tháng qua, lượng cung năm nay được dự báo sẽ rất lớn, Vietcombank đến hạn nộp tiền, nước ngoài chưa tăng mua; trong khi đó, vàng với bất động sản đang tăng giá. Tuần qua, "cuộc chiến" giữa bên bán và bên mua như trò chơi kéo cưa lừa xẻ, tạo ra những phiên tăng điểm và giảm điểm đầy cảm xúc đan xen nhau. Có vẻ như trò chơi này sẽ vẫn còn tiếp tục trong tuần này. Nếu sức cầu tiếp tục được củng cố bằng những thông tin tích cực, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 840 - 880 điểm.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ