Xu hướng thị trường chưa thực sự rõ ràng

(ĐTCK-online) Xu hướng hiện tại của thị trường lúc này chưa thực sự rõ ràng và còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Phiên giao dịch ngày 28/9, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co mạnh với biên độ dao động hẹp trước khi hình thành xu thế rõ ràng hơn.
Xu hướng thị trường chưa thực sự rõ ràng

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 28/9.

 

Xu hướng thị trường chưa thực sự rõ ràng và còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Sau phiên giảm đáng kể vào đầu tuần, ngày 27/9 cùng với sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực hơn. Trong khi VN-Index thành công tăng nhẹ trở lại, phần nhiều do sự hồi phục của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thì HNX Index tiếp tục giảm đỏ phiên thứ ba liên tiếp, tuy nhiên mức giảm khá hẹp, gần như không đáng kể.

Mặc dù bên nắm giữ cổ phiếu đã bình tĩnh hơn và hạn chế lại lực cung giá thấp nhưng nhìn chung các nhà đầu tư vẫn chưa thể xua đi được tâm lý thận trọng. Giao dịch vì thế còn lình xình và giằng co, tính thanh khoản của thị trường được cải thiện nhưng chưa thực sự đột phá và vẫn chỉ ở mức khá.

Theo chúng tôi xu hướng hiện tại của thị trường lúc này chưa thực sự rõ ràng và còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Thị trường chỉ có thể tăng trưởng mạnh và bền vững nếu có điểm tựa vững vàng, đặc biệt là những chuyển biến tích cực hơn nữa từ phía vĩ mô, mà yếu tố này nhiều khả năng sẽ chưa thể sớm xuất hiện.

Do đó chúng tôi giữ quan điểm khá thận trọng cho phiên giao dịch ngày 28/9, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co mạnh với biên độ dao động hẹp trước khi hình thành xu thế rõ ràng hơn.

 

Thị trường sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hương giằng co

(CTCK FPT - FPTS)

Nhờ sức kéo chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn BVH, MSN... VN-Index đã đảo chiều thành công sau hai phiên giảm mạnh liên tiếp.

Được sự hỗ trợ từ sự hồi phục của thị trường chứng khoán thế giới, giao dịch trên sàn HOSE phiên 27/9 có phần khởi sắc so với phiên trước. Nỗ lực tăng điểm của chỉ số xuất hiện ngay từ đầu phiên khiến tâm lý nhà đầu tư có phần được cải thiện trong suốt quá trình giao dịch, thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước. Tuy nhiên, động lực tăng điểm chính xuất phát từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, những yếu tố hỗ trợ thực sự vẫn chưa xuất hiện khiến cho sự phục hồi của thị trường vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Nhìn chung, mức tăng 3,04 điểm phiên 27/9 vẫn chưa thể khẳng định cho sự hình thành của một xu hướng vận động tích cực của thị trường trong những phiên giao dịch tới.

Quan sát diễn biến của VN-Index, có thể thấy liên tiếp các phiên phục hồi liên tục xuất hiện xen kẽ với các phiên giảm trong nhịp điều chỉnh của thị trường kể từ mức đỉnh 470 điểm. Các phiên tăng điểm này chỉ đóng vai trò hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư và kìm hãm đà suy giảm của thị trường trong xu thế giảm điểm ngắn hạn. Bên cạnh đó, dòng tiền tiếp tục đứng ngoài thị trường do nhà đầu tư trở nên bình tĩnh và thận trọng hơn, không còn hào hứng bất chấp mua vào mỗi khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều tăng điểm trở lại.

Xét những yếu tố có khả năng tác động đến thị trường ở thời điểm hiện tại, FPTS cho rằng, khả năng duy trì sức tăng của VN-Index sẽ khó có thể xảy ra. Rủi ro thị trường sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hương giằng co và đi ngang trong biên độ hẹp sẽ cần được đặc biệt chú ý.

Khả năng biến động giằng co với biên độ hẹp

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Mặc dù vẫn giữ thế bán ròng tính trên toàn thị trường, nhưng khối ngoại bắt đầu tăng mua ròng một số bluechips giúp giảm bớt áp lực giảm lên điểm số thị trường. Ngoài ra, sự hồi phục khả quan trên các TTCK thế giới do kỳ vọng vào các biện pháp mới sẽ được châu Âu đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này trở nên tồi tệ hơn là yếu tố thứ hai giúp tâm lý NĐT bớt bi quan.

Trái với phiên lao dốc ngày 26/9, thị trường diễn biến khá giằng co với thanh khoản tăng nhẹ trong phiên giao dịch 27/9. Hai sàn đóng cửa với kết quả trái chiều, trong đó điểm số tăng của VN-Index có sự đóng góp chủ yếu từ một số cổ phiếu cá biệt như BVH và MSN.

Với các thông tin hiện tại, áp lực bán sẽ khó có thể xảy ra. Song với kỳ vọng lớn không kém về sức hấp dẫn từ thị trường vàng và ngoại tệ, lực cầu đối với chứng khoán sẽ ít có cơ hội tăng mạnh, đặc biệt khi chưa có sự tham gia nhiệt t.nh hơn từ các tổ chức. Diễn biến thị trường phiên 27/9 củng cố hơn kỳ vọng của chúng tôi về khả năng biến động giằng co với biên độ hẹp trong tuần này.

NĐT có thể tìm kiếm lợi nhuận thong qua lướt sóng cổ phiếu có sẵn trong danh mục. Tuy nhiên, do mức biến động khá hẹp, NĐT cần cân nhắc rủi ro sẽ rất lớn so với lợi nhuận.

 

Ưu tiên bảo toàn vốn và đứng ngoài quan sát

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường trải qua một phiên giằng co với diễn biến khởi sắc trong phiên của nhóm cổ phiếu bluechips trên sàn HOSE. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu mang tính thị trường, có thanh khoản cao lại tiếp tục chiều hướng sụt giảm nhẹ. Có thể thấy, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện nhiều hơn ở các vùng giá thấp nhưng còn khá thận trọng và chưa sẵn sàng khớp lên các mức giá trên tham chiếu.

Áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài giảm đáng kể so với phiên giao dịch ngày 26/9 đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự thay đổi này nhiều khả năng có liên quan đến việc chứng khoán thế giới hồi phục do giới đầu tư kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ có hành động ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ.

Mặc dù vậy, áp lực bán cổ phiếu trên sàn Hà Nội vẫn có phần lấn át. Chúng tôi cho rằng, thị trường đang phản ánh dần dần những rủi ro mang tính khách quan của thị trường thế giới. Thị trường cổ phiếu đã có 2 tuần sụt giảm kể từ phiên phân phối 14/9, đây là một khoảng thời gian đủ dài để những nhà đầu cơ tính đến rủi ro tiếp tục xu hướng giảm trung hạn. Ngoại trừ khả năng mua được cổ phiếu đi ngược xu hướng, chúng tôi cho rằng, giai đoạn hiện tại nên ưu tiên bảo toàn vốn và đứng ngoài quan sát.

 

Thị trường sẽ giằng co đi ngang trong biện độ hẹp

(CTCK ACB - ACBS)

Thị trường chứng khoán thế giới đã có một phiên phục hồi sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp và soạn thảo kế hoạch giúp cho bình ổn tình hình khủng hoảng nợ công. Việc quay đầu của chứng khoán thế giới đã giúp cho tâm lý của nhà đầu tư trong nước được ổn định. Kết quả là chỉ số VN-Index đóng cửa trong sắc xanh với 3,04 điểm tăng (0,7%) và chốt phiên tại mức 437,47, nhờ lực đỡ tích cực của một số cổ phiếu chủ chốt như là BVH and MSN. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index lại tiếp tục một phiên giảm nhẹ, mất 0,08%, xuống còn 73,43.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn, với tổng giá trị bán ròng đạt 29,64 tỷ đồng. Năm cổ phiếu được bán ròng nhiều nhất là VIC, HPG, SSI, STB, và VCB, xếp theo thứ tự giảm dần của giá trị bán ròng.

Liên quan đến diễn biến từng ngành, Tài chính, Dầu khí, và Tiêu dùng là ba ngành tăng điểm trong phiên ngày hôm qua. Trong khi đó, sàn phía bắc có 5 ngành tăng 5 ngành giảm. Trong đó, tăng mạnh nhất là ngành Y tế (+2,39%) còn giảm mạnh nhất là Viễn thông (-4,82%).

Theo phân tích kỹ thuật thì hiện nay, chỉ số HNX-Index đang có dấu hiệu đảo chiều, có khả năng chỉ số này sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong mấy phiên tiếp theo. Trong khi đó, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục đi ngang.

 

Thị trường co cung để tăng giá

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Thanh khoản xuống thấp đi kèm giá tăng là dấu hiệu cho thấy thị trường co cung để tăng giá, đặc biệt là cuối ngày. Tín hiệu có thể sẽ đem đến sự lạc quan cho diễn biến trong tuần này, HNX-Index có thể tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ (nhưng mức giảm nếu có nhiều khả năng sẽ ít hơn tuần trước). Mặc dù vậy, dòng tiền yếu sẽ khó bảo đảm cho giá tăng tạo đột biến hoặc duy trì được lâu.

 

Thị trường đang trong xu thế điều chỉnh giảm ngắn hạn

(CTCK Dầu khí - PSI)

Việc thị trường thế giới phục hồi mạnh cũng là một yếu tố tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Phiên 27/9, VN-Index đã có sự phục hồi nhẹ và đà giảm của HNX-Index cũng tạm chững lại. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ 15% về khối lượng. Tuy nhiên, sự phục hồi của VN-Index được nhìn nhận là có sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trên HNX, thanh khoản vẫn chưa đủ lớn để cho thấy dấu hiệu phục hồi. VN-Index có kháng cự tại 445 điểm, còn HNX-Index có khả năng sẽ chịu áp lực bán mạnh hơn nếu phục hồi trở về mức 74.5 điểm.
Trong một vài phiên tới, nếu chỉ số hai sàn có sự phục hồi nhưng mức thanh khoản đi ngang hoặc giảm nhẹ thì NĐT nên tận dụng cơ hội giảm tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục. Thị trường đang trong xu thế điều chỉnh giảm ngắn hạn và chưa tới ngưỡng hỗ trợ mạnh. VN-Index có hỗ trợ mạnh tại 416 điểm và hỗ trợ của HNX-Index nằm tại mức 71 điểm.

 

Ưu tiên giữ tiền mặt, hạn chế giải ngân

(CTCK VNDirect - VND)

Phiên giao dịch hôm nay VN-Index tăng điểm nhưng không thực sự thuyết phục, diễn biến chung trên toàn thị trường vẫn khá ảm đạm. Thanh khoản toàn thị trường tuy có được cải thiện nhưng lực cầu chủ yếu được đặt ở giá thấp, thể hiện thái độ khá dè dặt, đóng cửa phiên lợi thế vẫn nghiêng về bên bán khi nhiều cổ phiếu dẫn dắt vẫn giảm điểm.

Việc phá vỡ đường viền cổ của HNX-Index trong phiên ngày 26/9 đã chính thức khẳng định xu hướng tiêu cực của thị trường. Đến phiên 27/9 vẫn chưa có dấu hiệu tích cực trở lại, chúng tôi cho rằng, một khi đường giá sẽ vẫn tiếp tục di chuyển trong kênh giảm giá của 2 tuần nay thì sẽ khó có khả năng đảo chiều. Đúng như tinh thần của những nhận định của VNDIRECT từ giữa tháng, nhịp điều chỉnh này không đơn giản và HNX-Index có thể sẽ giải quyết nhịp điều chỉnh ở một vùng giá sâu hơn.
Nhà đầu tư ưu tiên giữ tiền mặt, hạn chế giải ngân do cửa kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này rất hẹp mà rủi ro hệ thống lại cao. Chúng tôi đề cao sự thận trọng để bảo vệ thành quả của nhịp sóng trước, chỉ khi nào thị trường có những dấu hiệu tích cực trở lại nhà đầu tư mới xem xét giải ngân trở lại.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ