Xây dựng kiểm toán nội bộ: Đừng để nước đến chân mới nhảy

(ĐTCK) Cùng với quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và sự hoàn thiện khung pháp lý về kiểm toán nội bộ (KTNB), nhu cầu nhân lực KTNB chất lượng cao tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Việt Nam, việc việc chuẩn bị hệ thống KTNB vẫn còn khá hạn chế.
Xây dựng kiểm toán nội bộ: Đừng để nước đến chân mới nhảy

Tại hội thảo “Xu hướng phát triển nghề nghiệp KTNB tại Việt Nam và trên thế giới” vừa qua, ông Guilherme Lopes, Giám đốc Đối ngoại toàn cầu Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) cho biết, IIA thực hiện một cuộc khảo sát gần đây ở 166 quốc gia và thấy rằng, ban lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng đánh giá cao về tầm quan trọng của KTNB đối với quá trình quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro và kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Theo đánh giá của ông Hoàng Tường Hoàng, Trưởng phòng cao cấp, Dịch vụ Tư vấn rủi ro, Deloitte Việt Nam, phần lớn các công ty hiện nay chưa có một phòng ban hoàn thiện về KTNB, do vậy đa phần các doanh nghiệp muốn thực hiện KTNB đều phải thuê ngoài. Thậm chí, ở một số doanh nghiệp, đội ngũ kiểm toán độc lập có thể đảm nhiệm luôn cả việc KTNB. Điều này, theo ông Hoàng, không hợp lý vì kiểm toán độc lập là việc kiểm toán bên ngoài, chủ yếu kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp mà không đưa ra ý kiến đóng góp cho hoạt doanh nghiệp. Trong khi đó, KTNB với việc giám sát và theo dõi quy trình sẽ có đóng góp ý kiến về những mặt được và chưa được, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty.

Đặc biệt, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, một trong những yếu tố mà các nhà đầu tư ngoại quan tâm đó chính là hệ thống quản trị minh bạch, trong đó không thể thiếu quản trị rủi ro nói chung và vai trò của KTNB nói riêng.

Mặt khác, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về KTNB, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2017, yêu cầu các công ty niêm yết, công ty đại chúng, các công ty có từ 51% vốn nhà nước sẽ phải thành lập bộ phận KTNB.

Liên quan đến nghề KTNB, Việt Nam chưa có một khung hành nghề chuẩn, mà chủ yếu áp dụng theo chuẩn của quốc tế. Theo đó, trên thế giới, cụ thể ở Mỹ có khoảng 6 chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực KTNB, trong đó chứng chỉ KTNB công chứng (CIA) là một trong những chứng chỉ phổ biến và được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện chỉ có 44 người trong tổng số 139.000 người sở hữu chứng chỉ CIA trên toàn thế giới. Đối tác đào tạo chứng chỉ CIA được ủy quyền của IIA tại Việt Nam là Smart Train.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ