Vốn hóa đạt 140 tỷ USD, thị trường chứng khoán làm gì để bước đi bền vững?

(ĐTCK) Kết thúc năm 2017, TTCK đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật là mức vốn hóa lên đến 3,36 triệu tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu 70% GDP mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020. 
Vốn hóa đạt 140 tỷ USD, thị trường chứng khoán làm gì để bước đi bền vững?

Tuy nhiên, ở quy mô vốn hóa lớn (140 tỷ USD), phải làm gì để bước đi bền vững là câu hỏi xuyên suốt được nêu ra tại cuộc tọa đàm cuối năm do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán Việt Nam tổ chức ngày 27/12/2017.

Dự cảm lạc quan 2018

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, ông có niềm tin TTCK 2018 sẽ tiếp tục diễn biến lạc quan trên nền tảng nền kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi.

Theo góc nhìn của ông Dũng, TTCK năm 2017 thăng hoa thì ai cũng vui, nhưng câu hỏi đặt ra là diễn biến này có bền vững không, có còn tiếp tục duy trì đà sôi động?

Từ diễn biến kinh tế vĩ mô, quyết tâm cải cách của Chính phủ, dự báo tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới là khả quan. Thêm vào đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, nghĩa là sức cầu thực đang có diễn biến tích cực.

So sánh với đợt tăng điểm mạnh của TTCK giai đoạn 2006-2007, đợt tăng của TTCK trong năm 2017 bền vững hơn nhiều cả về phương diện dòng vốn và nền tảng kinh tế vĩ mô.

Nguyên Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 khá lạc quan nhờ kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, đầu tư và thương mại toàn cầu tăng trưởng. Giá nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, trong đó có dầu mỏ phục hồi, nhưng chưa cao. Bối cảnh trong nước cũng đang có những diễn biến thuận lợi khi lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất ổn định…

Vốn hóa đạt 140 tỷ USD, thị trường chứng khoán làm gì để bước đi bền vững? ảnh 1

Theo ông Bằng, Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi nỗ lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước phát triển; cổ phần hóa và thoái vốn DNNN để tạo ra hiệu ứng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. “Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ tốt cho sự phát triển của TTCK trong các năm tới”, ông Bằng dự báo.

Cũng với cái nhìn lạc quan về kinh tế năm 2018, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo, năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt kế hoạch đề ra là từ 6,5-6,7%.

Để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, ông Hà cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa. Riêng về điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ nỗ lực duy trì ổn định tỷ giá cũng như lãi suất huy động và cho vay, tăng trưởng tín dụng hợp lý. Nếu bối cảnh thuận lợi và điều kiện cho phép sẽ giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của TTCK năm 2018 được nhiều ý kiến cho rằng khá thuận. Tuy nhiên, ở quy mô vốn hóa lớn, khoảng 140 tỷ USD, để TTCK trong năm 2018 và các năm tiếp theo bước đi bền vững, còn nhiều việc phải làm.

Theo góc nhìn của ông Vũ Bằng, kết quả huy động vốn của TTCK vẫn còn khiêm tốn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có mặt bằng lãi suất ở Việt Nam còn cao so với các kênh đầu tư khác.

Mặt khác, trong khi thuế chưa đánh vào lãi tiền gửi tiết kiệm thì đầu tư cổ phiếu, trái phiếu vẫn đang phải chịu thuế thu nhập. Đây là điểm Việt Nam khác nhiều nền kinh tế khác.

Điều này làm cho sức hấp dẫn của các kênh đầu tư, trong đó có TTCK còn hạn chế, nên sự phát triển của thị trường vốn chưa đạt được như thông lệ quốc tế. Để tiếp sức cho sự phát triển của TTCK, ông Bằng cho rằng, bên cạnh việc triển khai chính sách thuế công bằng, cần thực thi nhiều giải pháp khác.

Thực tế, nền kinh tế hiện còn 5.000 công ty đại chúng chưa niêm yết, trong đó có nhiều DNNN đã cổ phần hóa. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thúc đẩy gắn cổ phần hóa với lên sàn để tạo nguồn hàng hóa mới cho thị trường.

Bối cảnh TTCK thuận lợi khiến các chuyên gia tin rằng, nếu Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn ngay từ quý I/2018 sẽ tiếp tục cải thiện khả năng thu hút các dòng vốn tham gia thị trường, nhất là dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Việc này sẽ trở nên khả thi và hiệu quả khi DNNN sau cổ phần hóa gắn chặt với trách nhiệm niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.

“Trước đây, trong bối cảnh thị trường hơi ‘lạnh’, UBCK điều hành cơ chế margin theo tỷ lệ 60-40%. Khi thị trường phục hồi như hiện tại, nên xem xét một tỷ lệ margin rộng hơn để tạo thuận lợi cho các dòng vốn”, ông Bằng khuyến nghị.

Về phía nhà quản lý, Chủ tịch UBCK cho biết, năm 2018, ngành chứng khoán dự kiến sẽ phát triển hai sản phẩm mới. Cụ thể, đầu năm 2018 HOSE sẽ triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, tuy nhiên, vấn đề cần xử lý để triển khai sản phẩm này là chế độ kế toán và giá dịch vụ. Các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính đang khẩn trương giải quyết những vấn đề này và đưa ra lộ trình chậm nhất là trong tháng 2/2018 sẽ ban hành.

Cùng với đó, dự kiến khoảng tháng 8-9/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ triển khai Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Việc triển khai sản phẩm này hiện vướng do phải đợi Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tham gia triển khai.

“Tôi được biết, NHNN đã có sự đồng thuận trong cho phép các ngân hàng thương mại tham gia TTCK phái sinh, nên hy vọng vướng mắc sẽ được tháo gỡ sớm”, ông Dũng cho hay.

Quan trọng nhất là tạo được niềm tin dài hạn

Làm thế nào để củng cố và gia tăng niềm tin trong giới đầu tư là câu chuyện được nhiều chuyên gia đề cập trong bối cảnh để đạt được điều này đang đối mặt với không ít thách thức.

Tại cuộc Tọa đàm, nhà quản lý và nhiều chuyên gia cùng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được của năm 2017, TTCK còn nhiều điểm tồn tại, thậm chí là thách thức trong giữ gìn sự minh bạch và liêm chính trong năm 2018 và tương lai.

Hiện tượng thao túng chứng khoán, giao dịch nội gián, chất lượng kiểm toán… đang nhức nhối và gây bức xúc không chỉ với các thành viên thị trường, mà cả với cơ quan quản lý. Thực tế này đang đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của nhà quản lý để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay trong công tác điều hành đến nay chưa được tháo gỡ là UBCK có thẩm quyền hạn chế. Vì điểm yếu này nên cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong xác minh dòng tiền khả nghi.

Vốn hóa đạt 140 tỷ USD, thị trường chứng khoán làm gì để bước đi bền vững? ảnh 2

Một khi tình trạng này chậm được tháo gỡ, thì nhà quản lý còn nhiều khó khăn trong xác minh vi phạm, bởi hành vi sai phạm ngày càng tinh vi. Trên thực tế với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, UBCK đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý TTCK chuyển khoảng 12-13 vụ việc sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, do vướng mắc của áp dụng pháp luật hình sự, nên cơ quan công an không khởi tố hình sự, mà trả lại hồ sơ cho UBCK để xử lý vi phạm hành chính. Nhiều vụ vi phạm bị UBCK xử phạt hành chính nặng thường đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nhưng không khởi tố hình sự… Chính điều này làm hạn chế tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Liên quan đến câu chuyện niềm tin, góc nhìn của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) rất đáng suy ngẫm. Trả lời câu hỏi khi nào nền kinh tế được coi là tốt, ông cho rằng, đó là lúc giới đầu tư, kinh doanh tin tưởng vào nền kinh tế và TTCK tích cực, từ đó họ quyết định bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh.

“Điều nhà đầu tư quan tâm là sự minh bạch và bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường. Khi xuất hiện sự cạnh tranh không làm mạnh thì sẽ dẫn đến một doanh nghiệp làm ăn tử tế bị một doanh nghiệp khác vượt mặt bằng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh, phi thị trường.

Một nền kinh tế và thị trường tốt là phải làm cho những gì lành mạnh khỏe lên. Muốn thế phải bằng hai cách, đó là phải làm cho những gì không lành mạnh yếu đi, đồng thời làm cho những cái đã lành mạnh càng mạnh hơn”, ông Hưng nói.

Nguyên Chủ tịch UBCK tin rằng, chỉ khi duy trì được niềm tin dài hạn thì mới thu hút bền vững các dòng vốn tham gia thị trường. Muốn vậy, ngoài cần khắc phục những hạn chế trên, điều quan trọng là cần tập trung nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động của thị trường, của doanh nghiệp thông qua cải thiện chất lượng công bố thông tin, quản trị công ty.

Đồng tình với góc nhìn của người tiền nhiệm, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho rằng, vấn đề mấu chốt để TTCK phát triển bền vững và lành mạnh trong thời gian tới là phải nỗ lực để mang lại niềm tin dài hạn cho nhà đầu tư, thị trường.                 

Vốn hóa đạt 140 tỷ USD, thị trường chứng khoán làm gì để bước đi bền vững? ảnh 3

Ông Phạm Thanh Hà,  Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước 

Chúng tôi ủng hộ TTCK lớn mạnh để cùng với kênh tín dụng đảm đương vai trò cung cấp vốn cho nền kinh tế. TTCK lớn mạnh sẽ san sẻ gánh nặng với ngân hàng trong tài trợ vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là vốn trung và dài hạn.

Vốn hóa TTCK đến hết năm 2017 khoảng 74% GDP và nếu sắp tới lớn hơn mức này sẽ còn góp phần tốt hơn trong giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Chính sách điều hành tiền tệ trong thời gian tới sẽ hỗ trợ cho thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn và sự phát triển của thị trường vốn.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ