Vietcombank: Khấp khởi chờ giá tham chiếu

Cuối tuần qua, một nhóm các NĐT thân thiết họp mặt tại một quán càphê ở Hà Nội. Ngoài câu chuyện về nhảy sóng trên sàn niêm yết đang nóng hổi, một câu chuyện khác cũng không kém phần sôi nổi, là "phi vụ" đầu tư khối lượng khá lớn CP Vietcombank (VCB) trên sàn OTC.
Vietcombank: Khấp khởi chờ giá tham chiếu

VCB có thể chuẩn bị niêm yết trong tháng 7 tới cũng không nằm ngoài mạch thời sự và được đông đảo NĐT cũng như cả thị trường quan tâm, nhất là khi mặt bằng giá CP ngân hàng đang được đưa lên một mức cao mới.

 

Mừng với phát hành ưu đãi

 

Thành phần đầu tư VCB khá đa dạng. Có người cắt lỗ từ thời 9x đã kịp mua lại giá 37.000đ. Có người vẫn giữ "một đống" của người thân nhờ đứng tên từ hồi IPO. Người mua ít chỉ vài ngàn, người nắm nhiều cũng tới vài chục ngàn. Nhưng tựu trung lại, giá VCB "nhảy" liên tục từ đầu tháng 5 tới nay đã làm vui lòng hầu hết trong số họ.

 

Câu chuyện được bàn tán nhiều nhất vẫn là khả năng được nhận phát hành ưu đãi tỉ lệ 1:1 bằng mệnh giá đang được lan truyền khắp nơi. Mặc dù ngay cả người nhạy tin nhất trong nhóm này cũng phải thừa nhận, mọi cửa ngõ dò tin đều bị đóng kín!

 

Khả năng được thông qua kế hoạch phát hành trên là rất cao, nhưng vẫn chưa có thông tin chắc chắn, dù là rò rỉ. Không chỉ có vậy, giá chào sàn của VCB cũng là câu hỏi lớn nhất mà thị trường đang sôi sục tìm câu trả lời.

 

Diễn biến giá CP VCB đã từng chìm xuồng trong suốt một thời gian dài vì NĐT quá thất vọng trước cơ hội mờ mịt về NĐT chiến lược nước ngoài lẫn thời điểm niêm yết bị lùi lại liên tục. Cơn sốt VCB chỉ thực sự bắt đầu lan rộng từ đầu tháng 5, sau khi ĐHCĐ thông qua kế hoạch phát hành ưu đãi cho cổ đông hiện hữu bên ngoài.

 

Trước thời điểm này, giá VCB cũng đã nhích lên do thông tin bị rò rỉ sớm. Theo báo giá của dân môi giới, giá VCB nhảy rất nhanh. Thời điểm trước 30/4, VCB vẫn chỉ dao động trong khoảng 37.500-39.200đ/CP thì ngay ngày 4/5, giá đã vọt lên 44.000-44.500đ/CP. Thống kê của sàn OTC thậm chí có cả giá chào tới 50.000đ/CP nhưng không có giao dịch.

 

Tuần qua, giá VCB đã có xu hướng bình ổn hơn mặc dù vẫn có một đợt tăng nhẹ do tác động của thông tin chốt danh sách cổ đông. Theo đó, từ 1/6, VCB sẽ chốt danh sách lưu ký chuẩn bị cho thủ tục niêm yết trên HOSE. Điều đó chứng tỏ tiến trình lên sàn vẫn đang được triển khai gấp rút và chắc chắn sẽ không có chuyện lỡ hẹn như năm 2008. Một số giao dịch lẻ tẻ được ghi nhận ở giá 45.000đ chốt tuần. Theo báo giá trên trang web sanOTC, giá chào cho lô từ 10.000-20.000 CP từ 45.000đ - 46.000đ/CP.

 

Kỳ vọng niêm yết

 

Ngoài thông tin hỗ trợ liên quan đến phát hành ưu đãi 1:1, chính sự khởi sắc của thị trường niêm yết thời gian qua đã tạo lực đẩy đáng kể cho giá VCB. Những cam kết của HĐQT VCB tại ĐHCĐ ngày 29/4 vừa qua cho thấy quyết tâm lên sàn đã chắc chắn.

 

Theo ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT VCB, nguyên nhân của sự "lần lữa" lên sàn năm 2008 cũng chủ yếu xuất phát từ mong muốn tìm kiếm đối tác chiến lược cho VCB nhằm hỗ trợ giá. "Tuy  nhiên gần cuối năm 2008, khi thấy khả năng có đối tác chiến lược chắc chắn không kịp, chúng tôi đã thực hiện thủ tục niêm yết ngay" - ông Bình cho biết.

 

Hiện tại, khả năng được mua VCB ưu đãi bằng mệnh giá được thị trường OTC đánh giá cao nhất. Với NĐT tham gia mua thời điểm IPO, giá bình quân sẽ được kéo xuống khoảng 58.500đ (tính theo giá đấu bình quân). Với NĐT mua trên sàn giá dưới 40.000đ/CP, lợi nhuận không hề nhỏ.

 

Một kỳ vọng lớn khác với VCB là giá chào sàn tới đây sẽ "nằm trong mức hợp lý". Trả lời phỏng vấn tại ĐHCĐ vừa qua, Chủ tịch HĐQT VCB cho biết, việc lựa chọn giá khởi điểm "chắc chắn sẽ theo nguyên tắc thị trường". Tuy nhiên, ý kiến này lại không khẳng định hay phủ nhận việc liên hệ với giá giao dịch trên thị trường OTC. Hiện tại có một số mốc giá đang được thị trường đồn đoán. Thứ nhất là, giá đang giao dịch trên OTC cộng thêm một chút sai số; thứ hai là, giá mà đối tác chiến lược đã từng chào; thứ ba là, giá đấu bình quân hoặc giá khởi điểm lúc IPO.

 

Tuy nhiên, nếu VCB thực hiện chốt danh sách để phát hành thêm trước thời điểm lên sàn thì giá OTC cũng sẽ được các bên tự điều chỉnh. Giả sử kế hoạch bán 1:1 giá 10.000đ được thông qua, giá VCB có thể được điều chỉnh xuống còn khoảng 32.500đ (nếu lấy giá tham chiếu 45.000đ/CP).

 

Sẽ rất khó để khẳng định giá OTC sẽ là căn cứ chủ yếu để chọn giá niêm yết vì các giao dịch không mang tính đại diện. Khả năng chọn giá gần mức IPO rất khó khả thi vì thị trường đã cho thấy phản ứng hơn 1 năm qua, trừ phi thị trường niêm yết có những diễn biến "thần kỳ".

 

Hiện tại, giá CP nhóm tài chính NH niêm yết đang được đẩy lên mặt bằng cao hơn nhiều thời điểm cuối 2008. Mặt khác, những thông tin liên quan đến khả năng sử dụng vốn thặng dư khổng lồ, cũng như phản ứng của tổ chức trong và ngoài nước nếu VCB niêm yết với giá hợp lý sẽ là động lực thúc đẩy giá CP này cũng như kỳ vọng của toàn thị trường.


Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ