Vì sao không thay đổi quy định đưa người vào HĐQT của cổ đông lớn?

(ĐTCK) Thực tế thương trường cũng như nhiều thương vụ M&A cho thấy, các nhà đầu tư lo ngại quy định trong Luật Doanh nghiệp 2015 khiến họ sau 6 tháng mới được nắm thực quyền và có thể đưa người vào HĐQT doanh nghiệp. Tại sao trong lần sửa đổi luật này, Ban Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định trên? Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban soạn thảo Luật sửa đổi đã chia sẻ vấn đề này với Đầu tư Chứng khoán. 
Vì sao không thay đổi quy định đưa người vào HĐQT của cổ đông lớn?

Chủ trương của Đảng và Chính phủ là huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong dân đưa vào đầu tư trong nền kinh tế. Tuy nhiên, phản ánh từ thực tiễn cho thấy, quyền lợi của nhà đầu tư chưa được bảo vệ tốt. Lần sửa Luật Doanh nghiệp tới đây giải quyết vấn đề này như thế nào?

Mục tiêu kế thừa và xuyên suốt của Luật Doanh nghiệp từ năm 90 đến nay là tiếp tục giảm chi phí và thời gian gia nhập thị trường. Điều này theo chúng tôi có tác động kép. Trước hết là doanh nghiệp có lợi, chẳng hạn nếu như chi phí thành lập doanh nghiệp là 2 triệu đồng giảm xuống 500.000 đồng sẽ tiết kiệm nhiều cho doanh nghiệp. Không chỉ giảm chi phí, quan trọng hơn là cơ hội kinh doanh đến nhanh chóng hơn.

Nếu nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để đầu tư, họ mất 20 ngày thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, đồng nghĩa với mất 20 ngày phải trả lãi, thì nay chỉ mất 1 ngày để thành lập doanh nghiệp. Như vậy, ngay hôm sau, tiền đã được đưa vào kinh doanh.

Lần sửa luật này, chúng tôi hướng đến việc giúp doanh nghiệp thành lập và rút khỏi thị trường nhanh nhất, đồng thời hướng đến phát triển bền vững thông qua thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt. 

Thông điệp từ những nhà lãnh đạo đưa ra dịp đầu năm nay cũng cho thấy, cần khuyến khích việc đưa vốn nhàn rỗi vào sản xuất, kinh doanh thông qua thị trường chứng khoán (TTCK). Nhưng nhiều người dân vẫn lo lắng khi đưa tiền vào doanh nghiệp qua kênh đầu tư này?

Hiện nay, những nhà đầu tư cá nhân có tiền nhàn rỗi lựa chọn phương án nào? Thông thường là gửi ngân hàng, nhưng kênh này có hạn chế là đưa vốn một cách gián tiếp, chưa hẳn chảy vào sản xuất kinh doanh. Do đó, việc nâng cao quản trị doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư để người dân mang tiền vào thành lập doanh nghiệp, tạo ra các thực thể, đóng thuế, có sản phẩm dịch vụ, việc làm… sẽ tốt hơn rất nhiều so với đầu tư bị động là gửi qua ngân hàng, mua vàng, mua ngoại tệ...

Bởi thế, tinh thần sửa luật là nhằm nâng cao an toàn cho người mang tiền đầu tư vào doanh nghiệp. 

Có một vấn đề gây bức xúc là nhà đầu tư bỏ nhiều tiền vào doanh nghiệp nhưng 6 tháng sau mới có thể đưa người vào nắm quyền quản trị doanh nghiệp. Điều này không khuyến khích họ bỏ vốn lớn vào các công ty. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Lần sửa đổi này, chúng tôi rà soát toàn bộ các quy định có nguy cơ hạn chế quyền cổ đông. Ví dụ luật hiện hành có các quy định hạn chế một cổ đông phải sở hữu lượng cổ phiếu nhất định trong thời gian liên tục nhất định mới có quyền làm việc nào đó. Đây là quy định hạn chế quyền của cổ đông nhưng khi rà soát và xem xét bất cập thì phải đặt trong mối quan hệ tổng thể lợi ích chung của doanh nghiệp, của xã hội.

Nếu giảm tiêu chí, có nguy cơ cổ đông nhỏ, nắm ít cổ phần (không có lợi ích lớn trong doanh nghiệp) bị đối thủ cạnh tranh lạm dụng. Đây là hiện trạng mà chúng ta hay gọi là cổ đông phá rối, cổ đông gián điệp. Thực tế, trên thế giới đã có tình trạng cổ đông bị lợi dụng, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư mà các nhóm đối thủ hướng đến.

Vậy tại Việt Nam, đâu là điểm cân bằng tốt nhất? Việc sửa luật, theo tôi không giải quyết triệt để câu chuyện trên. Quan trọng là các cổ đông trước khi mua cổ phần phải nắm chắc cơ cấu công ty, điều lệ công ty có quy định các điều khoản bất lợi cho cổ đông hay không? Thậm chí, trong nhiều trường hợp, trước khi mua cổ phần, nhà đầu tư phải thảo luận hoặc sửa đổi điều lệ công ty, có cam kết để nắm quyền quản trị sớm…

Bản thân doanh nghiệp cũng phải ý thức được rằng, cần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, minh bạch và quản trị công ty tốt thì mới thu hút được nhà đầu tư bỏ vốn vào. Luật không ngăn cấm mà còn khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện quy định tốt hơn.

Như vậy, thay vì tiết chế bằng luật, tinh thần chung vẫn là ý thức và tư duy của nhà đầu tư, của doanh nghiệp mới dẫn đến những chuyển động tích cực?

Chúng tôi sẽ cố gắng sửa luật để tạo ra ranh giới pháp lý tối thiểu bảo vệ nhà đầu tư, nhưng cũng phải ngăn ngừa cổ đông phá rối. Mong muốn lớn nhất của Ban soạn thảo là gia cố khung pháp lý bảo vệ lợi ích cổ đông, nhưng không dẫn đến các trường hợp lạm dụng nó.

Với TTCK, quan trọng hơn cả là ý thức tự mình bảo vệ mình và nên đầu tư vào đâu của các nhà đầu tư. Điều này sẽ tạo áp lực cho các công ty. Công ty nào quản trị tốt sẽ thu hút cổ đông. Nếu cổ đông không tự ý thức và không có hành động thì các doanh nghiệp không có động lực để thực thi quản trị tốt.

Thủy Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ