Vị đắng cổ phần hoá: Những phiên bản lỗi

(ĐTCK) Cổ phần hóa được coi là giải pháp hữu hiệu hướng tới mục tiêu kép: một mặt huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, một mặt nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế đã và đang nảy sinh nhiều trường hợp biến tướng, tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nảy sinh.
Nơi sản sinh ra nhiều bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam giờ đây xuống cấp trầm trọng, nghệ sĩ tứ tán khắp nơi tìm kế mưu sinh Nơi sản sinh ra nhiều bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam giờ đây xuống cấp trầm trọng, nghệ sĩ tứ tán khắp nơi tìm kế mưu sinh

4.500 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa từ năm 1992 đến nay với rất nhiều câu chuyện thành công, tạo ra những gã khổng lồ cho nền kinh tế.

Song bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp lao dốc thảm hại, lâm vào cảnh thua lỗ triền miên và đẩy hàng nghìn người lao động vào cảnh mất công ăn việc làm, thương hiệu vang bóng một thời sụp đổ.

Nỗi buồn áo blouse trắng

Từng không ít lần chứng kiến khung cảnh tấp nập người vào ra, trở lại Bệnh viện Giao thông Vận tải một ngày cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự vắng vẻ của bệnh viện đa khoa hạng 1 có lịch sử hơn 60 năm này.

Bệnh viện sạch sẽ nhưng thưa người, lác đác vài cụ già đến khám bệnh định kỳ theo chế độ bảo hiểm y tế, lèo tèo vài nhóm bệnh nhân nội trú ở sân chơi.

Theo lời kể của một nhân viên Bệnh viện, Khoa Sản vẫn còn “bàn đẻ quá cũ, hết thời gian bảo hành, không cố sử dụng thêm được nữa”. Đề xuất thay mới, bổ sung được Khoa kiến nghị lên Ban lãnh đạo từ cuối năm ngoái, nhưng đến nay, Bệnh viện mới được bổ sung được ba chiếc.

Khoa Mắt thiếu thốn cả về thuốc lẫn máy đo thị lực, Trưởng khoa đã kiến nghị mua bổ sung máy để khám sức khỏe cho lái xe, nhưng 8 - 9 tháng qua vẫn chưa được duyệt…

Tình trạng trang thiết bị, vật tư y tế thiếu trầm trọng của Bệnh viện Giao thông Vận tải cũng được Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình phản ánh trong cuộc họp giữa cổ đông với Hội đồng quản trị Bệnh viện mới đây: “Chỉ khâu mổ có những loại chỉ còn có 9 sợi, dụng cụ để ghép xương cũng thiếu, nên nếu có bệnh nhân cần ghép xương mà không có dụng cụ thực hiện rất nguy hiểm”!?

Bệnh viện Giao thông Vận tải là đơn vị y tế công lập đầu tiên thí điểm cổ phần hóa. Kể từ ngày 5/1/2016, Bệnh viện khoác tấm áo mới, trở thành doanh nghiệp cổ phần.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một bác sĩ có thâm niên công tác gần 20 năm tại bệnh viện này cho biết, điều Bệnh viện mong muốn nhất sau khi cổ phần hóa là có một nền tài chính mới và năng lực quản trị mới, tuy nhiên cả hai yếu tố này đều không được đáp ứng.

Nhà đầu tư tỏ ra khá dè dặt trong đầu tư nâng cấp trang thiết bị, điển hình là nhiều lãnh đạo khoa đề nghị cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám chữa bệnh, nhưng họ đợi chờ cả thời gian dài vẫn không được đáp ứng.

Trong bối cảnh đó, nhân sự của Bệnh viện biến động mạnh. Gần 40 bác sĩ, điều dưỡng viên xin chuyển công tác, trong đó có một Phó giám đốc Bệnh viện, 3 trưởng khoa, 2 phó khoa quan trọng là Ngoại, Nội tim mạch, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu… dẫn đến thiếu hụt lớn cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ chuyên môn.

Năm 2017, năm thứ hai hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Bệnh viện ghi nhận khoản lỗ gần 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017, lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2017 là gần 45 tỷ đồng. Nợ phải trả của Bệnh viện tính đến 30/6/2017 là 268 tỷ đồng, gấp đôi so với vốn chủ sở hữu.

Nước mắt… hậu cổ phần

Tính đến đầu tháng 12/2017, hơn 2 tháng sau khi những “lùm xùm” về quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) được đưa ra công luận, tương lai của Hãng và cuộc sống của những cán bộ, nhân viên nơi đây vẫn chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.

Trao đổi với phóng viên, đạo diễn Việt Anh cho biết: “Trong lúc này, đời sống vật chất và tâm lý của các nghệ sĩ rất bấp bênh. Mọi người đều chờ đợi và hy vọng vào kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Cho đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (tên gọi sau khi cổ phần hóa của hãng phim) chỉ có một phim "Người yêu ơi" do Nhà nước đặt hàng từ năm ngoái. Phim đã chọn cảnh và chọn diễn viên, nhưng cũng đang long đong chưa biết khi nào triển khai tiếp”.

Công ty hiện đang hoạt động cầm chừng, nghệ sĩ tứ tán khắp nơi. Nhà biên kịch đi viết kịch bản thuê để trang trải cuộc sống, nghệ sĩ hóa trang cộng tác ngoài, đội ngũ âm thanh, ánh sáng, dựng phim loay hoay kiếm kế mưu sinh… Chỉ có một số ít nhân viên hành chính duy trì công việc theo kiểu chấm công. Hãng phim truyện vang bóng một thời, là nơi sản sinh ra nhiều bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam, giờ đây đang lụi tàn.

“Tôi giờ phải đi làm thêm ở bên ngoài, thậm chí làm thêm cả biên kịch. Mỗi dự án phim kéo dài từ 6 tháng đến một năm, thậm chí hơn. Đến khi hoàn thành phim, nhận được cục tiền tưởng là to, nhưng chia ra theo tháng thì không bằng lương công nhân. Trong suốt thời gian đó, những người làm nghề như tôi phải bỏ tiền túi để đi thực tế, tìm nguyên liệu sáng tạo và theo đuổi dự án”, đạo diễn Đặng Thu Trang ngậm ngùi cho biết.

Cuộc sống người lao động đi xuống, công việc bị ì trệ, giấc mơ về sự lột xác của Hãng phim truyện Việt Nam đã không xảy ra như kỳ vọng của các nghệ sĩ, diễn viên trước đó.

“Chúng tôi mong cổ phần hóa sẽ mang lại điều kiện tốt hơn để anh em làm nghề. Vì khi cổ phần hóa, hãng phim gặp nhiều khó khăn nên phần lớn anh em đều rất đồng tình. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của người lao động và những cam kết từ phía đối tác chiến lược. Tất cả chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Đối tác chiến lược chỉ làm được một việc là dọn dẹp hãng phim, đem mấy chục con người dồn vào một căn phòng chừng hai chục mét vuông, chứ các hoạt động về điện ảnh là không hề có”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết thêm.

Với nhiều cán bộ, nghệ sĩ của hãng phim, giờ đây, cổ phần hóa là câu chuyện đẫm nước mắt. Bao trùm lên hãng là không khí căng thẳng, hồi hộp chờ đợi những diễn biến tiếp theo.

Ông lớn lụi tàn

Không vướng phải ngành đặc thù như bệnh viện hay làm phim, những tưởng cổ phần hóa sẽ là bệ phóng để doanh nghiệp vươn tới các đỉnh cao hơn, nhưng cả hai ông lớn ngành xây dựng sở hữu thương hiệu đình đám một thời giờ đang bên bờ vực phá sản.

Vào thời điểm cổ phần hóa năm 2015, Tổng công ty Licogi hoạt động khá hiệu quả, có lãi hơn 200 tỷ đồng. Vị thế ngành cốt lõi là thi công hạ tầng các công trình ngầm thuộc nhóm dẫn đầu thị trường, Licogi thậm chí còn được đánh giá cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp có tên tuổi hiện nay như Fecon... Khó ai ngờ rằng, sau cổ phần hóa, hoạt động của Tổng công ty lại trở nên èo uột, nhân sự cứng nghề lần lượt dứt áo ra đi.

Trong năm tài chính 2016, công ty mẹ Licogi đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 293,4 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tới 803,5 tỷ đồng.

Câu chuyện của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã chứng khoán: SHG) còn có phần bi đát hơn. Cũng doanh nghiệp lớn trong ngành một thời, nhưng kể từ sau cổ phần hóa vào năm 2010 đến nay, hầu như năm nào doanh nghiệp cũng lỗ.

Tính đến cuối năm 2016, Tổng công ty lỗ lũy kế 425,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 78,5 tỷ đồng. Giá cổ phiếu SHG sau đó liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/cổ phiếu (từ ngày 11/5/2017, cổ phiếu SHG rơi vào tình trạng bị hạn chế giao dịch).

Số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính tổng hợp mới đây cho thấy, có không ít doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ triền miên, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang âm vốn chủ sở hữu 226 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lương thực và dịch vụ Quảng Nam âm vốn chủ sở hữu 77,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi Cao Bằng âm vốn chủ sở hữu 16,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Điện tử Điện lạnh và Dịch vụ tổng hợp âm vốn chủ sở hữu 6,9 tỷ đồng…

Theo thuật ngữ tài chính, những doanh nghiệp âm vốn chủ coi như đang cận kề với cái chết.

Vì đâu những tên tuổi vang bóng một thời nay lại bi đát sau cổ phần hóa? Có hay không chuyện những nhà đầu tư chiến lược “vươn vòi bạch tuộc” bóp nghẹt doanh nghiệp để dễ bề thâu tóm?

Kỳ 2: Bạch tuộc vươn vòi

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ