VFF: Quỹ mở tiên phong về trái phiếu

(ĐTCK) Chiều 15/1, CTCP Quản lý quỹ VinaWealth đã tổ chức buổi giới thiệu Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF). Đây là quỹ mở đầu tiên tại Việt Nam được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư ra công chúng.
VFF: Quỹ mở tiên phong về trái phiếu

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Vị Thanh, Giám đốc Kinh doanh khối khách hàng cá nhân của VinaWealth, về định hướng và chiến lược hoạt động của VFF.

VinaWealth là một trong những công ty quản lý quỹ tiên phong triển khai sản phẩm quỹ mở. Ông có thể cho biết danh mục đầu tư và mục tiêu hoạt động của VFF?

VFF là quỹ mở đầu tư chủ yếu vào trái phiếu (khoảng 80%) và các chứng khoán có thu nhập cố định và thả nổi như trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tín phiếu kho bạc, trái phiếu doanh nghiệp, công cụ thị trường tiền tệ và các tài sản được phép đầu tư khác theo quy định. VFF có quy mô tối thiểu 50 tỷ đồng nhưng chúng tôi kỳ vọng khi hết thời hạn gọi vốn lần đầu, con số đạt được sẽ cao hơn mức này. Do VFF hoạt động theo mô hình quỹ mở nên quy mô vốn sau này sẽ thay đổi liên tục, phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của Quỹ và lòng tin của các nhà đầu tư (NĐT).

Về mục tiêu hoạt động, VFF hướng đến việc tối đa hóa lợi nhuận đầu tư, bao gồm lãi và sự tăng trưởng các khoản vốn đầu tư. Chúng tôi đặt mục tiêu VFF sẽ đạt tỷ lệ lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng HSBC. Với hai lần giao dịch mỗi tháng và thông qua hoạt động quản lý năng động, chúng tôi sẽ tạo ra danh mục đầu tư rủi ro thấp và đảm bảo mua bán các loại trái phiếu có giá tốt tại thời điểm thích hợp.

 

Đối tượng mục tiêu mà VFF hướng đến trong đợt gọi vốn này là ai, thưa ông?

Chúng tôi nhắm tới hai nhóm đối tượng chính. Thứ nhất là các NĐT tổ chức. Họ là các tổ chức tài chính trung gian cần đầu tư vào các chứng chỉ quỹ để tạo sự cân bằng trong danh mục đầu tư, hoặc cũng có thể là các doanh nghiệp tạm thời có nguồn vốn nhàn rỗi, thay vì gửi ngân hàng, họ có thể mua chứng chỉ quỹ với kỳ vọng trong khoảng thời hạn 1 năm đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn lợi tức tiền gửi ngân hàng. Thứ hai là các NĐT cá nhân có tiền nhàn rỗi và có nhu cầu đầu tư dài hạn. Việc mua chứng chỉ quỹ như VFF giúp họ lên các các kế hoạch tài chính dài hạn như mua nhà, mua xe, hưu trí... Điều tôi muốn nhấn mạnh là chứng chỉ quỹ mở của VFF là một công cụ đầu tư dài hạn bằng tiền nhàn rỗi thực sự.

 

Một điều được thị trường khá quan tâm là tại sao VinaWealth khởi đầu với quỹ mở về trái phiếu mà không phải là quỹ mở về cổ phiếu?

Với đa phần các NĐT nhỏ lẻ, thị trường trái phiếu là khái niệm khá xa lạ. Tuy nhiên, với các NĐT tổ chức, trái phiếu là kênh đầu tư quen thuộc và cần thiết trong danh mục vì có thể tạo ra lợi nhuận an toàn, ổn định. Mặt khác, bức tranh vĩ mô trong nước khá ủng hộ cho kênh đầu tư trái phiếu khi lạm phát bị kiềm chế, lãi suất trong xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, thâm hụt thương mại mậu dịch không lớn... Năm 2012, nếu so sánh với mức sinh lợi của các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, BĐS, tiền gửi ngân hàng, nắm giữ ngoại tệ thì kênh đầu tư trái phiếu vẫn cho lợi nhuận khả quan nếu không muốn nói là vượt trội. Chẳng hạn, năm ngoái từ tháng 4 đến tháng 8, bộ phận “trading” trái phiếu của VinaWealth đạt tới tỷ suất 24 - 25%/năm.

Đây lý do tại sao VinaWealth quyết định cung cấp sản phẩm quỹ mở đầu tiên là quỹ trái phiếu. Tôi cũng xin lưu ý thêm một điểm là đa phần giới đầu tư lầm tưởng rằng, việc đầu tư trái phiếu chỉ được hưởng lãi suất cố định từ 8 - 9%/năm. Thực tế, việc đầu tư vào trái phiếu còn thu được lợi nhuận lớn từ biến động giá. Các chuyển động về vĩ mô như lạm phát, lãi suất tiền gửi… dẫn đến sự thay đổi này. Đội ngũ chuyên viên đầu tư trái phiếu giàu kinh nghiệm của VFF sẽ phân tích kinh tế vĩ mô để nắm bắt các cơ hội đầu tư tốt nhất.

 

Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tốt dần lên. Theo ông, đây là cơ hội hay thách thức cho VinaWealth trong đợt huy động vốn sắp tới khi mà các nhà đầu tư quan tâm đến việc “lướt sóng” trên TTCK hơn là bỏ tiền để mua chứng chỉ quỹ?

Như tôi đã nói ở trên, sản phẩm quỹ mở là công cụ đầu tư của các tổ chức và cá nhân có tiền nhàn rỗi, có các kế hoạch tài chính dài hạn. Sản phẩm quỹ mở có ưu điểm là khắc phục được hai yếu điểm quan trọng của quỹ đóng: sự chênh lệch giữa giá trị tài sản ròng và thị giá cũng như thanh khoản của chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, quỹ mở thường phải nắm giữ tối thiểu 1 năm trở lên mới phát sinh hiệu quả thực sự, nếu giao dịch ngắn hạn và thường xuyên, phí cho công ty quản lý quỹ không hề thấp. Hoạt động “lướt sóng” với chứng chỉ quỹ mở thực sự không phù hợp. Khác với quỹ đóng, sản phẩm quỹ mở dồn áp lực rất lớn lên vai các công ty quản lý quỹ khi nhà đầu tư có thể so sánh hiệu quả hoạt động của các quỹ để lựa chọn công ty quản lý quỹ phù hợp.

VFF: Quỹ mở tiên phong về trái phiếu ảnh 1

VinaWealth đã chuẩn bị gì cho việc huy động vốn của VFF sắp tới?

Loại hình quỹ mở có nhiều điểm khá khác biệt với quỹ đóng. Chẳng hạn, với quỹ đóng, sau khi đóng quỹ, vai trò của các đại lý phân phối chấm dứt. Tuy nhiên, với quỹ mở, việc mua bán chứng chỉ quỹ tiếp tục diễn ra và được thực hiện qua các địa lý chuyển nhượng. Chính vì vậy, vai trò của hạ tầng kỹ thuật như đại lý phân phối, đại lý chuyển nhượng, ngân hàng giám sát hết sức quan trọng, có ảnh hưởng đến sự thành bại của sản phẩm quỹ mở. Sau thời gian khảo sát, chúng tôi đã tìm được các đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất hiện nay cho VFF như chọn HSBC làm ngân hàng giám sát và cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng kiêm quản trị quỹ, SSI làm đại lý phân phối chứng chỉ quỹ.

 

Với tư cách là đơn vị tiên phong, VinaWealth đã và đang làm gì để công chúng đầu tư hiểu về loại hình quỹ mở này? Ông đánh giá thế nào về triển vọng mô hình quỹ mở tại TTCK Việt Nam và các thách thức ảnh hưởng đến mô hình này trong thời gian tới?

Các con số thống kê cho thấy, đa phần các quỹ đầu tư trên thế giới hiện nay hoạt động theo mô hình quỹ mở. Vì thế, triển vọng và tương lai của mô hình này tại TTCK non trẻ như Việt Nam là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, do tính chất mới mẻ này và là người đi tiên phong, nên chúng tôi gặp thách thức khi mức độ hiểu biết của thị trường về sản phẩm mới còn khá hạn chế. Trước mắt, chúng tôi đã kết hợp với đại lý phân phối tập hợp cho các chuyên viên phổ biến kiến thức về quỹ mở. Về lâu dài, trách nhiệm này thuộc về các công ty quản lý quỹ, các kênh truyền thông tài chính và cơ quan quản lý TTCK Việt Nam .

 

Sau VFF, VinaWealth có kế hoạch xúc tiến gọi vốn cho các quỹ mở khác không, thưa ông?

Tùy theo tiêu chí đầu tư, có khá nhiều loại hình quỹ mở khác nhau như quỹ mở đầu tư vào các loại thu nhập cố định, quỹ mở đầu tư về giá trị, quỹ mở đầu tư tăng trưởng hoặc quỹ mở đầu tư cân bằng, quỹ hưu trí... Sau VFF, tùy theo nhu cầu của thị trường, VinaWealth sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm phù hợp. Có thể các sản phẩm tiếp theo là quỹ mở cổ phiếu.

 

 

Bà Hoàng Thị Xuân, Phó giám đốc khối phụ trách giao dịch – CTCK SSI

Có ba lý do, theo tôi, nên mua chứng chỉ quỹ VFF. Thứ nhất, rủi ro thấp. Thứ hai, không cần phải có nhiều vốn. Thứ ba, lợi nhuận ổn định. Tôi cho rằng, VFF phù hợp với nhiều khách hàng có thu nhập ổn định và muốn đầu tư dài hạn.

Ông Sebastian Subba, Tổng giám đốc VinaWealth

Đây là thời điểm thuận lợi để ra mắt một quỹ mở đầu tư trái phiếu. Bên cạnh nhu cầu đầu tư trong nước, chúng tôi nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ngay từ giai đoạn lập quỹ bởi những lợi ích thiết thực mà VFF đem lại cho nhà đầu tư như danh mục đầu tư đa dạng, dịch vụ quản lý đầu tư chuyên nghiệp, lợi thế về quy mô đầu tư, quy trình đầu tư đơn giản, rủi ro thấp và mức thu nhập ổn định và kỳ vọng cao hơn lãi suất ngân hàng. Chúng tôi cho rằng, đầu tư vào VFF sẽ rất hấp dẫn và phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người.

VinaWealth tiền thân là CTCP Quản lý Quỹ Thép Việt, được thành lập vào ngày 14/4/2008. Ngày 24/8/2011, Chủ tịch UBCKNN đã ban hành quyết định số 625/QĐ-UBCK chấp thuận cho CTCP Quản lý Quỹ Thép Việt phát hành hơn 1,4 triệu cổ phần, tương đương 49% cho Tập đoàn VinaCapital. Công ty đã chính thức đổi tên thành CTCP Quản lý quỹ VinaWealth theo giấy phép điều chỉnh số 33/GPĐC- UBCK cấp ngày 20/4/2012. Được sự hậu thuẫn VinaCapital, tập đoàn đang quản lý tổng tài sản lên tới 1,5 tỷ USD, VinaWealth có lợi thế khi nhận được sự hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm từ một trong các định chế tài chính nước ngoài lớn nhất tại TTCK Việt Nam. Việc đầu tư vào VinaWealth cũng như một lời cam kết gắn bó lâu dài của VinaCapital với sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam .

Lam Bình thực hiện
Lam Bình thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 0.0 0.0% 258,687 tỷ
HNX 243.92 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 91.48 0.0 0.0% 0 tỷ