Văn hóa từ chức và sự tham quyền

(ĐTCK) Sau EVN, sẽ có bao nhiêu trong số các lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay bị buộc thôi chức vì quản lý, điều hành yếu kém?
Văn hóa từ chức và sự tham quyền

Việc miễn nhiệm, bổ nhiệm các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lâu nay vẫn là việc bình thường bởi “tre già, măng mọc” nhưng chuyện miễn nhiệm Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại thu hút sự chú ý và tốn không ít giấy mực của giới báo chí.

Lý do chính, ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch EVN bị miễn nhiệm là do quản lý, điều hành yếu kém. Dưới “tài” điều hành của ông Hưng trong vài năm trở lại đây, EVN thua lỗ triền miên, trong đó riêng EVN Telecom, một đơn vị đầu tư ngoài ngành lỗ tới hơn 1.000 tỷ đồng trong chưa đầy năm 2011 và mới đây, Thủ tướng đã phải ra quyết định điều chuyển về Viettel.

Đọc những bài báo về câu chuyện của vị Chủ tịch EVN, không ít người liên tưởng tới câu chuyện mất chức của các CEO nước ngoài. Trong đó có một điểm khác biệt lớn nhất là khi doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém, giữa việc chờ ông chủ sa thải và từ chức, người điều hành đã chọn cách thứ hai.

Tại Việt Nam, cũng đã có những lãnh đạo tạm dũng cảm, xin được gọi như thế, chọn lối đi từ chức. Trường hợp của ông Trần Quốc Tuấn, nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là một ví dụ. Sau thất bại của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại SeaGames, trước sức ép của dư luận, ông Tuấn đã từ chức.

Việc từ chức sớm giúp doanh nghiệp có cơ hội chọn được người điều hành có năng lực, sớm chèo lái doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, thay vì cứ tiếp tục tại vị và đưa doanh nghiệp vào vòng thua lỗ lớn hơn. Tuy nhiên, con số các vị quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp hành động như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Câu chuyện của EVN cũng khiến công chúng đặt câu hỏi sẽ có bao nhiêu trong số các lãnh đạo của 12 tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay cũng như tại các doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu của Nhà nước chi phối bị buộc thôi chức vì quản lý, điều hành yếu kém?

Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhận xét, công tác quản lý, kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý điều hành của cán bộ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém, chế tài xử lý đối với cán bộ quản lý DNNN có sai phạm chưa cụ thể và chưa nghiêm. Cũng theo tổng kết của cơ quan này, việc thuê tổng giám đốc giỏi điều hành DNNN mới chỉ triển khai được ở 3 đơn vị, nhưng chưa có sơ kết và chưa thấy kết quả rõ rệt.

Với đồng vốn tư nhân, khi người điều hành yếu kém, trước mỗi kỳ ĐHCĐ, thậm chí không cần chờ đến ĐHCĐ, các ông chủ vẫn thường xuyên ra quyết định thay đổi người điều hành. Với đồng vốn nhà nước, người ta vẫn đổ lỗi cho cơ chế quản lý “cha chung không ai khóc”, song trong nhiều văn bản, quy định pháp lý hiện nay, trách nhiệm của người đứng đầu rất rõ ràng. Chỉ có việc thực thi các quyết định mới rất khó khăn. Lần này, việc miễn nhiệm ông Đào Văn Hưng được kỳ vọng sẽ là sự khởi đầu cho đợt mạnh tay sàng lọc bộ máy quản lý doanh nghiệp Nhà nước, để từ đó, đồng vốn công được sử dụng hiệu quả hơn.

Anh Việt
Anh Việt

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ