UPCoM: Nặng nợ với cổ phiếu yếu

(ĐTCK) Thêm 9 DN lên sàn UPCoM trong tháng 8 đã nâng tổng số DN trên sàn này đến cuối tháng 8 lên con số 772. Hàng thì nhiều và đa dạng, nhưng thanh khoản chỉ tập trung ở vài mã chính (LPB, BSR, POW, VEA…), còn lại đa số mã có giao dịch ít ỏi, thị giá thấp khiến sau 9 năm mở cửa hoạt động, chỉ số chứng khoán của sàn UPCoM chỉ quanh 50-55 điểm, tức chỉ bằng 50% so với vạch xuất phát ban đầu.
UPCoM: Nặng nợ với cổ phiếu yếu

Khoảng 10% số cổ phiếu trên sàn UPCoM có giá giao dịch dưới 2.000 đồng và trên 50% các mã trên sàn UPCoM có thị giá dưới mệnh giá.

Thực tế này một phần phản ánh sức khỏe yếu ớt của phần lớn các DN đại chúng trên sàn UPCoM, nhưng mặt khác cũng cho thấy, các DN yếu khó có thể có lợi ích gì từ việc “treo” cổ phiếu trên sàn UPCoM, đặc biệt là 2 giá trị quan trọng nhất là huy động vốn và tạo nơi cho cổ đông giao dịch cổ phiếu.

Ðiểm sáng trên sàn UPCoM là vốn ngoại cũng có sự quan tâm đầu tư, nhưng dòng vốn này chỉ chọn chảy vào một vài mã lớn. Các cổ phiếu thu hút được vốn ngoại (HVN, QNS, POW, LPB…) là những mã hiếm hoi có quy mô lớn, triển vọng tích cực và chỉ chờ thêm một số điều kiện phù hợp sẽ bước lên sàn niêm yết cao hơn.

Vậy sức mạnh của sàn UPCoM là gì nếu cứ mở toang cửa đón các loại DN đại chúng, kể cả DN yếu kém, bị hủy niêm yết, lên sàn?

Trong khi nhà quản lý ghi nhận sự lớn mạnh của TTCK nói chung, sàn UPCoM nói riêng theo tiêu chí số DN lên sàn và giá trị vốn hóa tăng mạnh những năm gần đây, thì nhiều thành viên thị trường có cảm nhận rằng, UPCoM càng lớn càng giống “lẩu thập cẩm”.

Khi “chợ” có quá nhiều hàng hóa ở tình trạng vàng, thau lẫn lộn, người mua sẽ dễ nản và quay đi.

Thực tế, các quy định pháp lý trước đây buộc DN đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM mà không yêu cầu điều kiện gì về sức khỏe tài chính.

Tuy nhiên, trong lần sửa Luật Chứng khoán hiện nay, nếu như tiêu chuẩn niêm yết trên 2 sàn chính thức đều dự kiến nâng lên thì câu chuyện sàn UPCoM có nên có tiêu chuẩn tối thiểu hay không, là điều đáng bàn với nhà quản lý.

Dư luận đồng tình với sự kiên định của nhà quản lý rằng, các DN đại chúng phải có trách nhiệm minh bạch thông tin và trách nhiệm này phải được luật hóa.

Tuy nhiên, có nên buộc các DN đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn hay không, cần nhiều quan điểm phản biện. Nếu tiếp tục buộc DN đại chúng lên sàn thì nhà quản lý sẽ phải xử lý làm sao với tình trạng còn hàng trăm DN đại chúng không đưa cổ phiếu lên sàn như hiện nay?

Câu hỏi đáng quan tâm nữa là sàn UPCoM đã, đang và sẽ giúp gì cho DN, cho nhà đầu tư khi đón DN lên sàn trong tình trạng không sẵn sàng với hiện trạng sức khỏe yếu kém?

Thời gian qua, UPCoM cứ âm thầm đón các mã lên sàn với chất lượng quá yếu như B82 (chào sàn giá 1.000 đồng); CAD (chào sàn giá 1.400 đồng); SJM (chào sàn giá 2.000 đồng); VST (chào sàn giá 1.300 đồng); S96 (chào sàn giá 3.100 đồng), ATA (chào sàn giá 800 đồng); SD8 (chào sàn giá 700 đồng)…

Sự xuất hiện của các tên tuổi này trên sàn dường như không tạo nên giá trị đáng kể nào cho DN, cho nhà đầu tư hay cho chính sàn UPCoM ngoài một cảm nhận rằng, nhận thêm hàng kém chất lượng, “chợ” UPCoM thêm… nặng nợ và khó tạo nên một sân chơi minh bạch, giúp các DN trải nghiệm tập dượt trước khi lên niêm yết giá trị như ý niệm ban đầu.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 -22.67 -1.9% 191,064 tỷ
HNX 226.2 -2.63 -1.16% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 -0.48 -0.55% 623 tỷ