Từ trường hợp TTF, JVC, ATA, cần tăng cường kiểm soát chất lượng báo cáo tài chính

(ĐTCK) Liên tiếp trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp sai lệch lớn về số liệu giữa báo cáo tài chính tự lập và báo cáo sau kiểm toán như tại CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), Thiết bị y tế Việt Nhật, hay mới đây là việc CTCP NTACO bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ý kiến kiểm toán. 
Từ trường hợp TTF, JVC, ATA, cần tăng cường kiểm soát chất lượng báo cáo tài chính

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam xung quanh chất lượng báo cáo tài chính của khối doanh nghiệp niêm yết, khối doanh nghiệp đi đầu về minh bạch thông tin trong nền kinh tế. 

Thông tin sai lệch nghiêm trọng về hàng tồn kho của TTF vỡ lở khiến cổ phiếu này mất giá tới 70% trong thời gian qua. Tuy nhiên, đến nay, thị trường chưa có thông tin về xử lý trách nhiệm các bên liên quan với sai lệch trên báo cáo tài chính của TTF. Theo quy định pháp luật kế toán hiện hành, việc làm sai lệch số liệu trên báo cáo tài chính lớn như vậy, người lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao, thưa ông?

Khi đọc được thông tin về sai lệch số liệu hàng tồn kho của TTF lên tới cả ngàn tỷ đồng, thực sự tôi rất ngạc nhiên. Về mặt quản lý và công tác kế toán, việc để thiếu hàng tồn kho với khối lượng lớn, giá trị lớn như vậy là điều không thể chấp nhận được. Trong câu chuyện này, không chỉ là hiện tượng thiếu hụt về tài sản so với số liệu trên sổ kế toán, mà quan trọng hơn là sai phạm lớn trong hạch toán và trình bày thông tin trên báo cáo tài chính.

Từ trường hợp TTF, JVC, ATA, cần tăng cường kiểm soát chất lượng báo cáo tài chính ảnh 1

 TS. Đặng Văn Thanh

Luật Kế toán và Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã có quy định về các chế tài xử lý các hành vi gian lận trong lập báo cáo tài chính, các cơ quan hữu quan cần có sự kiểm tra đánh giá và xử lý nghiêm khắc những chủ thể có liên quan đến hành vi gian lận báo cáo tài chính, để giữ vững niềm tin từ thị trường. 

Kiểm toán độc lập được xem là điểm tựa niềm tin của nhà đầu tư vào chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, liên tiếp trong trường hợp TTF và nhiều doanh nghiệp bất ngờ đổ vỡ như Tập đoàn Đại Dương, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật, hay các ngân hàng “0 đồng”, báo cáo tài chính các kỳ kế toán trước đó không đưa ra những cảnh báo cho nhà đầu tư. Chất lượng kiểm toán nói chung dường như đang có vấn đề, thưa ông?

Để biết chất lượng kiểm toán có vấn đề thực sự hay không, theo tôi, cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ hồ sơ kiểm toán của từng trường hợp doanh nghiệp bất ngờ đổ vỡ, để xem trách nhiệm của phía doanh nghiệp và đơn vị kiểm toán đến đâu.

Chẳng hạn, nếu trong kỳ trước, báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán nhận xét là trình bày trung thực, hợp lý, nhưng sau đó lại bất ngờ lộ ra những khoản nợ xấu lớn, những khoản phải thu khó đòi khiến doanh nghiệp thua lỗ lớn thì đúng là chất lượng kiểm toán có vấn đề.

Trong kinh doanh việc thua lỗ là điều bình thường, nhưng nếu những thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không được minh bạch, doanh nghiệp cố tình giấu lỗ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định, đến lòng tin của các nhà đầu tư. 

Nhiều vụ lùm xùm đổ vỡ xảy ra có phải do chế tài xử phạt với các hành vi gian lận số liệu báo cáo tài chính chưa đủ mạnh, thưa ông?

Đến nay, quy định về xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán khá đầy đủ, rõ ràng. Theo quy định của Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập, kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình và những thiệt hại gây ra cho các nhà đầu tư.

Việc xử phạt phải căn cứ tùy theo trường hợp cụ thể, nhưng hình phạt cao nhất với doanh nghiệp, với kiểm toán viên là để mất uy tín, mất niềm tin trên thương trường. 

Theo ông, để nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, trong thời gian tới, cần triển khai những giải pháp gì?

Để hạn chế những gian lận báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, theo tôi, trước hết cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ trước luật pháp và quyền lợi của các tổ chức kinh tế trong việc trình bày thông tin và công bố các báo cáo tài chính. Các doanh nghiệp cần hiểu rằng việc lập báo cáo tài chính trung thực, đầy đủ, rõ ràng không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là lợi ích, là giá trị vật chất, là vị thế là uy tín của doanh nghiệp. Tăng cường đạo đức nghề nghiệp và lòng tự trọng nghề nghiệp của những người lập và trình bày báo cáo tài chính.

Thứ hai, tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong trình bày và công bố thông tin. Các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư, các đối tượng sử dụng thông tin phải thể hiện trách nhiệm, thái độ với những báo cáo tài chính có độ tin cậy thấp, lập và trình bày mang tính đối phó, chậm chạp.

Mặt khác, cũng cần tôn vinh các báo cáo có chất lượng và công khai phê phán những báo cáo có độ tin cậy thấp. Công việc này nên do các tổ chức nghề nghiệp đảm nhận.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập, để hoạt động kiểm toán độc lập tuân thủ đúng chuẩn mực chuyên môn và đạo đức, có khả năng phát hiện và cảnh báo sớm với các bên liên quan về những điểm bất thường trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Thứ tư, cần phát triển mạnh thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Việc lập báo cáo tài chính và soát xét báo cáo tài chính cần được thực hiện bởi các chuyên gia kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp, độc lập thì độ tin cậy của các thông tin trên báo cáo tài chính sẽ cao hơn.

Hằng Phương thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,206.93 1.32 0.11% 95,708 tỷ
HNX 227.23 -0.64 -0.28% 828 tỷ
UPCOM 88.13 -0.24 -0.28% 326 tỷ