TTCK năm 2012 không dễ lướt sóng

(ĐTCK) Ông Nguyễn Tấn Thắng, Kinh tế trưởng CTCK HSC nhận định, TTCK năm nay sẽ tăng, nhưng chỉ phù hợp để đầu tư chứ không phù hợp cho lướt sóng.
Ông Nguyễn Tấn Thắng, Kinh tế trưởng CTCK HSC Ông Nguyễn Tấn Thắng, Kinh tế trưởng CTCK HSC

Theo ông, thời điểm này đã thích hợp giải ngân vào thị trường chứng khoán?

Tôi thấy  trong năm nay, xác suất thị trường chứng khoán tăng điểm cao hơn giảm, mà khoảng tăng sẽ lớn hơn khoảng giảm điểm. Bây giờ có nhiều mã cổ phiếu rẻ, nhà đầu tư tha hồ lựa chọn. Nhưng thị trường chỉ phù hợp để đầu tư và thị trường đã mất hết yếu tố đầu cơ.

Trong thị trường này, tôi xin nhắc lại quan điểm của nhà đầu tư Waren Buffet là không mua chứng khoán để chờ giá lên mà nên mua chứng khoán mà mình muốn sở hữu nó. Nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của công ty tạo nên giá trị, chứ mua để lướt sóng thì không phù hợp.

 

Theo ông, thời điểm nào thì thị trường sẽ tăng?

Có lẽ đâu đó cuối quý II thì thị trường chứng khoán sẽ tăng. Nhưng tôi muốn cảnh báo, niềm tin chưa phục hồi trở lại nên sẽ có sóng lên, nhưng là sóng ngắn và có giảm rồi lại lên. 

 

Còn các kênh đầu tư khác là vàng và bất động sản, ông nhận định thế nào khi so sánh tương quan với kênh chứng khoán?

Mua bất động sản thì không nên vì cung vẫn lớn hơn cầu nhiều thì giá sẽ tiếp tục giảm. Vàng tôi không dám tư vấn, vì rủi ro quá lớn. Tôi lại xin chia sẻ một quan điểm của Waren Buffet. Các quỹ đầu tư của ông không đầu tư vào vàng vì theo ông vàng không sinh ra giá trị. Theo tôi, chứng khoán là kênh mà về mặt đầu tư nên xem xét.

 TTCK năm 2012 không dễ lướt sóng ảnh 1

Ông nhận định gì về lạm phát năm nay?

Chắc chắn xu hướng sẽ giảm. Theo dự báo của tôi, lạm phát giảm dưới 12% cuối năm nay. Còn có giảm dưới 10% theo mục tiêu của Chính phủ hay không thì tôi không chắc chắc vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

 

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ giá năm nay biến động không quá 3%. Theo ông, tỷ giá có ổn không?

Ổn! Theo dõi biến động tỷ giá trong năm 2011, từ lúc Chính phủ ban hành các biện pháp ổn định vĩ mô, tôi thấy Ngân hàng Nhà nước đã đi rất đúng hướng trong kiểm soát thị trường vàng thị trường ngoại tệ. Các biện pháp bình ổn thị trường ngoại tệ và vàng tuy là biện pháp hành chính, chỉ  có tác dụng trong ngắn hạn, nhưng đã hiệu quả.

 

Vậy trong các yếu tố vĩ mô, ông lo ngại điều gì?

Tôi lo ngại yếu tố niềm tin trên thị trường, nợ xấu ngân hàng và thanh khoản. Hiện nay, các ngân hàng không tin tưởng nhau như xưa, cho vay trăm tỷ đồng mấy ngày yêu cầu thế chấp. Nợ xấu theo công bố là 3,1%, nhưng tôi cho rằng thực tế còn cao hơn, liên quan đến bất động sản.

Ngoài ra, tôi cũng lo ngại vấn đề “sở hữu chéo”, tức ngân hàng cho vay bất động sản mà chủ đầu tư dự án cũng chính là cổ đông lớn của ngân hàng. Cần xử lý vấn đề này khi tái cơ cấu, hợp nhất ngân hàng.

Tình hình hiện nay, các dự án đói vốn, ngân hàng không thu hồi vốn được, cũng không vay được trên thị trường liên ngân hàng, không huy động bằng cạnh tranh lãi suất như trước kia thì bản thân ngân hàng càng khó giải quyết vấn đề thanh khoản.

 

Có ý kiến cho rằng, chứng khoản chỉ tăng khi nới tín dụng. Ông có cho rằng, hạn chế tín dụng chứng khoán 16% như Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước mới đây sẽ tác động tiêu cực tới thị trường?

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đúng. Trước đây, bơm tiền ra dễ dàng, vốn đi tìm dự án, nhưng bây giờ dự án tìm vốn. Chứng khoán và bất động sản yếu tố đầu cơ cao nên phải phải giảm bớt tín dụng. Giải pháp cho thị trường chứng khoán là cải thiện công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp, rồi tái cơ cấu ngân hàng, công ty chứng khoán, đảm bảo quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ, phát triển thêm công cụ mới để nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát rủi ro…

Tóm lại, chúng ta phải nâng mức chuyên nghiệp của thị trường lên chứ không phải bơm tiền. 

Thu Hương
Thu Hương

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ