Trốn thuế, gian lận thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, gian lận

Đó là một trong những nội dung của Nghị định 97/2007/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan được Chính phủ ban hành ngày 07/6. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 138/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Theo Nghị định 97/2007/NĐ-CP, những hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về hải quan và pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

Quy định thêm về hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt

 

Nghị định 97/2007/NĐ-CP quy định thêm về hành vi vi phạm so với các quy định trước đây. Tại mục c, khoản 3, Điều 1 quy định, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Các hình thức xử phạt cũng được quy định rõ. Cụ thể, đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế hàng hóa xuất nhập khẩu, mức phạt tiền là từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, gian lận; đối với hành vi khai thiếu nghĩa vụ thuế hoặc khai tăng số thuế được miễn, giảm, được hoàn thì mức phạt tiền là 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền khai tăng thuế được hoàn. Mức phạt tiền là 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế nộp chậm đối với hành vi chậm nộp tiền thuế. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính khác về thủ tục thuế là 100 triệu đồng (khoản 1, Điều 6).

 

Tăng mức phạt tiền đối với các hành vi cản trở cán bộ hải quan đang thi hành công vụ

 

Theo Điều 18, các hành vi xúc phạm danh dự hoặc cản trở cán bộ hải quan đang thi hành công vụ, bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng trong khi quy định cũ là từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Các hành vi đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại cán bộ hải quan đang thi hành công vụ mà không phải là tội phạm bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng trong khi quy định cũ là từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

 

Nghị định 97/2007/NĐ-CP còn quy định xử phạt đối với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng  và tổ chức, cá nhân liên quan trong trường hợp không thực hiện trích toàn bộ hoặc một phần theo thời hạn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp từ tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan hải quan. Theo đó, phạt tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển trong trường hợp người nộp thuế bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế hoặc bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; phạt tiền từ 1 triệu đến 5 triệu đồng với trường hợp không thực hiện các quyết định cưỡng chế (khoản 1, Điều 19).

 

Quy định rõ cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

 

Điểm mới là, Nghị định 97/2007/NĐ-CP đã dành một chương để quy định việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành trong thời gian quy định các quyết định hành chính bao gồm: Thông báo về số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp, thông báo ấn định thuế, thông báo số tiền thuế phải nộp lại do được hoàn cao hơn, các quyết định khác về xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực hải quan. Thủ trưởng cơ quan hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007.


Website Chính phủ

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ