Triển vọng TTCK nhìn từ các chỉ tiêu kinh tế 2011

(ĐTCK-online) Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XII đang tập trung thảo luận về kinh tế -xã hội năm 2010 và kế hoạch năm 2011. Theo ghi nhận của ĐTCK, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng, các chỉ tiêu Chính phủ đặt ra có thể thực hiện được, nhưng chất lượng tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế vẫn là một dấu hỏi. Với thị trường chứng khoán, việc hồi phục thị trường không chỉ phụ thuộc vào các chỉ số vĩ mô cơ bản như GDP hay CPI.
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán khó bứt phá trong năm 2010 - Ảnh: Hoài Nam Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán khó bứt phá trong năm 2010 - Ảnh: Hoài Nam

Tăng trưởng nhưng vẫn tiềm nhiều rủi ro

Theo Báo cáo đánh giá của Chính phủ, năm 2010, mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế Việt Nam đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 dự kiến tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, dịch vụ tăng 7,5%. Việc chỉ số công nghiệp tăng cao cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế.

Năm 2010, có khoảng 85 nghìn doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 500 nghìn tỷ đồng; bình quân đạt gần 6 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 125% so với năm 2009. Tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%.

Từ những kết quả đạt được của năm 2010, năm 2011 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 7 - 7,5%, CPI tăng khoảng 7%. Tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010, gảm nhập siêu xuống dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 5,5%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP.

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, những bất ổn của nền kinh tế có nhiều nguyên nhân, trong đó cũng có những yếu tố nội tại tích tụ nhiều năm. Mô hình tăng trưởng kinh tế không phù hợp khi mà chúng ta đã duy trì nhiều năm mô hình tăng trưởng lấy tăng vốn đầu tư là chủ yếu, trong khi đó, hiệu quả đầu tư lại thấp nên phải cơ cấu lại.

Mặc dù đạt kết quả khả quan trong năm 2010 và đặt ra mục tiêu khá cao trong năm 2011, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ những bất cập lớn của nền kinh tế như năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ phần lớn vốn, tài sản, đất đai, tài nguyên quốc gia nhưng hiệu quả đầu tư và tăng trưởng chưa tương xứng; CPH và đổi mới DNNN còn chậm; quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với DNNN còn nhiều bất cập. Việc xử lý mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chưa thật hợp lý, tốc độ tăng trưởng tuy đạt khá cao nhưng lại làm nảy sinh những khó khăn mới cho ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giữ mức tăng trưởng 7-7,5% GDP không phải là khó với những gì mà nền kinh tế đang có, song ổn định vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng thì phải tập trung nhiều hơn nữa để chuẩn bị cho bước đi dài hạn hơn.

 

Thị trường chứng khoán khó bứt phá

Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được xác định là cơ sở, là điều kiện để bảo đảm phát triển bền vững với mức tăng trưởng cao hơn năm 2010 là nhiệm vụ chủ yếu trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2011.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, việc có hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế Chính phủ đưa ra trong năm 2011 hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc điều hành tỷ giá trong ngắn hạn (những tháng cuối năm). Theo ông Chí, vấn đề tỷ giá tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực nên nếu ổn định được sẽ tạo đà cho kinh tế tăng trưởng trong năm sau.

Trước những khó khăn về cán cân thanh toán, niềm tin của NĐT nước ngoài vào TTCK suy giảm, vì vậy mặc dù chỉ tiêu GDP được đặt tăng hơn so với 2010 nhưng ông Chí không kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng mạnh trong năm sau.

Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, những chỉ số cơ bản của nền kinh tế được đặt ra khá tốt. Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán diễn biến ra sao lại phụ nhiều vào niềm tin của NĐT. Thị trường hiện nay phản ánh niềm tin yếu ớt của cả NĐT trong nước, các quỹ đầu tư nước ngoài trước việc xử lý những tồn tại vĩ mô. Đơn cử như vụ Vinashin, vấn đề không còn nằm ở chỗ tập đoàn này bị thua lỗ bao nhiêu tiền mà là việc xử lý như thế nào để lấy lại lòng tin của NĐT.

Giám đốc một quỹ đầu tư cho biết, các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản tăng trưởng chậm. Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng Euro và thâm hụt ngân sách cao ở nhiều nước có thể gây biến động về tỷ giá giữa các đồng tiền, làm cho tính bất định và độ rủi ro tăng lên, tác động mạnh tới xuất nhập khẩu, đầu tư, chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước.

Theo vị giám đốc này, trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro, những DN sản xuất hàng xuất khẩu không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài ra, những ngành dịch vụ thiết yếu (viễn thông, logictisc) sẽ ít chịu tác động tiêu cực. Vì vậy, việc đầu tư vào các CP này sẽ ít rủi ro hơn.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,176.64 -16.37 -1.39% 95,953 tỷ
HNX 221.46 -4.74 -2.14% 1,217 tỷ
UPCOM 87.19 -0.96 -1.1% 355 tỷ