“Trả đũa thương mại”, tại sao không?

Kể từ vụ kiện đầu tiên vào năm 1994 đối với mặt hàng gạo tại thị trường Colombia đến nay, Việt Nam đã vướng vào 39 vụ kiện chống bán phá giá, đứng thứ 7 trong 100 nước bị kiện nhiều nhất thế giới.
Dệt may, mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Dệt may, mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.

Giày mũ da Việt Nam có thể "thoát" thuế chống bán phá giá (CBPG) tại thị trường EU nhờ 15 nước thành viên EU đã không thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc gia hạn thuế CBPG đối với giày mũ da Việt Nam. Nhiều khả năng thuế CBPG đối với giày mũ da Việt Nam sẽ chấm dứt kể từ ngày 6/1/2010. Đây là một trường hợp hiếm hoi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, khi tỷ lệ thua kiện CBPG hiện lên đến gần 70% tổng số vụ kiện.

 

Vì sao thua?

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh nhận định: “Việt Nam đã và đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu. Sau khi gia nhập WTO, những vụ kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không giảm đi mà có xu hướng tăng lên”.

 

“Thực tế cho thấy, những DN Việt Nam nào tham gia đầy đủ vào toàn bộ quá trình của vụ việc và hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra đều đạt được những kết quả tích cực, như mức thuế thấp hơn đáng kể so với các DN không tham gia, thậm chí là không bị áp thuế”.

 

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh

Theo một nghiên cứu của nhóm giảng viên cấp cao trường ĐH Kinh tế TP.HCM mới đây, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường gặp bất lợi khi đối mặt với các vụ kiện CBPG do cơ quan điều tra của nước nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ định nước thứ ba (nước được công nhận có nền kinh tế thị trường) làm cơ sở xem xét.  Hiện cả Mỹ và EU chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, đó là hai thị trường mà Việt Nam bị kiện CBPG nhiều nhất, trong đó có các vụ kiện quy mô lớn là cá ba sa, tôm sú, giày mũ da.

 

Ở vụ kiện CBPG cá ba sa bắt đầu từ tháng 6/2002, Bangladesh được chỉ định là nước thứ ba, khiến Việt Nam khó bảo vệ quyền lợi. Trong vụ kiện giày mũ da, EU đề nghị chọn Brazil là nước thứ ba trong khi Việt Nam yêu cầu chọn Thái Lan, Indonesia hoặc Ấn Độ bởi các nước này có có thể mang lại lợi thế khi có nhiều tương đồng. EU đã gửi thư đề nghị hợp tác đến đến gần 100 công ty của 4 nước trên. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 1 nhà sản xuất của Ấn Độ và 8 của Brazil đồng ý hợp tác trong cuộc điều tra. Phía Việt Nam cũng tích cực vận động hành lang các DN Thái Lan, nhưng không có kết quả. Cuối cùng, EU chọn Brazil, đồng nghĩa với việc phía Việt Nam sẽ gặp bất lợi vì giá xuất khẩu của Brazil có lợi để EU ra phán quyết áp thuế CBPG đối với giày mũ da Việt Nam.

 

Tại sao các nước mà Việt Nam đề nghị hợp tác lại từ chối? Đơn giản, nếu giày mũ da Việt Nam (và cả Trung Quốc) thua kiện, các nước này sẽ loại được đối thủ cạnh tranh ở thị trường lớn là EU.

 

Đối phó với các vụ kiện

 

Xuất khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị kiện CBPG do có tốc độ tăng trưởng rất cao (khoảng 20%/năm), xếp hạng 39/260 nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới; có tính tập trung cao về thị trường (các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Đức, Anh chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu); tập trung vào 9 mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Bên cạnh đó, trong hàng xuất khẩu Việt Nam, hàng nguyên liệu thô, ít qua chế biến chiếm tỷ trọng cao; mất cân đối trong cán cân thương mại đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực (chẳng hạn xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ lớn gấp 8 lần so với nhập khẩu; xuất khẩu vào Úc lớn gấp 5 lần nhập khẩu; xuất khẩu vào Anh, Đức lớn gấp 2 lần...).

 

Mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị kiện CBPG của Việt Nam hiện nay là dệt may. Theo GS - TS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên Hội đồng trọng tài quốc tế Việt Nam - mặt hàng này tập trung xuất khẩu vào Mỹ quá nhiều, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam, tốc độ tăng trưởng cao. Hiện phía Mỹ đã có chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam. Đối phó với nguy cơ này, Bộ Công thương đã áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với 14 mặt hàng dệt may “nóng” nhất vào thị trường nước này; lập ban kiểm tra hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất khẩu của DN. Hiệp hội Dệt may Việt Nam từ tháng 1/2008 quy định DN xuất khẩu vào Mỹ nộp phí 0,01% doanh thu xuất khẩu để phục vụ cho việc đối phó với CBPG.

 

Trong dài hạn, theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, để tránh gặp những rắc rối trong các vụ kiện chống bán phá giá, DN và các cơ quan chức năng nên lưu ý nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng DN, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan hữu quan về các vụ kiện CBPG trong thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp nên có chiến lược tăng trưởng xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và xây dựng cơ chế cảnh báo sớm để có biện pháp chủ động phòng chống...

 

Hiện nay, các nước đi kiện lo ngại bị kiện trở lại theo kiểu “trả đũa thương mại” một cách hợp pháp trong WTO. Theo ông Vĩnh, đó là một trong những phương thức phòng chống các vụ kiện CBPG và tự vệ một cách gián tiếp và hiệu quả. Rất tiếc, cho đến nay Việt Nam chưa là nguyên đơn vụ kiện CBPG nào!


TN

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ