Tính thanh khoản và rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán

Trên thực tế, có những thời điểm nhà đầu tư sở hữu lượng cổ phiếu giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng chúng chỉ là những con số trên giấy. Muốn bán nhưng không ai mua. Lý do? Vì họ đang sở hữu những cổ phiếu có tính thanh khoản kém.

Vậy tính thanh khoản là gì?

Tính thanh khoản của chứng khoán là khái niệm thể hiện khả năng chuyển đổi dễ dàng từ tiền sang chứng khoán và ngược lại.

 

Rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán

Một giá trị của thị trường tập trung là tạo nên tính thanh khoản cao, hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch và chủ động trước các quyết định mua/bán. Tuy nhiên, có những phiên giao dịch, cột dư mua trống ngay từ đầu phiên, chủ động bán giá sàn nhưng vẫn khó thành công. Đó là điểm lo sợ nhất đối với nhà đầu tư, bởi nắm chứng khoán trong tay, thấy lỗ qua từng ngày và khả năng thanh khoản ngày một thu hẹp. Điều này được gọi là rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán.

 

Một số yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản

Thứ nhất, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có uy tín, hiệu quả làm ăn tốt và thông tin công bố minh bạch, rõ ràng thường có tính thanh khoản cao hơn và ngược lại.

Thứ hai, những thông tin có tác động mạnh từ các cơ quan quản lý, ví dụ Chỉ thị 03 đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư dù rất muốn mua vào trong thời điểm thị trường đi xuống nhưng đành đứng nhìn khi không còn nguồn cung tiền từ ngân hàng.

Thứ ba, hạn chế về “room” của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải rào cản hết “room” (là khoảng cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của doanh nghiệp trong nước đã niêm yết, hiện là 30% đối với các tổ chức tín dụng và 49% đối với các ngành nghề khác) hoặc gần hết room đối với nhiều cổ phiếu trong tầm ngắm của họ.

Thứ tư, tâm lý của các nhà đầu tư cũng làm cho giao dịch trên thị trường lúc sôi nổi, lúc ảm đạm. Khi thị trường đi lên, nhà đầu tư hưng phấn thì thị trường có tính thanh khoản cao. Khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư bắt đầu lo sợ thì tính thanh khoản của thị trường thấp, dù ai cũng biết rằng thị trường đi xuống là cơ hội để mua vào.

Thứ năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao khiến người dân phải chi nhiều hơn cho tiêu dùng, do đó, số tiền đổ vào chứng khoán của họ sẽ ít đi.

Ngoài ra, các thị trường bất động sản, bảo hiểm, vàng… có sự liên thông với nhau. Nhà đầu tư luôn tìm cách hạn chế rủi ro bằng cách phân bổ nguồn vốn vào nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi thị trường khi có dấu hiệu “nóng” hay “lạnh” đều ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nói chung và tính thanh khoản của chứng khoán nói riêng.

Vì vậy, khi lựa chọn chứng khoán để đầu tư, nhà đầu tư dứt khoát phải xem xét đến tính thanh khoản của chứng khoán, hay nói cách khác là khả năng bán chứng khoán để tái tạo nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ