Tính thanh khoản thấp, do đâu?

(ĐTCK-online) Trong bản báo cáo mới đây, một trong những vấn đề mà Ngân hàng HSBC lo ngại về TTCK Việt Nam, chính là tính thanh khoản hiện tại rất kém. Thực tế thì trong thời gian gần đây, khi thị trường có sự điều chỉnh giảm, rất nhiều mã chứng khoán có khối lượng giao dịch không đáng kể. Nhìn chung toàn thị trường, khối lượng giao dịch giảm khoảng 50% so với thời kỳ sôi động.
Tính thanh khoản thấp, do đâu?

Theo ông Mai Trung Dũng, Phó giám đốc CTCK Ngân hàng Ngoại thương, có hai nguyên nhân chính, đó là chất lượng của chứng khoán và những rào cản mang tính kỹ thuật của quá trình giao dịch. Ông Dũng cho biết: “Những mã cổ phiếu có uy tín, hiệu quả làm ăn tốt và thông tin công bố minh bạch, rõ ràng sẽ có tính thanh khoản cao hơn. Hiện tại, cả sàn Hà Nội và TP. HCM đều có những mã có tính thanh khoản lớn bên cạnh những mã có tính thanh khoản kém”.

Tính thanh khoản của chứng khoán là khái niệm thể hiện khả năng chuyển đổi dễ dàng từ tiền sang chứng khoán và ngược lại. Hiện nay, đang có sự đồng nhất giữa khối lượng giao dịch với tính thanh khoản. Nhưng thực tế cho thấy, để đưa ra được kết luận về tính thanh khoản của các cổ phiếu nói riêng và TTCK nói chung cần phải phân tích khối lượng giao dịch trên cơ sở so sánh với khối lượng cổ phiếu lưu hành sau khi đã trừ đi phần cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ, cổ phiếu của thành viên HĐQT, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng...).

Ông Nguyễn Sơn, Phó ban Phát triển TTCK, UBCK cho biết: “Tính thanh khoản mà chúng ta đang nói đến ở đây chủ yếu là do cách nhìn nhận đơn thuần vào khối lượng giao dịch. Trong điều kiện thị trường có sự điều chỉnh sâu như thời gian vừa qua, dưới tác động của Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN, sự bán ra của các nhà đầu tư cá nhân... đã làm cho giá trị giao dịch của thị trường giảm mạnh. Việc giảm tính thanh khoản trên cả hai thị trường chính thức, đặc biệt là thị trường OTC khiến cho nhiều mã cổ phiếu trên thị trường OTC thực tế rất tốt nhưng vẫn không có ai muốn mua”.

Bàn luận về tính thanh khoản trên sàn Hà Nội, rất nhiều nhà đầu tư, CTCK và cả các công ty niêm yết không khỏi... chạnh lòng vì thực tế là nó rất kém. Báo cáo của HSBC cũng e ngại rằng: “Tính thanh khoản trên sàn Hà Nội vốn đã thấp, trong thời gian tới khi những mã lớn và hấp dẫn chuyển lên niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM thì khả năng tính thanh khoản tại sàn này sẽ càng thấp hơn” . Về vấn đề này, ông Sơn nhận định: “Điều kiện để niêm yết tại sàn Hà Nội và TP. HCM có sự khác biệt mà một trong những nguyên nhân đó là yêu cầu có phần “lỏng” hơn về vốn điều lệ và tỷ lệ nắm giữ của cổ đông ngoài doanh nghiệp. Sàn Hà Nội không yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải có tối thiểu 20% vốn điều lệ do cổ đông ngoài doanh nghiệp nắm giữ nên nhiều công ty có phần lớn cổ phiếu là do cổ đông Nhà nước hoặc các cổ đông nội bộ nắm giữ, vì vậy mà khối lượng giao dịch thấp chứ thực chất không hoàn toàn là tính thanh khoản thấp”.

Nhưng theo nhiều chuyên gia, chính yếu tố tâm lý cho rằng, sàn Hà Nội là nơi niêm yết các cổ phiếu “thứ cấp” đã khiến cho những doanh nghiệp lớn, có cổ phiếu tốt không muốn trụ lại tại đây, và nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm của mình ít hơn cho các cổ phiếu niêm yết trên sàn này.

Cơ chế giao dịch được xem là yếu tố hết sức quan trọng để cho cung và cầu có thể gặp nhau, tuy nhiên ở Việt Nam , đây vẫn là yếu tố còn nhiều hạn chế. Ông Dũng cho biết: “Để nói cổ phiếu có tính thanh khoản thực sự hay không là không hề đơn giản, bởi ngay cả trong điều kiện thị trường bùng nổ, cung và cầu chứng khoán cũng không hẳn đã gặp nhau, dẫn đến tính thanh khoản kém. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cản trở cung cầu như: năng lực nhập lệnh của các CTCK; Trung tâm Lưu ký bị quá tải dẫn đến lưu ký chậm, khó giao dịch khi cần thiết; yếu tố “room” cho nhà đầu tư nước ngoài cũng hạn chế giữa cung trong nước và cầu nước ngoài; thị trường OTC thiếu tính công khai, minh bạch cũng cản trở cho việc mua bán...”. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, việc thị trường OTC chưa có nhà tạo lập thị trường đúng nghĩa, thị trường chính thức chưa triển khai các công cụ phái sinh và biên độ giao động bị giới hạn như hiện nay cũng khiến cho tính thanh khoản giảm đi khi thị trường có sự điều chỉnh giảm.

Một trong những lợi ích của TTCK là giúp cho doanh nghiệp niêm yết dễ dàng huy động vốn nhờ tính thanh khoản cao của chứng khoán. Và tăng tính thanh khoản là một yếu tố giúp TTCK phát triển bền vững, ổn định. Tuy nhiên, để có thể cải thiện tốt hơn tính thanh khoản này, yêu cầu cần thiết không chỉ là tăng cường chất lượng của “hàng hoá” thông qua việc kinh doanh hiệu quả, quản trị và công bố thông tin tốt mà cần phải có sự nỗ lực đồng bộ từ phía cơ quan quản lý, các CTCK trong việc giải quyết những hạn chế nêu trên.

Đông Nhi
Đông Nhi

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ